Ảnh minh họa: DAD
Sau đó, dù phát hiện lừa đảo nhưng bên bán không kịp “trở tay” vì bên mua đã kịp yêu cầu công chứng viên thực hiện lời chứng và phát hành hợp đồng mua bán.
Công an “chỉ qua” tòa, tòa kiến nghị khởi tố
Năm 2016, hai người con ủy quyền cho mẹ là bà Nguyễn Thị Kim Hồng bán căn nhà 458/86 đường 3 Tháng 2, P.12, Q.10 (TP.HCM) cho ông Phạm Thành Tiến Thịnh (29 tuổi, thường trú Đồng Nai), giá thỏa thuận mua bán 9,7 tỉ đồng; thanh toán làm 2 đợt. Đợt 1, trong ngày 6.1.2017, hai bên đến Phòng Công chứng (PCC) số 7 (Q.6) ký tên, lăn tay vào hợp đồng chuyển nhượng nhà và ông Thịnh sẽ thanh toán 3,5 tỉ đồng trong ngày 6.1.2017 nhằm giải chấp sổ đỏ căn nhà đang được thế chấp tại ngân hàng.
Đợt 2 cũng trong ngày 6.1.2017, các bên thỏa thuận cùng đến chi nhánh ngân hàng ở P.14 (Q.10) để lấy sổ tiết kiệm mang tên bà Hồng với đúng số dư 6,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi đến ngân hàng thì hết giờ làm việc. Đến 21 giờ ngày 6.1.2017, ông Thịnh đưa cho bà Hồng “Thư xác nhận số dư” do “giám đốc ngân hàng” chi nhánh nói trên xác nhận bà Hồng tại thời điểm 16 giờ cùng ngày có số dư 6,2 tỉ đồng.
Theo bà Hồng, khoảng 8 giờ ngày 7.1.2017, gia đình bà cùng ông Thịnh, bà Phạm Thị Tím (người sẽ đứng tên mua nhà - PV) đến chi nhánh ngân hàng nói trên kiểm tra, xác nhận số dư để các bên tiếp tục ra công chứng hoàn tất việc mua bán. Tại đây, ngân hàng trả lời không có người như tên “giám đốc” đã ký vào “thư xác nhận” mà ông Thịnh đưa. Lập tức, bà Hồng cùng gia đình đưa ông Thịnh, bà Tím lên Công an P.14 giải quyết.
Thấy sự việc xảy ra ở P.12, Công an P.14 đưa ông Thịnh về P.12 lấy lời khai. Cùng lúc, bà Hồng đến Văn phòng Đăng ký đất đai Q.10 trình báo và nộp đơn ngăn chặn việc sang tên đối với căn nhà. Ngày 17.2.2017, Cơ quan CSĐT Công an Q.10 có công văn gửi chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Q.10 tạm ngưng giải quyết thủ tục sang tên căn nhà liên quan.
Tuy nhiên, ngày 13.4.2017, Cơ quan CSĐT Công an Q.10 lại có công văn đề nghị giải tỏa việc tạm ngưng vì xác định vụ việc là tranh chấp dân sự, không thuộc thẩm quyền của cơ quan CSĐT. Công an Q.10 cũng có văn bản đề nghị bà Hồng khởi kiện vụ việc ra TAND Q.10 giải quyết.
Tuy nhiên, khi hồ sơ qua tòa, ngày 24.9.2018, TAND Q.10 có văn bản kiến nghị Công an Q.10 khởi tố hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản do ông Thịnh thực hiện.
Sau khi nhận lại hồ sơ từ tòa, Công an Q.10 chuyển hồ sơ lên Công an TP thụ lý thẩm quyền. Ngày 23.8.2019, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thành Tiến Thịnh về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nhưng lúc này Thịnh đã rời khỏi địa phương nên CQĐT đã ra quyết định truy nã đối với Thịnh.
Theo đơn tố cáo của gia đình người bị hại, việc các cơ quan tiến hành tố tụng Q.10 chậm giải quyết đơn thư tố cáo khiến bị can Thịnh trốn khỏi địa phương và tài sản của họ “biến mất”.
Phòng công chứng có chịu trách nhiệm?
Vụ việc càng trở nên phức tạp vì trước khi Thịnh “rời khỏi địa phương” và đang khi bà Hồng tố cáo người này đến cơ quan chức năng thì phía ông Thịnh, bà Tím cũng hoàn tất việc chuyển nhượng tại PCC số 7 vào sáng 7.1.2017; được cập nhật sang tên và tiếp tục bán cho bên thứ 3 vào ngày 21.11.2017. Đến nay, cả ông Thịnh và bà Tím đều “mất dạng”.
