Mô hình thành phố Thủ Đức nhìn từ Nhật, Hàn QuốcMô hình thành phố Thủ Đức nhìn từ Nhật, Hàn Quốc
CafeLand - Với người dân và chính quyền TP. HCM, một trong những sự kiện mở ra trong năm 2021 là sự hiện diện của “thành phố trong thành phố”. Không cần phải đến buổi lễ công bố quyết định thành lập được tổ chức long trọng trong ngày cuối cùng của năm 2020 cũng thấy được sự háo hức chờ đợi lẫn những kỳ vọng về một tương lai sáng lạn cho thành phố vốn đã được ấp ủ từ lâu.

Một đô thị khoa học sáng tạo, một trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế sẽ định hình, sẽ tác động sâu đến phát triển kinh tế và tăng trưởng GDP cho cả TP.HCM và cả nước.

Không ít người đang phân vân, cho rằng thành lập thành phố Thủ Đức là một… bước lùi, vì cuối cùng thành phố hóa ra chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện do vẫn phải trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương (là cấp tỉnh). Nhưng rõ ràng, các phường trực thuộc thành phố Thủ Đức sẽ mang dáng vẻ khác với các phường, xã của huyện/quận Thủ Đức ngày trước. Những kiến nghị và đề xuất tăng thẩm quyền và quyền tự chủ cho bộ máy chính quyền thành phố thuộc thành phố gửi đến công chúng nhiều thông điệp lạc quan hơn.

Cũng không có gì ngạc nhiên khi tại các cuộc thảo luận người ta mường tượng về Thủ Đức mai sau thông qua hình ảnh của phố Đông của Thượng Hải (Trung Quốc) hay Gangnam của Seoul (Hàn Quốc). Các địa danh này biểu đạt tiến trình phát triển của mô hình mẫu “thành phố trong thành phố”. Tuy nhiên, sự trùng hợp về thuật ngữ định vị đơn vị hành chính đôi khi chỉ là ngẫu nhiên. Điều quan trọng hơn hết là thể chế và cơ chế vận hành cho một mô hình phát triển chính quyền đô thị mới.

Bất luận thế nào, tăng cường tính chủ động và nới lỏng quyền tự quyết cho chính quyền đô thị ở địa phương là dấu chỉ cần được lưu tâm đúng mực. Ở khía cạnh này, kinh nghiệm của nhiều nước cũng đáng trở thành mô thức kiểu mẫu để thành phố Thủ Đức tham khảo.

Những mường tượng về một chính quyền đô thị mới giúp tôi có sự liên hệ với mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Nhật Bản. Ở Nhật, đơn vị hành chính cấp tỉnh (trực thuộc trung ương) cũng tồn tại một cách bền bỉ. Dù vậy, vai trò của cấp hành chính này ngày càng giảm đi rõ nét, thay vào đó là sự “trỗi dậy” của các chính quyền đô thị (municipalities - các thành phố), đặc biệt là sau khi hệ thống chính quyền địa phương hiện đại được giới thiệu vào cuối thế kỷ 19.

Là đơn vị hành chính thuộc tỉnh, chính quyền đô thị là các đơn vị cơ bản của chính quyền địa phương và được điều phối bởi thị trưởng, chức danh được bầu trực tiếp bởi cư dân địa phương, tương tự như Tỉnh trưởng của các tỉnh.

Để tiến hành hoạt động quản lý ở địa phương, các thành phố thành lập các Văn phòng phường (Ward Office) và quyết định số lượng các văn phòng này. Thông qua đó, các thành phố sẽ cung ứng đến cư dân địa phương dịch vụ nước, thu gom và xử lý rác thải, y tế công, phúc lợi xã hội, quản lý công viên, dịch vụ môi trường, quản lý kế hoạch phát triển, phát triển kinh tế, cứu hỏa và cứu hộ, giáo dục tiểu học và cao đẳng.

