27/09/2016 2:10 PM
Tòa nhà Hoàng Linh Tower được đưa vào hoạt động gần 4 năm nay nhưng giữa các bên vẫn xảy ra tranh chấp về khoản tiền chênh lệch góp vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng.

Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại từ đầu vụ tranh chấp tại tòa nhà Hoàng Linh

Mập mờ tiền góp vốn

Điểm đặc biệt trong vụ việc tranh chấp giữa Công ty TNHH Thương mại Sơn Ngọc (Công ty Sơn Ngọc) và CTCP Thương mại du lịch Hoàng Linh (Công ty Hoàng Linh) là đến khi thoái vốn, hai bên đưa ra các con số chênh lệch lên đến hàng chục tỷ đồng về số tiền góp vốn. Hơn nữa, bên nhận vốn và bên góp vốn cũng không phân định rạch ròi từng khoản tiền.

Thời điểm Công ty Sơn Ngọc và Công ty Hoàng Linh bắt tay hợp tác đầu tư là ngày 1/1/2009. Hai bên đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng Dự án tòa nhà văn phòng trong cụm tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhỏ Cầu Giấy (TP. Hà Nội), nay là Hoàng Linh Tower (phố Duy Tân, quận Cầu Giấy).

Theo thỏa thuận, Công ty Hoàng Linh góp vốn là quyền sử dụng đất, diện tích 1.400m2, có thời hạn thuê 50 năm. Công ty Sơn Ngọc góp vốn bằng tiền 68 tỷ đồng. Khi tòa nhà hoàn thành, hai bên thống nhất chia sản phẩm; trong đó, Công ty Sơn Ngọc sử dụng sàn lẻ và Công ty Hoàng Linh sử dụng sàn chẵn.

Thực hiện hợp đồng, từ ngày 31/3/2009 - 22/3/2011, Công ty Sơn Ngọc chuyển tổng số tiền 52 tỷ đồng (sau khi trừ đi các khoản góp không hợp lệ). Nhưng theo Công ty Sơn Ngọc, khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, Công ty Hoàng Linh không bàn giao sàn như thỏa thuận.

Năm 2013, Công ty Sơn Ngọc đề nghị thanh lý hợp đồng hợp tác để thoái vốn. Ngày 28/1/2013, hai bên ký biên bản đối chiếu số tiền góp vốn, rút vốn. Công ty Sơn Ngọc xác nhận đã nhận đủ số tiền 37 tỷ đồng. Hai bên hoàn tất quyền lợi, nghĩa vụ. Việc rút vốn là hoàn toàn tự nguyện.

Tuy nhiên sau đó, Công ty Sơn Ngọc đã khởi kiện ra tòa án yêu cầu Công ty Hoàng Linh phải hoàn trả thêm số tiền góp vốn là hơn 37 tỷ đồng. Theo nguyên đơn, Công ty góp vốn tổng số tiền là 75,5 tỷ đồng. Mặt khác, thời điểm ký kết biên bản ngày 28/1/2013, giám đốc Công ty Sơn Ngọc cho biết bị sức ép tâm lý.

Thêm nữa, theo Công ty Sơn Ngọc, đối tác có dấu hiệu gian dối luân chuyển khoản tiền bằng ủy nhiệm chi. Cụ thể tại một số bảng kê khai có phiếu chi không hợp lệ như không có chữ ký kế toán trưởng và giám đốc. Đại diện Công ty Sơn Ngọc còn nghi ngờ có các phiếu chi bị giả mạo chữ ký.

Tại phiên tòa sơ thẩm -Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, Công ty Sơn Ngọc đã yêu cầu giám định chữ ký trong phiếu chi nhưng không được tòa xem xét. Do bản án sơ thẩm không chấp nhận nội dung khởi kiện nên Công ty Sơn Ngọc kháng cáo lên Tòa án nhân dân TP. Hà Nội.

Hủy án sơ thẩm

Dẫn chiếu điều khoản trong hợp đồng, Công ty Hoàng Linh cho rằng, Công ty Sơn Ngọc vi phạm cam kết góp vốn, ảnh hưởng tiến độ thi công và gây thiệt hại kinh tế. Thực tế, hai bên thỏa thuận việc xây dựng không vượt quá 18 tháng, nhưng đến năm 2012, tòa nhà mới hoàn thành.

Công ty Hoàng Linh căn cứ vào biên bản cam kết ngày 28/1/2013 đề nghị tòa bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Sơn Ngọc. Trong quá trình xét hỏi, phía bị đơn – đại diện Công ty Hoàng Linh cũng không nắm được số tiền chính xác Công ty Sơn Ngọc góp vốn vào dự án.

Trong số tiền góp vốn còn có khoản vay cá nhân, khoản tiền góp của pháp nhân khác nhưng hai bên đều không phân định từng khoản tiền này.

Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định, việc thu thập chứng cứ tại cấp sơ thẩm chưa đầy đủ. Các bên xuất trình nhiều chứng cứ với các số liệu không khớp nhau, có mâu thuẫn nhưng không được đối chất. Mặt khác, cần thiết phải thu thập báo cáo tài chính hàng năm xem xét dòng tiền vốn nhập vào, xuất ra của 2 công ty.

Đương sự nhiều lần đề nghị giám định chữ ký nhưng tòa sơ thẩm không xem xét theo Điều 102 Luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Với các lý do trên, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội quyết định hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại từ đầu.

Điều 100, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: Đối chất

Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy có mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, người làm chứng, Thẩm phán tiến hành đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng hoặc giữa những người làm chứng với nhau.

Điều 102, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: Trưng cầu giám định, yêu cầu giám định

Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự.
Hà Linh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.