02/05/2013 8:06 AM
Bí bách về tiền bạc hoặc cần vốn làm ăn, nhưng nhiều gia đình lại không thể vay được tiền từ ngân hàng, trong khi hoạt động “tín dụng đen” và ủy thác vay vốn lại biến tướng khó lường. Vì thế, không ít người đã vô tình mất nhà cửa trong cay đắng.

Được vay tiền quá dễ dàng, nhiều người đã sập “bẫy” và có nguy cơ mất nhà. Ảnh minh họa: Phú Khánh

Không vay mà nợ

Những ngày gần đây, vợ chồng anh Nguyễn Quang Trung ở xã Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội “như đứng đống lửa, như ngồi đống than”, bởi mảnh đất hương hỏa gần 250m2 đang đứng trước nguy cơ bị ngân hàng phát mại. “Soi” lại bản hợp đồng ủy quyền về tài sản và tờ giấy vay tiền, vợ chồng anh Trung chết lặng.

Cách đây gần 3 năm, do cần vốn làm ăn, nhưng không thể vay được tiền từ ngân hàng, qua người bạn giới thiệu, vợ chồng anh này tìm đến đặt vấn đề vay của chị Nguyễn Thị Tuyết Lan, trú ở quận Tây Hồ 300 triệu đồng. Đổi lại, vợ chồng anh Trung phải giao tấm “sổ đỏ” mảnh đất của gia đình cho chị Lan để chị này vay giúp tiền từ ngân hàng. Do thiếu hiểu biết, vợ chồng anh Trung không ngần ngại ký vào bản hợp đồng ủy quyền (thời hạn 36 tháng) với nội dung giao cho chị Lan toàn quyền đứng ra làm thủ tục vay tiền ngân hàng hoặc bảo lãnh cho bên thứ 3 vay vốn của các tổ chức tín dụng.

Có được bản hợp đồng ủy quyền cùng “sổ đỏ” của vợ chồng anh Trung, Lan lập tức giao cho ông Phạm Văn Hạnh, ở huyện Thanh Trì đem đến thế chấp tại một ngân hàng để vay số tiền 1,8 tỷ đồng. Đến nay, cho dù bản hợp đồng tín dụng giữa ông Hạnh và ngân hàng đã hết từ lâu, nhưng người vay vốn vẫn không chịu thanh toán nợ và yêu cầu giải chấp “sổ đỏ”. Chính vì thế mà khoản vay nợ của ông Hạnh lập tức được chuyển hóa sang vợ chồng anh Trung. Tính cả tiền gốc, lãi đến hạn và lãi quá hạn, hiện tổng số tiền phát sinh từ khoản vay nợ bằng việc thế chấp “sổ đỏ” trong vụ việc này đã xấp xỉ gần 3 tỷ đồng.

Tiếp xúc với chúng tôi, anh Trung bần thần cho biết, mới đây, anh được ngân hàng gọi lên thông báo và xác nhận khoản vay nợ kia. Ngân hàng cho biết vì gia đình anh đã ủy quyền cho bên thứ 3 đứng ra dùng “sổ đỏ” của gia đình thế chấp vay tiền, nay nếu không muốn bị phát mại nhà đất thì phải nhanh chóng hoàn trả toàn bộ số nợ phát sinh mà ông Hạnh đã đứng ra vay mượn nếu không thì ngân hàng buộc phải áp dụng các biện pháp cần thiết mà các bên đã cam kết, thỏa thuận.

Tự trách bản thân

Vụ việc của vợ chồng anh Trung không phải là trường hợp hiếm gặp vào thời điểm hiện nay. Mới đây TAND TP Hà Nội đã tuyên bố cho một ngân hàng thắng kiện trong vụ án tranh chấp vay nợ. Người “bỗng dưng” mất nhà là ông Trần Ngọc Quang, trú ở xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội. Năm 2007, do cần 400 triệu đồng làm ăn, nhưng lại không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng nên ông Quang đã cậy nhờ một người quen ở quận Tây Hồ. Sau khi nhận ủy quyền vay vốn bằng việc thế chấp quyền sử dụng mảnh đất 82m2 của gia đình ông Quang, người quen của ông này lại bán đứt cho một người thứ 3. Sau đó, người mua nhà của ông Quang mang “sổ đỏ” đến ngân hàng thế chấp vay gần 2 tỷ đồng. Gia đình ông Quang chỉ biết sự việc rối rắm này khi ngân hàng tìm đến đòi nhà vì người dùng “sổ đỏ” thế chấp vay tiền không trả được nợ.

Nói về những trường hợp như của gia đình anh Trung hay ông Quang nêu trên, luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, đứng về mặt pháp lý thì ngân hàng hoàn toàn có cơ sở để phát mại tài sản thế chấp. Thế nhưng ở chừng mực nào đó thì việc bán nhà đất như của gia đình anh Trung không thật sự thuyết phục. Bởi lẽ trước khi quyết định cho vay vốn, bao giờ ngân hàng cũng phải thẩm tra tài sản thế chấp và phương án sản xuất, kinh doanh rất kỹ càng. Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ nắm rõ được nhu cầu vay vốn thực sự, việc sử dụng đồng vốn ra sao cũng như khả năng trả nợ thế nào. Và để tránh rủi ro cho tất cả các bên, ngân hàng nhất thiết phải tiến hành “đối chất” giữa người ủy quyền và người nhận ủy quyền đối với khoản tiền vay thực tế. Cái lợi từ việc làm này trước hết thuộc về ngân hàng, nhất là trong bối cảnh bất động sản “đóng băng” như hiện nay. Cũng theo luật sư Tiến, ngoài việc chủ động của ngân hàng thì Luật Công chứng cũng đã quy định rõ công chứng viên phải giải thích cặn kẽ về hậu quả pháp lý cho các bên đương sự khi họ tiến hành hợp đồng ủy quyền tài sản với nhau, đặc biệt là đối với bất động sản. Tuy nhiên, trong thực tế thì không phải hợp đồng ủy quyền nào công chứng viên cũng giải thích tỉ mỉ, thậm chí một số người còn cố tình “lờ” đi.

Riêng đối với những người bị mất nhà cửa từ việc ủy quyền thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng, luật sư Tiến cho rằng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Vì rằng đây chỉ là một giao dịch dân sự thông thường trong vô vàn các giao dịch diễn ra hàng ngày. Một khi không hiểu rõ, không biết rõ về nó thì chớ có dại mà “nhắm mắt”
ký bừa.

  • Tiền sử dụng đất: Sáu năm tính chưa xong!

    Tiền sử dụng đất: Sáu năm tính chưa xong!

    Giấy chứng nhận cũ đổi qua giấy mới nhưng do cơ quan thuế chưa tính được tiền sử dụng đất nên giấy mới bị “treo”.

  • Cho thuê nhà để đi ở trọ

    Cho thuê nhà để đi ở trọ

    Hiện nay đang có xu hướng nhiều gia đình có nhà diện tích rộng, ở những khu vực thuận lợi cho việc kinh doanh, buôn bán... đã cho thuê nhà mình rồi đi thuê nhà ít tiền hơn để ở.

Minh Long (An ninh Thủ đô)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.