04/05/2018 9:01 AM
Mục tiêu tập trung giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân khu đô thị Thủ Thiêm (KĐT TT) trong quý 2/2018 mà hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 16 diễn ra vào trung tuần tháng 4 đặt ra khó hoàn thành. Nhất là khi tấm bản đồ quy hoạch 1/5000 kèm theo Quyết định số 367 của Thủ tướng vốn là chìa khóa giải quyết khiếu nại vẫn chưa tìm thấy.

Người dân trưng ra bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm tại cuộc đối thoại với lãnh đạo TPHCM gần đây

Vì thất lạc bằng chứng quan trọng này, lãnh đạo Trung ương và TPHCM tuy đã nhiều lần đối thoại nhưng không giải tỏa được bức xúc của dân.

Khiếu kiện không có điểm dừng

Chiều 3/5, trở lại KĐT TT, PV Tiền Phong ghi nhận điểm “nóng” về khiếu nại đất đai trong suốt nhiều năm qua ở đây vẫn chưa hạ nhiệt. Bà Phạm Thị Vinh (ngụ B3/3B, Lương Định Của, phường Bình An, quận 2) cho biết, gia đình bà đã nhiều lần được làm việc với lãnh đạo thành phố và quận nhưng không có tiếng nói chung vì các tài liệu, bản đồ chính quyền cung cấp không chứng minh được căn nhà của bà đang ở nằm trong ranh giới của dự án KĐT TT. Trong khi đó, gia đình bà có đủ các giấy tờ nhà đất cần thiết.

“Căn nhà của gia đình tôi trong ranh giới quy hoạch đã bị giải tỏa. Còn căn nhà tôi đang ở đã nhiều lần bị cưỡng chế nhưng gia đình tôi không đồng ý di dời vì nằm ngoài ranh giới dự án”, bà Vinh cho hay.

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri quận 2 của đại biểu Quốc hội, vấn đề khiếu nại của người dân về bồi thường giải tỏa dự án KĐT TT luôn nổi cộm và nhức nhối. Năm 2016, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã dành trọn một ngày đối thoại với người dân.

Đối thoại với lãnh đạo TPHCM mới đây, 63 hộ dân đã trưng ra một số bản đồ quy hoạch liên quan KĐT TT (trong đó có một bản đồ mà người dân cho rằng, là cơ sở để xây dựng tấm bản đồ bị thất lạc) và khẳng định nhà, đất của bà con thuộc 5 khu phố của 3 phường: An Khánh, Bình An, Bình Khánh (quận 2) nằm ngoài quy hoạch dự án.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM cho rằng, bản đồ quy hoạch người dân cung cấp chỉ thể hiện diện tích dự án 500 ha chứ không phải 650 ha như hiện tại nên nói nhà đất của các hộ dân khiếu nại nằm ngoài dự án là không chính xác.

Theo ông Phạm Thế Vinh (một trong những hộ dân khiếu nại), quy định bắt buộc khi lập dự án phải có phần chú giải. Tại phần chú giải mà bản đồ người dân cung cấp thể hiện rõ nhà đất của các hộ là khu dân cư.

“Tại sao nói quy hoạch (sẽ giải tỏa) lại cho người dân nằm trong dự án được quyền mua bán nhà thuộc sở hữu nhà nước”, ông Vinh thắc mắc.

Đại diện UBND quận 2 cho rằng, việc mua bán nhà thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61 được quận bán cho dân từ trước, đến khi có quyết định thu hồi đất dự án thì chỉ còn 6 trường hợp nên quận … bán luôn để tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống.

Cuộc đối thoại thẳng thắn nhưng không tìm được tiếng nói chung giữa lãnh đạo chính quyền và người dân. Mấu chốt vấn đề là tấm bản đồ quy hoạch 1/5000 ban hành kèm Quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ xác định phạm vi thu hồi đất mà người dân đề nghị UBND TPHCM công khai lại bị thất lạc.

Người dân trưng ra bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm tại cuộc đối thoại với lãnh đạo TPHCM gần đây.

Bí ẩn bao trùm

KĐT TT là dự án trọng điểm quốc gia với khoảng 15.000 hộ dân phải giải tỏa di dời và số tiền chi trả bồi thường tái định cư lên tới gần 30.000 tỷ đồng. Rất nhiều bộ, ngành và các đơn vị liên quan, cơ quan tư vấn… từ trung ương đến địa phương tham gia thực hiện dự án và đương nhiên có hồ sơ lưu trữ, song thật khó hiểu khi tấm bản đồ quy hoạch hết sức quan trọng làm căn cứ xác định ranh giới quy hoạch, giải tỏa lại bị thất lạc một cách khó hiểu.

Trả lời báo chí ngày 2/5, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TPHCM khẳng định tấm bản đồ trên hiện chưa tìm thấy chứ không phải không có.

