25/11/2020 9:10 AM
Ngập lụt đang diễn ra với tần suất, cường độ ngày càng tăng ở ĐBSCL do những nguyên nhân liên quan đến biến đổi khí hậu và phát triển hạ tầng.

Ngày 24-11, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo tổng kết Chương trình thoát nước và chống ngập đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu (FPP) - Từ chính sách đến người dân. Đây là chương trình do Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) hợp tác với tám tỉnh duyên hải miền Trung và ba tỉnh ĐBSCL (An Giang, Kiên Giang và Cà Mau).

Nguyên nhân khiến ĐBSCL ngập sâu đến 3 m

Theo báo cáo của Cục Hạ tầng kỹ thuật, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của BĐKH và ĐBSCL là khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và thiên tai liên quan đến nước. Theo đó, mỗi năm khoảng 1/2 diện tích của ĐBSCL bị ngập sâu 1-3 m.

Hầu hết các địa phương tại ĐBSCL phụ thuộc vào hệ thống thoát nước chung cho cả nước mưa và nước thải. Do vậy, khi nước sông dâng lên kết hợp với mưa lớn, hạ tầng không đủ năng lực để thoát nước kịp. Qua nghiên cứu cho thấy thách thức trong tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH và ngập úng ở khu vực đô thị của Việt Nam và đặc biệt ở ĐBSCL là công trình thoát nước chưa hoàn chỉnh, chất lượng thấp, thiếu đồng bộ, chưa được ưu tiên xây dựng cũng như chưa được dựa trên các số liệu tin cậy.

Bên cạnh đó, việc phát triển đô thị nhanh và thiếu kiểm soát, xây dựng nhà ở tại đồng bằng ngập lũ và công trình bịt kín bề mặt đô thị đã ngăn cản nước mưa thấm tự nhiên xuống bề mặt. Do vậy BĐKH, mực nước biển dâng và hình thái mưa với cường độ cao và khó dự báo. Ngoài ra, quản lý lưu vực sông thiếu sự điều phối, khai thác cát trên sông quá mức và sụt lún đất càng làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, góp phần gia tăng ngập lụt và sạt lở đô thị.

Theo TS Tim McGrath, Giám đốc Chương trình FPP, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức, trung bình ĐBSCL sụt lún ở mức 1 cm/năm, làm tăng thêm đáng kể tác động của mực nước biển. Trong đó các khu vực đô thị sụt lún nhanh hơn nông thôn, khu vực đô thị sụt lún 2-4 cm/năm trong khi nông thôn là 0,5-2 cm/năm.

Lý do khoảng một nửa ĐBSCL ngập sâu 1-3 m - ảnh 1

Đường Nguyễn Văn Cừ (TP Cần Thơ) là một trong những điểm ngập sâu trong các đợt triều cường. Ảnh: HD

Mô hình thoát nước mưa đô thị phát huy hiệu quả

Để vượt qua những thách thức này, GIZ đã và đang hợp tác với Bộ Xây dựng trong tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH và giảm thiểu rủi ro ngập lụt tại các đô thị Việt Nam. Chương trình FPP giai đoạn 2 (2017-2020) này nhằm giúp giảm thiểu rủi ro ngập úng đô thị và tăng cường cảnh báo sớm tại ba đô thị ĐBSCL, đồng thời hỗ trợ Bộ Xây dựng xây dựng những tiêu chuẩn, quy chuẩn, chính sách quốc gia liên quan đến thoát nước đô thị và giảm thiểu ngập, ứng phó với BĐKH.

Một số kết quả chính của chương trình là thích ứng với BĐKH, phòng chống thiên tai và bình đẳng giới được lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của ba tỉnh Cà Mau, An Giang và Kiên Giang. Bên cạnh đó, các đối tác ở tỉnh với sự hỗ trợ của chương trình đã lập quy hoạch thoát nước và chống ngập đô thị tại Cà Mau, Rạch Giá và Long Xuyên, có tính đến yếu tố BĐKH với mô hình thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững, xử lý nước thải phi tập trung và được chính quyền phê duyệt.