Vì không phải một cấp hành chính nên các phường không có “Hội đồng phường” tương tự như các Hội đồng thành phố tại đơn vị hành chính cấp thành phố. Tuy nhiên, Văn phòng phường tồn tại như một biểu tượng kết nối giữa chính quyền và người dân. Tại Nhật Bản, người dân gần như chỉ cần đến đây là có thể được giải quyết tất tần tật các loại công việc và thủ tục hành chính liên quan đến nhà nước và chính quyền.

Trên thực tế, chính quyền thành phố có thể trực tiếp tiến hành hoạt động hành chính mà không thành lập văn phòng phường ở một số nơi. Ngược lại, tại một số chính quyền địa phương đặc thù, đơn cử như Tokyo, các văn phòng có thể tổ chức và hoạt động theo mô hình thành phố, và vì vậy cũng có thị trưởng riêng cho mình.

Không phủ nhận là số lượng chính quyền đô thị trên toàn nước Nhật là khá lớn. Tuy nhiên, càng về sau, do các cuộc cải cách về sáp nhập đơn vị đô thị, con số thành phố của Nhật đã giảm xuống rất nhiều. Ấn tượng là vào thời điểm năm 2006, số lượng đơn vị thành phố đã giảm còn 44% so với năm 1999, cụ thể là từ con số 3.232 xuống còn 1.821 đơn vị. Khi phiên bản Luật pháp sáp nhập chính quyền đô thị mới được thông qua vào tháng 3/2010, con số này tiếp tục giảm xuống, và duy trì ở mức 1.727 đơn vị thành phố trên toàn nước Nhật.

Điều quan trọng là để có thể hoạt động hiệu quả, chính quyền địa phương nhận được sự phân cấp và phân quyền quản lý rất lớn. Một trong những nội dung đó chính là phân cấp ngân sách. Hay nói cách khác, chính quyền địa phương tại Nhật Bản được quyền thiết kế các khoản thu/chi riêng cho ngân sách địa phương. Các sắc thuế/chính sách hỗ trợ tài chính này vì vậy có thể có sự khác biệt với các địa phương khác.

Đương nhiên, để có thể tạo dựng nguồn thu, chính quyền địa phương tại xứ sở hoa anh đào luôn phải “cạnh tranh” với các địa phương khác trong việc thu hút cư dân đến cư trú. Ngược lại, để có thể sống tốt tại các thành phố “đáng sống” người dân phải… trả phí cho chính quyền.

Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc là quốc gia trong khu vực sớm đẩy mạnh chính sách phân quyền cho địa phương. Lần sửa đổi lớn và phát triển vượt bậc gần đây nhất là vào năm 1990. Kết quả, Kim Young-Sam (1993-1998) đã dựa vào đó để tiến hành cuộc bầu cử cả các thành viên hội đồng địa phương và các tỉnh trưởng/thị trưởng vào năm 1995. Kim Dae Jung (1998–2003) sau đó tiếp tục cải cách, đặt nền móng cho cuộc cải cách phân quyền mạnh mẽ, chưa có tiền lệ vào những năm 2000, dưới thời của tổng thống Roh Moo-Hyun.

Sau những nỗ lực đó, Luật đặc biệt thúc đẩy phân quyền được ban hành vào năm 2003. Đến 2006, Hàn Quốc cũng giới thiệu các giải pháp cải cách bổ trợ khác, đặc biệt là cơ chế tự quản đặc biệt cho Jeju.

Song trên thực tế, chương trình hành động mới của Hàn Quốc trong thời gian đó cũng gây không ít tranh cãi. Các đời tổng thống Hàn Quốc sau đó đã nhấn mạnh nhiều hơn vào các mục tiêu phát triển cân bằng giữa các vùng, mặc dù mô hình này cũng đã được nêu ra dưới thời Roh Moo-Hyun.

Có thể nói, ngoài Jeju, sự phát triển của “vùng cốt lõi” (core region) Gyeonggi trong số 15 tỉnh còn lại của Hàn Quốc là một trong những minh chứng cho sự phát triển một khu vực mới nhằm tạo đà cho sự bùng dậy của một vùng kinh tế đang có sự phát triển “thiếu cân bằng” với các vùng khác.

