Nhằm giải quyết các vướng mắc còn tồn tại ở dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP HCM, sáng 16-7, đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã thị sát tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Đoàn cũng đã làm việc với lãnh đạo UBND TP, chỉ đạo các bộ - ngành nỗ lực thực hiện các giải pháp cần thiết liên quan đến những dự án còn lại.
Chất lượng đạt yêu cầu
Đoàn công tác đã trực tiếp đến công trường thi công ga Nhà hát TP, ga Ba Son (quận 1); bãi đúc dầm (quận 9) và công trường thi công tại quận 2.
Báo cáo với đoàn công tác Chính phủ, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị (BQLĐSĐT) TP HCM, cho biết toàn tuyến metro số 1 dự kiến sẽ vận hành năm 2020. Ba trong số 5 gói thầu đang được triển khai, 2 gói còn lại chuẩn bị tổ chức đấu thầu. Trong đó, gói thầu 1a (đoạn từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP) đã lập xong thiết kế kỹ thuật, dự toán và hồ sơ mời thầu, riêng thiết kế kỹ thuật đang được UBND TP xem xét phê duyệt. Nếu gói thầu này được duyệt sẽ triển khai công tác đấu thầu trong quý III/2015.
Gói thầu 1b (đoạn từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son) đã hoàn tất tường vây và cọc chống, đang thi công sàn tạm và đào đất bên dưới, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015. Riêng ga Ba Son đang thi công tường dẫn, tường vây.
Gói thầu số 2 (đoạn trên cao và depot) dài 17,1 km từ ga Ba Son đến tỉnh Bình Dương đã đạt 36% khối lượng công việc, đang đúc dầm và lao lắp dầm.
“Ngoài ra, 10 trong số 11 nhà ga đã xây dựng xong phần dưới, đang thi công phần thượng. Gói thầu số 3 đang trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật, dự kiến hoàn thành trong quý I/2016” - ông Cường cho biết. Về đầu máy, toa xe, BQLĐSĐT TP HCM đang yêu cầu nhà thầu Hitachi chỉnh sửa theo một số ý kiến cơ bản và đã báo cáo UBND TP xem xét quyết định.
“Nhìn chung, chất lượng xây dựng các hạng mục đạt yêu cầu. Công tác an toàn, môi trường đều được các nhà thầu, tư vấn quản lý chặt chẽ, thực hiện đầy đủ các quy định. Riêng các hạng mục thi công của gói thầu 1b và 2 đã được Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra, đánh giá và kết luận đạt yêu cầu” - ông Cường thông tin.
Theo BQLĐSĐT, đến nay, dự án đã giải ngân được 9,4% vốn đối ứng và 13,6% vốn vay ODA. Dự án số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã bàn giao ranh thu hồi đất cho các quận dọc tuyến, đang triển khai các thủ tục để tuyển chọn tổng thầu thiết kế và thi công. Tuyến đường sắt đô thị số 5 đang thực hiện các thủ tục trình duyệt theo quy định. Các tuyến còn lại đang được BQLĐSĐT nghiên cứu lập dự án đầu tư (trừ tuyến đường sắt đô thị số 3a và 3b).
Đề nghị Chính phủ hỗ trợ
Tuy vậy, theo BQLĐSĐT, các dự án vẫn còn một số vướng mắc, trở ngại cần Chính phủ hỗ trợ để sớm đồng loạt đưa vào sử dụng.
Theo đó, đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ khoảng 500 triệu USD nguồn vốn vay Ngân hàng ABD giai đoạn 2015-2020 đối với các dự án tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương. Kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công - tư) đối với dự án tuyến đường sắt đô thị số 6, tuyến monorail số 2 và 3, tuyến xe điện mặt đất số 1. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 để xin ý kiến chỉ đạo. Cho phép Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ định tổng thầu thiết kế, thi công, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật đối với dự án này. Chỉ đạo các bộ - ngành hỗ trợ TP thực hiện các thủ tục pháp lý với nhà tài trợ để bổ sung nguồn vốn dự án phù hợp với quy trình thủ tục các nhà thầu tài trợ và pháp luật Việt Nam. Đồng thời, chấp thuận cho TP xây dựng giai đoạn 1 tuyến đường sắt đô thị số 5 (đoạn từ ngã tư Bảy Hiền đến cầu Sài Gòn). Sớm xem xét hỗ trợ TP tiếp nhận các đề xuất hỗ trợ kỹ thuật từ chính phủ Hàn Quốc đối với dự án tuyến nhánh sân bay Tân Sơn Nhất, tuyến metro số 5 giai đoạn 2…
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết sẽ báo cáo Quốc hội một cách tổng thể về tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương vào tháng 10 tới để xin ý kiến. Đồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập hội đồng thẩm định để đánh giá dự án tuyến đường sắt đô thị số 5.
Về việc chỉ định nhà thầu, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ GTVT hoàn toàn có thẩm quyền. Ngoài ra, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát lại để xây dựng một bộ quy chuẩn phù hợp đối với các dự án metro áp dụng cho cả nước.
Trước băn khoăn của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín về việc giá đền bù giải phóng mặt bằng tại khu vực giáp ranh của các địa phương không giống nhau dẫn đến khó khăn trong giải phóng mặt bằng, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường kết hợp với các địa phương nghiên cứu, đưa ra giá đền bù phù hợp. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GTVT, Bộ Xây dựng theo dõi, đánh giá năng lực của các đơn vị thực hiện dự án.
Đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ghi nhận nỗ lực của TP HCM trong quá trình thực hiện tuyến metro số 1. Tuy vậy, Phó Thủ tướng cho rằng dự án vẫn còn chậm trong khâu giải ngân, thanh toán nên TP cần đẩy mạnh công tác này; Bộ Tài chính cần tháo gỡ vướng mắc để hỗ trợ TP.
“Để vận hành, khai thác tốt tuyến metro số 1, TP HCM cần khẩn trương thực hiện công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm quyết định sự thành công của dự án” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.