Đặc biệt, mô hình chống ngập úng với độ chính xác cao được lập và bàn giao cho ba TP để tiếp tục sử dụng trong tương lai. Ba công trình thí điểm về hệ thống thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững (SUDS) đã mang lại lợi ích trực tiếp cho 6.000 người dân, tăng cường nhận thức về mô hình này ở cấp trung ương và địa phương…

Đơn cử mô hình SUDS tại TP Cà Mau có giá trị dự toán xây dựng hơn 1,5 tỉ đồng đã phát huy hiệu quả tích cực. Tại khu vực hoa viên tại giao lộ Hùng Vương - Phan Ngọc Hiển có nền vỉa hè cao hơn nhiều so với lòng đường nhưng hệ thống thoát nước nhỏ nên mưa lớn là bị ngập 0,3 m với thời gian 90-180 phút. Khi thực hiện các hạng mục công nghệ thoát nước bền vững trong dự án (vườn thu nước mưa tự thấm, vỉa hè cấu tạo thấm nước và bể chứa nước ngầm) đã giảm nguy cơ ngập lụt, cải thiện chất lượng nước ngầm đô thị tại khu vực tác động của dự án nói riêng và TP Cà Mau nói chung.

PGS-TS Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, cho biết: “Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với tổ chức GIZ nỗ lực nhân rộng những kết quả chính của chương trình tại tất cả tỉnh ĐBSCLvà tại các đô thị của Việt Nam”.•

Thí điểm mô hình “thành phố bọt biển”

Trên cơ sở những kết quả đạt được, giai đoạn 2021-2025, GIZ phối hợp với Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai chương trình mới là thích ứng với BĐKH tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Mục tiêu chương trình này nhằm tăng cường quy hoạch vùng và đầu tư thích ứng với BĐKH vì sự phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường của ĐBSCL.

TS Tim McGrath cho biết chương trình gồm có ba hợp phần chính. Hợp phần 1 sẽ tập trung vào đổi mới chính sách khung pháp lý để lập quy hoạch và đầu tư hạ tầng thích ứng BĐKH. Trong đó lồng ghép phát triển đô thị và thích ứng với BĐKH trong quy hoạch và đầu tư cấp quốc gia, vùng và tỉnh; bổ sung đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và chống ngập úng hiện có, xây dựng hướng dẫn các giải pháp dựa vào tự nhiên để thoát nước, chống ngập và phòng chống sạt lở bờ sông. Đồng thời xây dựng hướng dẫn quốc gia để thực hiện mô hình “thành phố bọt biển” và theo dõi, đánh giá việc thực hiện phương thức tiếp cận này ở cấp vùng và cấp tỉnh, BĐKH ở cấp vùng và tiểu vùng.

Hợp phần 2 tập trung vào thiết lập cơ chế liên kết vùng. Hợp phần 3 là hạ tầng đô thị thích ứng với BĐKH tại ĐBSCL. Hợp phần này sẽ tập trung vào tăng cường khả năng thích ứng với ngập lụt thông qua việc kết hợp giữa hạ tầng xanh và xám, đưa mô hình thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững cùng các giải pháp dựa vào tự nhiên để đảm bảo quy hoạch thoát nước, thiết kế hệ thống thoát nước tạo được sự kết nối hiệu quả giữa các thành phần trong mạng lưới thoát nước.

  • Từ đồng khô sang phố ngập!

    Từ đồng khô sang phố ngập!

    Cần Thơ và nhiều đô thị miền Tây Nam Bộ liên tục bị triều cường tấn công trong những ngày đầu tháng 11: Đường phố ngập sâu gây tắc nghẽn giao thông, đảo lộn sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng sinh kế người dân

Hải Dương (Pháp Luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.