CafeLand - Thị trường nhà đất tại thành phố Huế bắt đầu xôn xao trước thông tin sẽ mở rộng địa giới hành chính từ ngày 1-7-2021.

Ngày 27/4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 đã thống nhất việc mở rộng thành phố Huế lên gấp 3,7 lần hiện hữu và sắp xếp thành lập lại các phường trực thuộc.

Thông tin này đã tác động đến thị trường bất động sản địa phương, như dự đoán của giới đầu cơ và môi giới nhà đất tại thành phố này.

Một số người trong ngành cho biết thị trường địa ốc tại Huế ngay sau Tết Tân Sửu đã có những đồn thổi xung quanh thông tin này, làm giá giao dịch nhiều khu vực nội thành Huế và vùng đô thị mới phía nam tăng từ 1,5-2 lần giá hiện hữu.

Cơ hội tăng giá đất?

Theo biểu quyết từ Thường vụ Quốc hội và báo cáo chi tiết, địa giới thành phố Huế kể từ ngày 01/7/2021 sẽ điều chỉnh tiếp giáp hai huyện Phú Vang, huyện Quảng Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và biển Đông.

Các dự án đô thị mới tại Huế đã có thông tin đồn thổi tăng giá từ sau Tết Tân Sửu. Ảnh: Nguyễn Dương

Có hai xã Thủy Vân, Thủy Bằng thuộc thị xã Hương Thủy; hai phường Hương Hồ, Hương An và bốn xã Hương Thọ, Hương Phong, Hương Vinh, Hải Dương thuộc thị xã Hương Trà; bốn xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh và thị trấn Thuận An thuộc huyện Phú Vang sẽ chuyển về thành phố Huế quản lý.

Qua đó, Huế sẽ hình thành 3 phường mới trên cơ sở nhập 6 phường cũ là Gia Hội, Thuận Lộc và Đông Ba; điều chỉnh mở rộng địa giới phường Tây Lộc và phường Thuận Hòa; thành lập thêm 4 phường mới là Hương Vinh, Thủy Vân, Phú Thượng, Thuận An trên cơ sở điều chỉnh nguyên trạng các xã Hương Vinh, Thủy Vân, Phú Thượng và thị trấn Thuận An.

Như vậy, diện tích thành phố Huế được mở rộng gấp 3,7 lần, tăng từ hơn 71 km2 hiện hữu lên gần 266 km2. Thành phố sẽ quản lý 36 đơn vị hành chính cơ sở gồm 29 phường và 7 xã, tăng 9 đơn vị cơ sở so với trước đây.

Theo một số đơn vị môi giới bất động sản, những điều chỉnh thay đổi này sẽ tác động đến thị trường bất động sản địa phương. Giá trị nhà đất sẽ thay đổi khi dịch chuyển từ xã lên phường, từ thị xã lên thành phố, từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư, đất chỉnh trang đô thị.

Do đó, sẽ không có gì lạ khi thị trường bất động sản Huế sẽ sôi động hơn vào những ngày cuối tháng 4 này.

Cần minh bạch thông tin

Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thị trường nhà đất tại thành phố Huế từ sau Tết Tân Sửu đã có những biến động khó lường, và nay sẽ càng phức tạp hơn.

Thông tin về các dự án phát triển, mở rộng vành đai đô thị mới từ Huế đã được nhiều tổ chức và môi giới nhà đất đồn thổi thời gian qua. Thông tin này vừa tạo tâm lý sôi nổi hơn trong giới kinh doanh, nhưng cũng gây hoang mang cho không chỉ nhà đầu tư mà cả người dân bản địa.

Điều chỉnh quy hoạch địa giới thành phố Huế đang thu hút nhiều người quan tâm.

Chỉ nói riêng các khu vực nhà đất liên quan đến 4 phường mới thành lập từ các xã trước đây, khu vực giáp ranh 6 phường sáp nhập lại còn 3 phường, và việc sáp nhập từ phường Phú Thuận hiện có sang 2 phường Tây Lộc và Phú Hòa đang có những xáo trộn trước thông tin trên.

Hiện một số môi giới bất động sản địa phương đang “rỉ tai” nhau rằng sẽ có các nhà đầu tư từ Hà Nội và một số tỉnh phía bắc, từ TP.HCM và cả từ Đà Nẵng và Quảng Nam đến Huế để “thâu tóm đất đai”.

Theo chính quyền thành phố Huế, khả năng diễn biến phức tạp về tình hình nhà đất địa phương là có thể xảy ra. Do đó, ngay trước thời điểm hiệu lực điều chỉnh địa giới được thực thi, địa phương sẽ khẩn trương rà soát và có các thông tin cần thiết để minh bạch quy hoạch, sắp xếp lại các cơ sở hành chính trực thuộc, tránh để cho các đối tượng đầu cơ, cò mồi có mục đích tổ chức thông tin trục lợi.

Nguyễn Dương
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.