Diện tích trung bình của trung tâm mua sắm tại các thành phố đô thị loại 2 khoảng 80.000m2, cao hơn đô thị loại 1 đến 18%. Tuy nhiên, giá thuê trung bình ở các thành phố này chỉ ở mức 765 NDT/m2, thấp hơn 46% so với đô thị loại 1.
Về diện tích sàn thương mại bình quân trên đầu người, với khoảng 0,81m2/người tại Thẩm Quyến và 0,51m2/người ở Đại Liên. Như vậy, các con số này gần vượt mức cung cao nhất trong các thành phố đô thị loại 1 và loại 2.
Theo lý giải của Paul Hart, Giám đốc điều hành Knight Frank là do các trung tâm mua sắm tại các thành phố đô thị loại 2 có diện tích quá lớn không phù hợp với nhu cầu. Điều này phản ánh sự thiếu quy hoạch chi tiết của chính quyền thành phố và sự thiếu kinh nghiệm của các chủ đầu tư.
Hiện nay, vai trò của các trung tâm thương mại đơn lập ngày càng giảm ở Trung Quốc. Vì thế, theo ông Hart, các chủ đầu tư và nhà đầu tư cần đưa ra các đánh giá nghiêm ngặt hơn để xác định mức độ phát triển tối ưu các khu bán lẻ trong từng dự án bất động sản. Đồng thời, chính quyền thành phố cần phải thiết lập kế hoạch chiến lược dài hạn cho khu vực đô thị dựa trên những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn cầu. H ơn nữa, cần kiểm soát tốt và minh bạch để đưa ra quyết định giúp thị trường phát triển tốt hơn.
Ngoài ra, ông Nicholas Holt, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Knight Frank Việt Nam cho biết phương châm "lớn hơn thì tốt hơn” không phải luôn luôn đúng và đây có thể là một bài học cho các chủ đầu tư bán lẻ tại thị trường Việt Nam.
Tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam một lần nữa có thể được đánh dấu bằng cách so sánh diện tích sàn bán lẻ bình quân trên đầu người tại các thành phố đô thị loại 1 và 2 của Trung Quốc.
Theo ông Nicholas Holt, diện tích sàn bình quân 0,09m2 và 0,05m2 ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội rất có tiềm năng phát triển, vì thu nhập tiếp tục tăng và người tiêu dùng có xu hướng nhắm đến các loại hình bán lẻ hiện đại.