Đương nhiên, Gyeonggi là đơn vị hành chính cấp tỉnh, trực thuộc trung ương, và vì vậy mô hình tổ chức ít nhiều có sự khác biệt với thành phố Thủ Đức mà bài viết đang bàn luận. Tuy nhiên, cách thức mà Hàn Quốc đưa Gyeonggi đi lên so với vùng thủ đô Seoul lân cận có thể trở thành một trải nghiệm tốt.

Thực ra, Gyeonggi là vùng có sự hiện diện của Seoul và Hàn Quốc từ trước đã sáp nhập Seoul vào vùng Gyeonggi, nhưng vì là thủ đô, quy chế phát triển của Seoul đã được tách bạch khỏi các kế hoạch chung của vùng Gyeonggi. Kết quả, sự phát triển của vùng này theo hướng trở thành vùng vệ tinh của thủ đô Seoul.

Phần nào tương đồng với các trụ cột phát triển của thành phố Thủ Đức trong tương lai, các dấu chỉ cho sự phát triển của vùng Gyeonggi có thể được minh chứng bởi Khu công nghiệp Banwol-Siwha, Khu công nghệ Gyeoggi và mối quan hệ quản lý gữa các cấp hành chính, hạ tầng tri thức cao (dựa theo số lượng bằng sáng chế) và đặc biệt là chính sách phát triển đô thị đã được Hàn Quốc hoạch định khá rõ nét. Tất cả những điều này đến nay đã góp phần đưa Gyeonggi lên vị trí thứ hai về mức độ thịnh vượng, sau Seoul.

Các nghiên cứu về sự thay da đổi thịt của Gyeonggi cũng chỉ ra các bài học khác cơ bản. Trước hết, vai trò của chính sách phân cấp “từ trên xuống” (top-down) được triển khai sớm và mạnh mẽ. Tiếp đến, đó là sự tạo dựng hiệu quả chính sách phát triển từ yếu tố nội sinh tiềm năng của vùng, chẳng hạn như lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hùng hậu. Với trường hợp của Gyeoggi, số doanh nghiệp SME chiếm đến 33% tổng của cả nước. Rõ ràng, lựa chọn này khắc bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương rập khuôn chính quyền trung ương, theo kiểu trung ương có gì địa phương có đó, trong cách thức tổ chức bộ máy quản lý nhà nước ở nước ta lâu nay.

Cho đến thời điểm hiện nay chính quyền trung ương và các bộ có vai trò rất lớn trong sự phát triển của Gyeonggi, đặc biệt là các chương trình thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển công nghệ. Tuy nhiên, trong khi các nước có mô hình tổ chức khác biệt, Hàn Quốc hiện tại tiếp tục sử dụng mô hình “Hội đồng thị trưởng”, giống mô hình của Mỹ.

Hội đồng thị trưởng gồm tỉnh trưởng (cấp tỉnh), thị trưởng (thành phố) và các thành viên khác, với nhiệm kỳ 4 năm, áp dụng cho tất cả các thành viên. Đương nhiên, trong giai đoạn đầu thịnh vượng của tiến trình cải cách, hội đồng đã thể hiện rõ vai trò của mình trong thực thi quyền tự quyết trên cơ sở khung pháp lý của Luật về quyền tự quyết năm 1990, và đặc biệt là góp phần vào sự phát triển chung của vùng lẫn quốc gia sau đó.

Mười lăm năm trước, học giả Nguyễn Đăng Dung mở ra nhiều nét chấm phá mới cho những gợi ý về mô hình tổ chức chính quyền mới ở Việt Nam. Ở thời điểm đó, các lập luận của ông đã chỉ ra rằng, Việt Nam có thể lựa chọn mô hình tổ chức chính quyền “không hoàn chỉnh” ở một số cấp đơn vị hành chính cấp dưới, tương tự như mô hình không hội đồng phường tại các phường của Nhật bản mà bài viết đã nêu.

Cổ vũ cho chính sách phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, ông cỗ vũ có bức tranh cạnh tranh giữa các chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương thậm chí còn là nơi thử nghiệm cho các tài năng của quốc gia, như cách Mỹ đã tự hào xem các bang của nước họ như… các phòng thí nghiệm.

