Trước những căng thẳng tại trạm thu phí Sóc Trăng (xã An Hiệp, huyện Châu Thành) suốt 10 ngày qua, lãnh đạo trạm đã chuẩn bị sẵn một văn bản để giải thích những thắc mắc của các tài xế.
Tuy nhiên, các tài xế cho rằng những giải đáp này không giải quyết thỏa đáng được những thắc mắc lâu nay của họ. Thay vào đó, văn bản trả lời này càng khiến nhiều người tỏ ra bức xúc, giận dữ hơn vì cho rằng lãnh đạo trạm BOT Sóc Trăng đang cố tình thách thức tài xế.
Văn bản trả lời tài xế của trạm thu phí Sóc Trăng.
Cụ thể, tại câu hỏi "Quốc lộ đi từ đó đến giờ, tại sao anh lại thu phí tôi?", trạm thu phí Sóc Trăng trả lời: "Việc anh nói phù hợp với các quốc gia phát triển khác, nhưng trong điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay nợ công đang quá lớn, với những áp lực về tai nạn giao thông tăng nhanh... nên Chính phủ mới kêu gọi đầu tư BOT để sớm giảm thiểu tai nạn giao thông và làm tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội.
Còn việc lựa chọn tuyến đường khác thì báo với anh rằng anh còn nhiều tuyến để đi qua trạm này như tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, tuyến đường Nam Sông Hậu...
Tuy nhiên đường này nhỏ và xấu, khó đi nên các anh đi tuyến này (Quốc lộ 1 - PV) tốt hơn dù phải tốn tiền nhưng anh tiết kiệm được thời gian và chi phí khác nhiều hơn, nên anh phải mua vé sử dụng dịch vụ là phù hợp".
Ngay sau khi nhận được văn bản trả lời của trạm thu phí Sóc Trăng, anh Hồ Thành Công (ở Bình Dương) bất mãn lên tiếng: "Mỗi năm nhà nước đều thu phí bảo trì đường bộ để phát triển kinh tế. Các tỉnh Vĩnh Long và Long An cũng mở rộng Quốc lộ 1 như vậy sao họ không thu phí mà ở Sóc Trăng lại thu?
Quốc lộ 1A là hiện hữu từ xưa đến nay, do cha ông mình đổ máu, chiến đấu để giành lại cho đất nước và người dân đi lại. Nay trạm thu phí đặt trên Quốc lộ 1A này với lý do thu phí tuyến tránh, thời gian thu 18 năm 9 tháng.
Giờ các anh (lãnh đạo trạm thu phí Sóc Trăng - PV) nói chúng tôi sợ tốn phí thì đi đường khác, các anh ngồi trên pháp luật luôn hay sao?".
Tài xế vây kín, phản đối BOT Sóc Trăng.
Đồng quan điểm với anh Công, nhiều tài xế cho rằng trạm thu phí trả lời như vậy là đang thách thức người dân.
"Quốc lộ là của Nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm bảo trì, sửa chữa, nâng cấp cho dân đi. Còn người dân có trách nhiệm đóng phí mỗi năm. Tại sao giờ còn đẻ ra thêm trạm BOT đặt trên Quốc lộ để thu phí tuyến tránh?", tài xế khác đặt câu hỏi.
Bên cạnh việc phản ứng với câu trả lời của chủ đầu tư BOT Sóc Trăng, các tài xế cũng đặt ra nhiều câu hỏi: " Số tiền bảo trì đường bộ mỗi năm phải đóng được sử dụng vào mục đích gì? Ở đâu? Tại sao giờ lại để cho doanh nghiệp tư nhân mở rộng Quốc lộ rồi ngang nhiên thu phí?"
Theo tìm hiểu của PV, một nhà xe chạy tuyến Sóc Trăng đi TP.HCM mỗi năm đóng khoảng 7 triệu đồng tiền phí bảo trì đường bộ.
Riêng đối với trạm thu phí Sóc Trăng, nhà xe này phải mua vé 1,2 triệu đồng/tháng/xe, dù chỉ chạy từ bến xe TP Sóc Trăng ra thẳng Quốc lộ 1, không hề chạy 1 mét đường tránh nào.
Chính từ sự vô lý này nên suốt 10 ngày qua, trạm thu phí Sóc Trăng liên tục bị tài xế phản đối buộc phải xả trạm. Mặc dù đã được giảm giá vé qua trạm nhưng các tài xế vẫn không đồng ý mà yêu cầu dời hẳn trạm về đường tránh TP Sóc Trăng.
-
Thái Bình dừng hợp đồng BOT dự án tuyến đường bộ gần 2.600 tỷ đồng từ thành phố đi cầu Nghìn
Mới đây, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức họp với các sở, ngành và đại diện liên danh nhà đầu tư về đàm phán thỏa thuận chấm dứt thực hiện hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ từ TP Thái Bình đi cầu Ng...
-
Phó Thủ tướng chỉ đạo rà soát các dự án BOT giao thông
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải rà soát, đánh giá toàn diện các dự án BOT giao thông bao gồm cả dự án Bộ Giao thông vận tải quản lý và các dự án do các địa phương quản lý....
-
Cận cảnh khu đất vừa được Hà Nội cho phép xây dựng công trình nhà ở thấp tầng tại Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5
Ngày 31.10 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã có chỉ đạo về việc xử lý vi phạm tồn tại của Khu đô thị Thanh Hà A, B – Cienco 5 (tại huyện Thanh Oai và quận Hà Đông).