Các hợp đồng mua bán có xác nhận và con dấu của UBND phường Hòa Minh, nhưng lãnh đạo phường khẳng định “không hợp lệ”và “có thể bị làm giả”…
Theo ông Nguyễn Văn Tiến - Trưởng ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư - xây dựng số 1 (trực thuộc Văn phòng UBND TP Đà Nẵng) - khi tiến hành kiểm tra các hồ sơ xin hưởng chế độ đền bù giải tỏa để thực hiện 2 dự án trên, đơn vị phát hiện số hồ sơ trên có dấu hiệu bất thường như trong hợp đồng mua bán không ghi số thửa đất, vị trí cụ thể của lô đất. Ngay cả sơ đồ lô đất vẽ cũng không phù hợp với hồ sơ lưu trữ tại ban địa chính phường Hòa Minh.

Lãnh đạo phường Hòa Minh khẳng định không ký xác nhận việc chuyển nhượng các lô đất này. Nhiều khả năng, những người nộp hồ sơ đất "giấy tờ phường" để xin nhận đền bù là nạn nhân của “cò” đất và đường dây lừa đảo.

Gần một năm trở lại đây, đất ở tại Đà Nẵng tăng giá chóng mặt. Không ít người nghèo, người nhập cư từ các địa phương khác và cả giới đầu cơ nhỏ lẻ đã lùng mua nhà đất "giấy tờ phường" ở các vùng ven đô mà tập trung nhiều nhất là khu vực quận Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn.

Đây là loại đất nông nghiệp, ao hồ nằm trong các khu vực đã công bố quy hoạch hoặc quy hoạch treo, được cắt nhỏ, phân lô để bán. Trước năm 2002, việc mua bán này vẫn còn được UBND cấp phường xác nhận vào hợp đồng mua bán, nên còn gọi nôm na là nhà đất "giấy tờ phường".

Những trường hợp mua bán từ thời điểm này về trước và có "giấy tờ phường", người dân có thể xây nhà tạm để ở nếu dự án quy hoạch treo. Tại một số thời điểm, người dân còn có thể nộp thuế để chuyển mục đích sử dụng thành đất ở. Nếu phải giải tỏa, di dời, những hộ sở hữu đất "giấy tờ phường" cũng được hưởng các chính sách đền bù, hỗ trợ của thành phố.

Mắc lừa vì ham mua đất rẻ
Hàng chục hồ sơ đất "giấy tờ phường" có dấu hiệu giả mạo.

Sau thời điểm 2001, khi đã công bố quy hoạch các khu dân cư, việc mua bán đất nông nghiệp để làm đất ở bị cấm. Cơ quan chức năng ở Đà Nẵng từng phát hiện, xử lý, bắt giam một số cán bộ cấp phường móc nối với “cò” đất hình thành nên đường dây hợp thức hóa đất "giấy tờ phường" bằng cách lùi thời gian ký chứng thực mua bán về trước năm 2001.

Tình trạng này vừa chấm dứt, thì lại nổi lên tình trạng các đối tượng giả mạo "giấy tờ phường" bằng cách sao chụp và in màu chữ ký của lãnh đạo và con dấu của UBND phường. Năm 2008, Công an quận Liên Chiểu đã phát hiện, xử lý một đối tượng đã sản xuất hàng chục bộ hồ sơ giả để thu lợi bất chính.

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Công an quận Liên Chiểu - cho biết: Ngoài 56 hồ sơ do Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư- xây dựng số 1, Công an quận cũng đang xác minh hơn 40 hồ sơ khác từ một số ban quản lý các dự án trên địa bàn. Nhiều hồ sơ trong số này liên quan đến địa bàn Hòa Khánh với chữ ký xác nhận mua bán của ông Phan Văn Vĩnh - Chủ tịch phường nhiệm kỳ 2001-2005. Ông Vĩnh đã bị bệnh qua đời năm 2006. Sẽ phải mất nhiều thời gian giám định, điều tra, xác minh nguồn gốc của những bộ hồ sơ này.

Tháng 4/2011, Công an quận Ngũ Hành Sơn cũng đã triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ giấy tờ đất đai giả do Trương Văn Dụng và đồng bọn gồm Nguyễn Thuận Bình, Nguyễn Quang Thuận, Nguyễn Hữu Triều, Nguyễn Hữu Phúc thực hiện. Khám xét nhà của kẻ chủ mưu, cơ quan Công an đã thu đầy đủ tang vật gồm máy scan, máy in màu, con dấu và hàng chục bộ phôi hồ sơ đất "giấy tờ phường".

Các đối tượng đã thừa nhận giả mạo hồ sơ đất và chữ ký của Chủ tịch UBND phường Hòa Quý thời điểm năm 2000 là ông Lê Trung Hàng để lừa bán đất nông nghiệp cho khách có nhu cầu, thu lợi hàng trăm triệu đồng.

Nạn nhân của kiểu lừa đảo này, ngoài những người nghèo ít tiền, người từ các vùng quê ra thành phố ham mua đất giá rẻ bị lừa, còn có cả những người biết rõ đó là hồ sơ bất hợp pháp. Nhưng họ vẫn mua vì tin rằng "hồ sơ sẽ được hợp thức hóa" để qua mặt cơ quan chức năng. Họ đã và phải trả giá cho sự liều lĩnh, cả tin của mình khi xây nhà trái phép bị cưỡng chế giải tỏa hoặc bị thu hồi đất mà không được đền bù.
Theo Thân Lai (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.