16/01/2018 10:36 AM
Nhiều ngày qua các tài xế và người dân phản ứng BOT ở khu vực miền Tây khiến tất cả đều mệt mỏi. Không chỉ nhà đầu tư, tài xế, doanh nghiệp mà hành khách cũng ngao ngán vì cảnh ùn tắc giao thông do BOT bị phản ứng.

BOT Sóc Trăng liên tiếp bị phản ứng, xả rồi thu, thu rồi xả trong 7 ngày liên tiếp.

Hàng loạt BOT bị phản ứng

Đầu tiên là BOT Cai Lậy, Tiền Giang bị phản ứng khiến Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm dừng thu phí 2 tháng để tìm phương án giải quyết. Trong khi BOT Cai Lậy vẫn chưa có phương án giải quyết thì đầu năm 2018, BOT Phụng Hiệp, Cần Thơ cũng bị phản ứng dù trước đó đã có quyết định giảm giá vé cho người dân vùng phụ cận.

Hiệu ứng lan truyền đến BOT Sóc Trăng từ ngày 7.1 cho đến ngày 12.1 BOT Sóc Trăng chính thức giảm giá. Dù giảm giá nhưng các tài xế vẫn phản ứng. Khi BOT Sóc Trăng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm thì trạm thu phí T2, An Giang bị phản ứng vì cho rằng đặt sai vị trí. Liền theo đó là BOT T1, Ô Môn, Cần Thơ cũng bị phản ứng…

Hình thức phản ứng gần như giống nhau: Dùng tiền lẻ, đậu xe tại làn đường thu phí thắc mắc vì sao đã thu phí xăng dầu, phí bảo trì đường bộ rồi lại thu phí BOT trên Quốc lộ; không đi đường tránh sao thu luôn đường tránh; đề nghị đặt trạm thu phí đúng vị trí, không đặt trên Quốc lộ 1A… Đáng chú ý tại BOT Sóc Trăng sự phản ứng có lúc lên đến cao điểm khi mà các tài xế tự di dời dải phân cách tạm để cho xe chạy qua làn dành cho xe máy; tổ chức múa lân; cúng nhà mả, heo quay, bẻ thanh chắn cho xe qua…

Tình trạng các trạm BOT miền Tây bị phản ứng khiến cho các DN gặp không ít khó khăn. Chủ DN Chế biến thủy sản xuất khẩu Âu Vững, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu âu lo “Chúng tôi có nguy cơ phải bồi thường hợp đồng cho đối tác nước ngoài do chậm cung cấp hàng hóa. Nguyên nhân do các BOT từ Bạc Liêu đi TPHCM liên tiếp bị ùn tắc khiến thời gian không chủ động được”.

Bà Trần Thanh Phương - phường 2, TP.Bạc Liêu - bức xúc: “BOT có cái khổ của họ, tài xế có cái lý của họ. Ai cũng có lý do, nhưng mọi người có biết nỗi khổ của chúng tôi đâu. Tôi chở người nhà đi khám bệnh tại TPHCM từ Bạc Liêu mất nhiều giờ; thậm chí chậm hơn so với trước khi mở rộng quốc lộ cách đây 7 năm”.

Thời gian đi lại “giật lùi”, là nỗi khổ của người dân miền Tây do những hệ lụy từ những việc phản ứng BOT khu vực này.

Nhà đầu tư BOT và chính quyền chưa gặp nhau

Biểu hiện rõ nhất là UBND tỉnh An Giang đã có ý kiến đề nghị di dời BOT T2 vì theo địa phương là chưa hợp lý. Văn bản này chưa được Bộ GTVT trả lời kịp thời. Cũng liên quan đến BOT T2, UBND TP.Cần Thơ chính thức cho nghiên cứu tìm đường khác cho xe chạy mà không qua trạm BOT T2. Điều này cho thấy chính quyền địa phương chưa thật sự đồng thuận với nhà đầu tư BOT tại đây.

Tương tự như vậy, trước tình trạng lộn xộn tại BOT Sóc Trăng, UBND tỉnh này đề nghị xả trạm một thời gian để ổn định tình hình, nhưng không được BOT Sóc Trăng chấp nhận. Tại buổi làm việc với đại diện Bộ GTVT vào ngày 9.1, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị giảm giá vé cho tất cả các xe mang biển số Sóc Trăng cũng không được BOT Sóc Trăng đồng ý.

Lý giải về chuyện này, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch HĐTV Cty TNHH BOT Quốc lộ 1 Sóc Trăng - cho rằng, việc xả trạm nằm ngoài khả năng của BOT Sóc Trăng. “Việc giảm giá toàn bộ cho xe Sóc Trăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dự án vì chúng tôi đã đầu tư trên 1.000 tỉ đồng” - ông Phương cho biết.

Thậm chí một tờ báo địa phương vô tình viết giảm phí qua trạm BOT Bạc Liêu, đơn vị này lập tức đề nghị đính chính vì cho rằng chỉ giảm cho vùng phụ cận.

Xem ra các BOT miền Tây vẫn cương quyết thu phí dù bị phản ứng từ nhiều phía.

BOT Cai Lậy: Đã họp liên bộ nhưng chưa chốt phương án xử lý

Chiều 15.1, Bộ GTVT, Bộ Tài chính và một số cơ quan liên quan đã có cuộc họp cùng UBND tỉnh Tiền Giang để tìm lối thoát cho dự án BOT Cai Lậy. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, cuộc họp chưa đưa ra phương án cuối cùng để báo cáo Thủ tướng.

Tới nay đã hơn 1 tháng sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) để Bộ GTVT và các bộ, ngành làm rõ mọi vấn đề, đề xuất phương án xử lý, tuy nhiên, báo cáo gửi Thủ tướng vẫn chưa có và một lãnh đạo Bộ GTVT cho báo giới biết còn cần ít nhất hai tháng nữa để bàn bạc, tính toán.

Tới nay, Bộ GTVT đã đề xuất nhiều giải pháp cho BOT Cai Lậy nhưng chưa có câu trả lời thực sự khả thi, trong đó có việc xây thêm trạm thu phí trên tuyến tránh và xây trạm thu phí trên quốc lộ 1 để tách dời hai dự án.

K.H

Chủ đề: Các dự án BT, BOT
Nhật Hồ (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.