10/01/2012 2:45 AM
Đóng 40% giá trị căn hộ nhưng công trình chỉ có phần móng và tầng hầm, bị lỗ vì dự án giảm giá hay nhận nhà thô... là tình cảnh của người mua chung cư thời địa ốc khủng hoảng.

Nộp tiền từ tháng 11/2010, chị Nguyễn Thị Phượng, ở huyện Bình Chánh, mua dự án căn hộ tại đường Tạ Quang Bửu - Bông Sao, quận 8 và chờ đợi quý I/2013 nhận nhà. Tuy nhiên, khi đã đóng 40% giá trị căn hộ, gần 700 triệu đồng, vị khách mới phát hiện 13 tháng qua, dự án chỉ có móng và tầng hầm mà không xây dựng thêm.


Khách hàng này cho hay, chị không nhận được bất cứ thông báo nào về tiến độ dự án. "Lẽ ra doanh nghiệp phải đầu tư đúng số tiền mà khách hàng đã đóng vào công trình ở mức tương đương là 40% dự án. Tôi rất lo lắng không biết chủ đầu tư có khả năng tiếp tục xây dựng hay không, bao giờ mới giao nhà và tiền của tôi tính thế nào", chị Phượng than.



Trong khi đó, lãnh đạo một sàn địa ốc trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, cho biết, ông hợp tác đầu tư hỗ trợ phân phối một dự án ở phường Linh Đông, Thủ Đức, cũng bị thua lỗ vì dự án áp dụng giảm giá 10% cho người mua sau.


Mắc kẹt vì mua nhà dự án đói vốn

Một dự án đã thu đến 45% nhưng chỉ mới thi công đến tầng 2. Ảnh: Vũ Lê

Ông mua căn hộ ở block C trong dự án này và đang tiến hành phân phối thì chủ đầu tư giảm giá bán căn hộ block B. Chính sách giảm giá cùng tiến độ thanh toán linh hoạt của chủ đầu tư đối với block B đã khiến cho sàn địa ốc này phải giải trình về giá cả với người mua block C. Thậm chí, sàn còn bị mất khách vì bán sản phẩm giá cao hơn so với căn hộ cùng dự án.


"Chúng tôi phải tự giảm giá cho khách hàng để cào bằng với chủ đầu tư dù bị lỗ. Tiến độ xây dựng của dự án chậm cũng khiến khách hàng ngại không dám mua. Tôi đã đóng đến 45% nhưng tiến độ xây dựng chưa phù hợp với số tiền đã nộp", ông nói.


Tuy không bị chậm tiến độ nhưng một nhóm khách hàng mua căn hộ trong dự án cao ốc Good House lại được chủ đầu tư thông báo về việc chỉ bàn giao căn hộ thô dù người mua đã trả tiền cho căn hộ hoàn thiện.


Chị Hoàng mua căn hộ ở tầng 9 dự án này phân tích, khi chị đóng tiền mua căn hộ, chi phí hoàn thiện được chủ đầu tư định giá là 1,2 triệu đồng mỗi m2. Tuy nhiên, hiện nay phí hoàn thiện đã là 1,6-2 triệu đồng mỗi m2, tăng 400-800.000đồng mỗi m2, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Nếu bây giờ khách hàng phải nhận nhà thô thì chi phí hoàn thiện bị trượt giá ít nhất là 400-500.000 đồng mỗi m2. Trung bình một căn hộ 80 m2 thì chi phí khách hàng phải trả thêm cho phần hoàn thiện là này khoảng 40-70 triệu đồng nhưng căn hộ diện tích lớn hơn thì chi phí sẽ không nhỏ.


"Giao nhà thô, chủ đầu tư còn lách được việc đóng lãi phạt do giao nhà chậm. Chúng tôi đã đề nghị chủ đầu tư chỉ thu 50% trên tổng số tiền khách hàng phải đóng trong đợt thứ sáu và chỉ thu nốt 50% số tiền còn lại của đợt này khi giám sát khâu hoàn thiện căn hộ", chị Hoàng nói.


Mắc kẹt vì mua nhà dự án đói vốn
Tiến độ dự án chậm đang là rào cản khiến khách hàng ngại mua căn hộ trong giai đoạn bất động sản khủng hoảng vì đói vốn. Ảnh: Vũ Lê


Về phần chủ đầu tư dự án Good House, Công ty cổ phần Lê Minh M.C giải trình, doanh nghiệp bàn giao căn hộ thô vì không còn khả năng tài chính thực hiện khâu hoàn thiện. Phần hoàn thiện bên trong căn hộ sẽ do khách hàng tự thu xếp tài chính để thực hiện trong vòng một năm kể từ ngày nhận bàn giao. Theo chủ đầu tư, điều này sẽ tạo điều kiện cho chủ hộ có thể chủ động hoàn thiện nhà sớm nếu muốn.


Trong hợp đồng mua bán căn hộ đã ký kết với khách hàng, giá trị căn hộ được tách ra hai phần thô và chi phí hoàn thiện. Chủ đầu tư sẽ giảm trừ khoản chi phí hoàn thiện trong hợp đồng bằng cách ký kết phụ lục hợp đồng mới được kèm theo công văn. Việc hoàn thiện căn hộ, khách hàng có thể chọn thuê đơn vị thi công bên ngoài hoặc chủ đầu tư giới thiệu nhà thầu thực hiện gói hoàn thiện cho chủ hộ.


Theo giải thích của Công ty Lê Minh M.C, do tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng bị hạn chế nên nguồn vốn để thi công dự án chính là ngồn tiền huy động từ khách hàng. Vì có nhiều khách hàng gặp khó khăn về tài chính nên chưa thanh toán đủ theo hợp đồng. Việc này đã làm thiếu hụt nguồn vốn ảnh hưởng đến tiến độ thi công hoàn thiện, dẫn đến kéo dài thời gian bàn giao căn hộ. Đến giai đoạn này ngân sách của dự án đang bị mất cân đối do tổng chi vượt xa tổng thu.


Cũng lâm vào cảnh có dự án chậm tiến độ, Tổng giám đốc Công ty TNHH TM Xây dựng Vạn Hưng Phát, Nguyễn Văn Minh cho biết: "Việc các dự án căn hộ bị đình trệ trong năm 2011 là khó khăn chung của toàn thị trường. Hàng loạt dự án đang được vay vốn để xây dựng đều bị ngưng cho vay khi có chỉ đạo siết tín dụng bất động sản". Tuy nhiên, ông Minh kỳ vọng trong năm 2012 những khó khăn về vốn được tháo gỡ thì các dự án này sẽ tiếp tục được xây dựng.


Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty Lilama SHB Lê Tấn Hòa cũng chia sẻ, trong năm 2011 ông có 4 dự án đã triển khai tại các quận 9, Tân Phú, Gò Vấp, TP HCM, đang vay vốn giữa chừng thì bị cắt. Lãi suất cho vay lên đến 23-24% nhưng không thể tiếp cận được.


Theo ông Hòa, giải pháp cho rắc rối này là khách hàng và chủ đầu tư cùng ngồi lại với nhau, thỏa thuận cùng tiến cùng lùi. "Nếu còn khả năng hoàn tiền thì doanh nghiệp cố lo để khách hàng không phiền lòng, nhưng nếu không thể hoàn tiền thì lôi nhau ra tòa cũng không phải là giải pháp tốt", ông nói.

Theo Vũ Lê (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.