Điểm khá ấn tượng là tác giả đã giới thiệu mô hình phân cấp đậm chất Mỹ. Hẳn nhiên, với nhiều điểm khác biệt về điều kiện kinh tế - xã hội, mô hình này khó có thể sao chép nguyên mẫu vào Việt Nam. Tuy nhiên, chế độ thị trưởng của chính quyền đô thị là thể thức cần được lưu ý, như cách nhiều nước đã tiếp cận và vận dụng.

Với chế độ thị trưởng mạnh, thị trưởng có thể kiểm soát chặt chẽ hoạt động của cấp dưới. Ngược lại, với chế độ thị trưởng yếu, thị trưởng không có quyền bổ nhiệm các viên chức chấp hành. Hoạt động này được trao cho Hội đồng thành phố, thậm chí quyền phủ quyết của thị trưởng đối với các quyết định của Hội đồng thành phố cũng sẽ bị giới hạn hơn.

Nhưng cho dù thế nào, về cơ bản, thị trưởng sẽ là chức danh do cử tri trực tiếp bầu ra, vì ít ra về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn, “các thị trưởng được dân trực tiếp bầu ra dám thách thức thực trạng hơn những thị trưởng được cấp trên bổ nhiệm”. Trong lịch sử, đa số các cuộc cải cách đô thị lớn đều do thị trưởng do dân trực tiếp bầu ra khởi xướng.

Các bàn thảo và đề xuất gần đây đều cho rằng, bộ máy chính quyền thành phố Thủ Đức cần được tăng cường. Cụ thể, số lượng chủ tịch, phó chủ tịch và quyền hạn của các chức danh này cũng được mở rộng, và trong một số trường hợp chuyển giao từ chính quyền TP.HCM sang. Có thể xem đây là một hướng tiếp cận mở. Đương nhiên, thay đổi thuật ngữ và chức danh chủ tịch sang thị trưởng là một khoảng cách. Việc lựa chọn phương thức dân bầu chức danh chủ tịch thành phố/thị trường cũng cần phải được nghiên cứu.

Khi quyết tâm cải cách và chấp nhận khác biệt thì cái mới luôn cần một sự bắt đầu. Điều quan trọng không phụ thuộc ở sự tương đồng hay khác biệt về mặt danh xưng. Cốt lõi nằm ở sự cơ chế vận hành có thể tiếp thu để tăng cường hiệu quả của bộ máy quản lý, điều hành.

Suy cho cùng, theo như cách diễn đạt của Nguyễn Đăng Dung, một chính quyền đô thị mới cần có những chính khách - là những người làm nên chính sách, hơn là những công chức hành chính - là những người thừa hành và thực thi chính sách.

Thực tình, tôi không quan tâm nhiều về những thông số “vật chất” được thuyết minh cho một viễn cảnh mới của thành phố Thủ Đức. Sáp nhập thì ắt hẳn sẽ giảm… số quận, bộ máy và nhân sự. Đường sá, bến xe, cầu cảng… thì vẫn cứ yên vị, như chúng sẽ hiển nhiên hiện diện dù một thành phố trong thành phố có ra đời hay không. Cho nên, điều quan trọng là một thành phố như vậy khi ra đời sẽ tồn tại, vận hành và kích hoạt ra sao cho sự phát triển của thành phố.

Cho đến thời điểm hiện tại, điều mà người dân chú ý và đặt sự kỳ vọng nhất chính là chiến lược kết nối giữa ba trụ cột chính trong một không gian đô thị sáng tạo, tương tác cao ở phía đông thành phố: Trung tâm tài chính Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao và đô thị đào tạo, nghiên cứu bậc cao ĐHQG TP.HCM. Về mặt pháp lý, thành phố Thủ Đức tiếp tục là đơn vị hành chính cấp huyện (quận). Tuy nhiên, với một không gian đô thị mới với với nhiều kết nối liền mạch trong tương lai, chúng ta có thể hình dung về Thủ Đức cùng với một diện mạo mới đối với chính quyền đô thị mới khi những cải cách và mô thức vận hành mới, phù hợp được vận dụng dần dần trong nay mai.

Trương Trọng Hiểu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.