Theo nhà đầu tư George Soros, một trong những tỷ phú từ thiện nhiều nhất thế giới, Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế sau khi sự bùng nổ của thị trường bất động sản kết thúc vào năm 2021.

Trong một bài phát biểu gần đây tại Đại học Stanford, tỷ phú này cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình có thể gặp khó, thậm chí là không thể khôi phục niềm tin trong ngành bất động sản, vốn đã bị ảnh hưởng bởi hàng loạt vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp trong năm qua.

Ông Soros cho biết sự bùng nổ của thị trường bất động sản Trung Quốc dựa trên một mô hình "không bền vững" mang lại lợi ích cho chính quyền địa phương và khuyến khích người dân đầu tư phần lớn số tiền tiết kiệm được vào ngành này. Ngoài ra, ông cho rằng các chính sách của chính phủ được thiết lập để hạn chế sự bùng nổ đã khiến cho gã khổng lồ Evergrande gặp khó trong việc trả nợ.

China Evergrande đang quay cuồng với tổng nợ hơn 300 tỷ USD, bao gồm khoảng 19 tỷ USD trái phiếu ra nước ngoài do các nhà quản lý tài sản quốc tế và các ngân hàng tư nhân thay mặt cho khách hàng của họ nắm giữ. Evergrande đã hoạt động tích cực trong nhiều tháng gần đây để huy động tiền mặt nhằm trả nợ cho những các bên liên quan.

Những quan chức chính phủ đã được cử đến công ty để giám sát việc tái cấu trúc, nhưng không có gì chắc chắn về những thứ sắp xảy ra. Evergrande đã đề nghị gia hạn thời gian, nhưng một số người cho vay tỏ ra không muốn chờ đợi.

Ông Soros nói trong một cuộc thảo luận về những diễn biến ở Trung Quốc và cách Mỹ nên phản ứng với cuộc khủng hoảng: “Chúng ta vẫn còn phải chờ xem các nhà chức trách Trung Quốc và các doanh nghiệp sẽ xử lý cuộc khủng hoảng này như thế nào. Họ có thể đã trì hoãn việc giải quyết các vấn đề quá lâu, bởi vì lòng tin của người dân giờ đây đã bị lung lay".

Trong những năm gần đây, ông Soros nổi lên như một chuyên gia về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Vào tháng 9, nhà đầu tư huyền thoại và là chủ tịch của Open Society Foundations cho biết nhà quản lý tài sản hàng đầu thế giới BlackRock đã mắc phải một "sai lầm nghiêm trọng" khi mở rộng kinh doanh tại Trung Quốc. Ông cũng chỉ trích Bắc Kinh về các chính sách giám sát và thắt chặt hoạt động kinh doanh tư nhân.

Trung Quốc hiện đang đối mặt với rủi ro từ thị trường bất động sản, theo Soros, người đã phát biểu chỉ vài ngày trước khi Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh bắt đầu.

“Giá bất động sản giảm sẽ khiến nhiều người đầu tư chống lại các chính sách của ông Tập Cận Bình bởi phần lớn trong số họ dành dụm tiền tiết kiệm để tham gia thị trường bất động sản. Tình hình hiện tại không quá khả quan. Chủ tịch Tập Cận Bình có sẵn nhiều công cụ để thiết lập lại lòng tin, nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu ông ấy có sử dụng chúng đúng cách hay không”, ông Soros nói.

Các nhà phân tích từ lâu đã lo ngại rằng sự sụp đổ của China Evergrande có thể gây ra rủi ro lớn hơn cho thị trường bất động sản Trung Quốc, làm tổn thương sức khỏe tài chính các chủ sở hữu và xa hơn là cả hệ thống tài chính rộng lớn của đất nước. Bất động sản và các ngành liên quan chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 8,1% trong năm ngoái, vượt xa các mục tiêu của chính phủ. Dù vậy, mức tăng trưởng suy yếu trong những tháng cuối năm 2021 cho thấy cuộc khủng hoảng bất động sản, các đợt bùng phát Covid mới và cách tiếp cận nghiêm ngặt của Bắc Kinh trong việc kiểm soát dịch bệnh đã khiến nền kinh tế gánh chịu hậu quả.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến ​​mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chậm lại, giảm xuống khoảng 4,8% vào năm 2022.

Anh Nguyễn (CNN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.