Bước sang tuổi 35, chị Hoài An (Tiền Giang) mới sở hữu được căn nhà của riêng mình nhờ 15 năm tích góp.

Độ tuổi 18, là lứa tuổi đầy hoài bão và nhiệt huyết, khát khao chinh phục mọi thử thách của cuộc đời, thì chị Hoài An lại quyết định không học đại học để lên thành phố làm việc vì hoàn cảnh gia đình. Khăn gói lên Bình Dương, chị xin làm công nhân may trong một khu công nghiệp với mức lương cơ bản là 5 triệu đồng/tháng.

Công nhân khu công nghiệp thuộc 10 nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội theo Điều 49 Luật Nhà ở - Ảnh minh họa.

Chị An cho biết, chị thuê một phòng trọ cùng một người công nhân khác trong dãy nhà trọ tại TP.Thuận An với giá thuê là 2,1 triệu đồng. Mỗi tháng sau khi trừ hết các chi phí, chị dư được 2 triệu đồng, trong đó gửi về nhà một nửa và giữ lại một nửa cho vào quỹ tiết kiệm để mở một tiệm may.

“Để đủ vốn mở tiệm, tôi liên tục tăng ca để có thêm thu nhập, vì thế gần như không có thời gian đi chơi cùng các anh chị trong công ty, thậm chí là yêu đương. Tuy nhiên, ở trọ được khoảng 5 năm, tôi thay đổi mục tiêu là mua nhà trước, bởi những bất tiện khi ở phòng trọ. Những khi thời tiết mát mẻ còn đỡ, nhưng một khi trời nóng bức tôi thức trắng nguyên đêm, mùa mưa thì không ngủ nổi bởi tiếng mưa rơi lộp độp trên mái. Sau 15 năm chật vật, tôi quyết định mua nhà khi tích góp được 200 triệu đồng” – chị An chia sẻ.

Chị An cho hay chị quyết định mua nhà vì biết đến các gói vay ưu đãi mua nhà ở xã hội dành cho công nhân. Chị mạnh dạn làm hồ sơ xét duyệt để vay vốn ngân hàng. Khi hồ sơ được duyệt chị An bắt đầu tìm nhà.

Căn nhà chị mua chỉ vỏn vẹn 45m2 tại khu nhà ở xã hội TP.Thuận An với giá 12 triệu đồng/m2, khoảng 540 triệu đồng/căn. Sẵn 200 triệu trong tay, chị vay thêm đồng nghiệp, bạn bè được thêm 70 triệu đồng nữa, đủ để trước 50% giá trị ngôi nhà. Số tiền còn lại 70% (270 triệu đồng) chị vay ngân hàng trong vòng 25 năm theo hình thức dư nợ giảm dần.

Dù lãi suất vay mua nhà đã giảm, nhưng 8,2% vẫn cao so với thu nhập của công nhân - Ảnh minh họa.

Với mức lãi suất 8,2% một năm, mỗi tháng chị An dành ra khoảng hơn 2,7 triệu đồng để trả gốc lãi cho ngân hàng. Số tiền này gấp đôi so với tiền thuê nhà trước đây của tôi. Tuy nhiên, đổi lại thì tôi có nhà để ở, có nơi, có chốn để về.

“Thời điểm mua nhà là mức lương của tôi đã tăng lên 8 triệu đồng. Nếu tháng nào tăng ca thì khoảng 10 triệu đồng nên đủ dư để vừa trả tiền ngân hàng, vừa tích góp thêm để mở tiệm may. Ngôi nhà là thành quả sau nhiều năm vất vả của tôi, là động lực để mỗi ngày tôi cố gắng làm việc hơn nữa. Tôi nghĩ với các chương trình ưu đãi mua nhà như hiện nay thì bất cứ ai, nếu có ước mơ thì đều có thể thực hiện được” – chị An cho hay.

Căn cứ theo Mục 2 Công văn 1551/BXD-QLN năm 2023 có quy định về đối tượng được hưởng chính sách vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỉ đồng như sau:

+ Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;

+ Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;

+ Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 Luật Nhà ở 2014;

+ Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Theo Công văn 2308/NHNN-TD năm 2023, khi công nhân đủ điều kiện vay vốn mua nhà ở xã hội từ dự án 120.000 tỉ đồng thì thời gian ưu đãi là áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu với mức lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 là 8,2%/năm.

Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.