Cụ thể: Ông Hoan cho biết, quy trình duyệt quy hoạch dự án tại thời điểm đó cũng phải bảo đảm đúng các quy định, hồ sơ phải đầy đủ, từ tờ trình, báo cáo đề xuất, bản đồ hiện trạng, bản đồ dự kiến quy hoạch, thẩm định của các cơ quan cho đến những dự thảo quyết định có liên quan.

“Đã 20 năm trong các hồ sơ lưu trữ không tìm thấy bản gốc bản đồ quy hoạch. Nghe nói hình như đã tìm thấy một bản sao chứ chưa tìm thấy bản gốc. Quyết định 367 kèm theo bản đồ đó là cơ sở pháp lý để Thủ tướng phê duyệt dự án nên không thể không có bản đồ được”, ông Hoan khẳng định.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Chủ tịch UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ban ngành rà soát, truy tìm và liên hệ với các bộ ngành trung ương để tìm bản đồ quy hoạch 1/5000 dự án KĐT TT. Tuy nhiên, do thời gian đã quá lâu, các nguồn như đơn vị tư vấn, các bộ ngành trung ương có nhiều xáo trộn, nhiều cơ quan chuyển địa điểm và không còn đơn vị nào lưu trữ bản đồ này. Còn hồ sơ tài liệu của dự án lưu tại Sở thì không kèm theo bản đồ. Để giải quyết khiếu nại của người dân, TPHCM đang xin ý kiến Bộ Tư pháp.

Ông Hoan cho biết, UBND TPHCM đã chỉ đạo giải quyết khiếu nại của người dân liên quan việc cung cấp bản đồ phê duyệt quy hoạch của dự án Thủ Thiêm.

Cụ thể: Ông Nguyễn Thành Phong giao Ban Quản lý khu Thủ Thiêm phối hợp các sở, ban ngành tiếp tục rà soát, tham mưu, trình đề xuất và dự thảo văn bản của UBND TPHCM báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các nội dung giải quyết khiếu nại của người dân liên quan đến việc cung cấp bản đồ phê duyệt quy hoạch xây dựng và xác định ranh giới quy hoạch KĐT TT tại khu đất 4,3 ha tại khu phố 1, phường Bình An, quận 2.

KĐT TT tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn đối diện quận 1 có tổng diện tích 657 ha được quy hoạch thành một trung tâm mới với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp; trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí... Theo quy hoạch được duyệt, trung tâm KĐT TT thuộc địa bàn các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần phường Bình An, Bình Khánh. Khu trung tâm được chia làm 5 khu vực chính, gồm: “lõi trung tâm”, khu dân cư phía Bắc, khu dân cư dọc đại lộ Mai Chí Thọ, khu dân cư phía Đông, khu Châu Thổ phía Nam. Tổng số dân cư trú thường xuyên dự kiến khoảng 145.000 người, số người làm việc thường xuyên hơn 217.000 người.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tấn Vạn cho rằng: Thắc mắc nhất là tại sao dân chúng biết, dân chúng khiếu kiện, tại sao biết là đất của mình nằm ngoài ranh giới. Trong khi đó chính quyền lại để thất lạc bản đồ. Trường hợp đã thất lạc thì khôi phục lại, xác định lại. Việc xác định lại trong trường hợp này không khó khăn gì. Chương trình phát triển của Thủ Thiêm cơ bản xong. Giải phóng mặt bằng cũng gần hết.

Theo Luật Quy hoạch đô thị hồ sơ đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Cơ quan quản lý về quy hoạch đô thị, cơ quan quản lý đất đai các cấp có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ đồ án quy hoạch đô thị và cung cấp tài liệu về đồ án quy hoạch đô thị cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

P.V

Cần làm rõ trách nhiệm những người liên quan

Tại buổi tiếp dân khiếu nại liên quan đền bù tại dự án KĐT TT, khi người dân yêu cầu các sở, ngành TP xuất trình bản đồ quy hoạch 1/5.000, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân trung ương (Thanh tra Chính phủ) cũng xác nhận qua kiểm tra thì không thấy bản đồ kèm theo quy hoạch được duyệt theo quyết định của Thủ tướng.

Được biết, dự án được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 1996, bản đồ tỉ lệ 1/5.000, phê duyệt của Thủ tướng không thể hiện rõ quy mô và ranh giới khu vực quy hoạch tương ứng của dự án. Đến năm 1998, UBND TP căn cứ vào quyết định 13585 của kiến trúc sư trưởng phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 để ban hành quy hoạch. Ranh giới của dự án căn cứ theo bản đồ được duyệt (theo quyết định 13585) với quy mô 618 ha, không kể diện tích sông Sài Gòn.

Năm 2005, dự án điều chỉnh quy hoạch, cụ thể tăng thêm diện tích. Từ đây, “làn sóng” phản đối xảy ra. Theo một luật sư, nói mất bản đồ quy hoạch là rất vô lý. Với quy mô dự án Thủ Thiêm, các sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc và UBND quận 2 TPHCM phải có tấm bản đồ này. Nếu làm mất sạch sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và xã hội nên cần làm rõ trách nhiệm những người liên quan.

Đình Du

Huy Thịnh (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.