Bức xúc vì không hiểu tại sao ông Thịnh có thể “phù phép” được hợp đồng chuyển nhượng tại PCC số 7 vào sáng 7.1.2017 (thứ bảy, PCC chỉ làm việc buổi sáng - PV), trong khi từ 8 giờ ngày 7.1.2017, gia đình bà Hồng đã gặp ông Thịnh, bà Tím, rồi tố cáo lên công an phường, bà Hồng tiếp tục làm đơn đề nghị công an làm rõ trách nhiệm của công chứng viên (CCV) tại PCC. “Bên mua và bên bán, không ai có mặt tại PCC số 7 thì làm sao có việc ký hợp đồng mua bán tại PCC số 7”, bà Hồng nói.
Về việc này, chiều 13.9, ông Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng PCC số 7, có văn bản cho biết ngày 6.1.2017 bên mua và bên bán đã đến PCC số 7 ký hợp đồng mua bán (HĐMB). “Sau khi đọc bản thảo hợp đồng, các bên đã đồng ý ký vào hợp đồng chuyển nhượng, lăn tay. Nhưng ngày 6.1.2017, PCC số 7 chưa phát hành do các bên chưa giải chấp sổ tại ngân hàng và thỏa thuận sáng hôm sau (7.1.2017), một trong các bên đến bổ sung hồ sơ thì CCV sẽ thực hiện lời chứng và phát hành HĐMB”, ông Thắng nói và khẳng định: “Trong sáng 7.1.2017, bà Tím cầm sổ đỏ - bản chính, thông báo của ngân hàng về việc giải chấp tài sản cùng với HĐMB các bên đã đồng ý, ký tên, lăn tay vào ngày 6.1.2017 nên CCV đã chứng nhận và cho phát hành HĐMB là đúng pháp luật”.
Khi PV Thanh Niên đặt vấn đề: Các bên ký hợp đồng vào 6.1.2017 nhưng lời chứng của CCV và HĐMB lại phát hành vào 7.1.2017 và một trong hai bên không có mặt tại PCC, liệu đây có phải là kẽ hở, ông Thắng lý giải: “Công chứng là dịch vụ công, hỗ trợ các bên thực hiện giao dịch mua bán. Nội dung HĐMB đã được các bên đồng ý và ký trước đó.
Hôm sau, CCV yêu cầu xuất trình sổ đỏ (bản chính), thông báo giải chấp để đối chiếu trước khi ghi lời chứng là phù hợp. Trường hợp nếu có sự thay đổi trong mua bán thì các bên phải có nghĩa vụ thông báo cho CCV hoặc PCC”.
Về trình bày của bà Hồng, rằng sáng 7.1.2017 không thể có chuyện ông Thịnh hay bà Tím đến PCC số 7, CQĐT cũng yêu cầu PCC số 7 cung cấp hình ảnh camera vào sáng 7.1.2017. Tuy nhiên, theo văn bản mà PCC số 7 gửi CQĐT, hình ảnh camera tại PCC tự động xóa và ghi đè dữ liệu trong vòng 30 ngày, do vậy, hình ảnh vào thời điểm năm 2017 đã không còn.
Cách giao dịch có rủi roTheo luật sư (LS) Lê Quang Vũ (Đoàn LS TP.HCM), việc các bên ra các tổ chức hành nghề công chứng ký giấy tờ trước, sau đó chỉ cần một trong các bên ra bổ sung giấy tờ, hoàn thiện việc chuyển nhượng là thực tế phổ biến hiện nay. “Về nguyên tắc, công chứng là việc CCV của một tổ chức hành nghề công chứng, chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản... Vì vậy, thời điểm các bên ký hợp đồng, lăn tay, CCV sẽ kiểm tra tính hợp pháp giấy tờ tùy thân, bản sao giấy chứng nhận; giải thích rõ quyền lợi, nghĩa vụ tiếp theo của các bên và hậu quả pháp lý. Sau khi đọc, hiểu, các bên sẽ ký và ghi rõ đã đọc và đồng ý. Còn việc một trong các bên thỏa thuận sẽ bổ sung giấy tờ (xuất trình bản chính giấy chứng nhận) để hoàn tất thủ tục còn lại là do hai bên tự nguyện”. LS Lê Quang Vũ phân tích thêm, việc CCV “linh động”, tạo điều kiện cho các bên theo thỏa thuận của các bên thì không có gì sai, nhưng sẽ có một phần rủi ro. Và khi phát sinh rủi ro, một trong các bên phải lập tức báo ngay cho PCC hoặc CCV cùng các cơ quan chức năng khác để hỗ trợ, phối hợp giải quyết, nhằm ngăn chặn các hậu quả phát sinh tiếp theo, lớn hơn. Bởi, văn bản công chứng chỉ có hiệu lực kể từ ngày được CCV ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. |