08/01/2023 7:30 PM
Triển vọng kinh tế tươi sáng và việc hợp pháp hóa quyền sở hữu bất động sản của người nước ngoài được kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu của nhà đầu tư quốc tế đối với bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam

Ngay cả khi những đám mây đen đang bao phủ nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn nhận được những dự báo tích cực. Cả nước đã phục hồi đáng kể sau suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra và đang dẫn đầu tăng trưởng kinh tế ở châu Á. Cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới đều đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam, khiến triển vọng của nước ta trở nên khác biệt so với các nền kinh tế khác trong khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Bất cứ ai theo dõi quá trình phát triển của Việt Nam trong những thập kỷ gần đây sẽ không ngạc nhiên về điều này. Từ năm 2000 đến năm 2022, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 6,27%/năm, thuộc hàng nhanh nhất thế giới. IMF trong bản báo cáo cập nhật mới nhất đã dự đoán rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng 7% trong năm 2022 trong khi vẫn cắt giảm ước tính đối với các nền kinh tế châu Á khác. Ngân hàng Thế giới cũng điều chỉnh dự báo của Việt Nam từ 5,3% lên 7,2%, cao nhất ở Đông Á và Đông Nam Á.

Triển vọng trong những năm tới tại Việt Nam vẫn vô cùng tươi sáng, nhờ vào sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, liên kết thương mại mạnh mẽ với thế giới, cùng môi trường xã hội và kinh doanh ổn định.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ: Vốn FDI vào Việt Nam đạt trung bình 7,1 tỷ USD từ năm 1991 đến năm 2022, đạt kỷ lục là 20,38 tỷ USD vào năm 2019. Tính đến tháng 9 năm 2022, vốn FDI đạt 15,4 tỷ USD, cao hơn khoảng 15% so với một năm trước đó. Sự hiện diện của các tập đoàn sản xuất hàng đầu thế giới như Adidas, Nike và Samsung đã khẳng định Việt Nam là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu về dệt may, giày dép và sản xuất điện tử.

Liên kết thương mại toàn cầu: Là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương với các đối tác thương mại lớn. Những điều này sẽ đảm bảo Việt Nam có được nền thương mại thịnh vượng và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị ở các lĩnh vực kinh doanh khác nhau cũng như trong khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Môi trường kinh doanh và xã hội thuận lợi: Các công ty lớn đã chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng lợi thế về chi phí thấp, cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường kinh doanh thuận lợi và thành công trong việc kiểm soát đại dịch. Cụ thể, Foxconn, nhà sản xuất điện tử đến từ Đài Loan, đã ký hợp đồng với Apple và các công ty công nghệ lớn khác, dự kiến đầu tư 300 triệu USD vào một nhà máy mới ở miền Bắc Việt Nam.

Triển vọng kinh tế xuất sắc của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng dân số nhanh chóng và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu - hiện lên tới 44 triệu người - dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu về bất động sản nhà ở trong những thập kỷ tới. Chỉ cần nhìn vào thị trường ở hai thành phố hàng đầu thì sẽ thấy điều này: Giá nhà đã tăng 33 lần trong 18 năm tại các quận tài chính trung tâm của Hà Nội, và 21 lần trong vòng 16 năm tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Một yếu tố quan trọng khác cho sự bùng nổ bất động sản là việc hợp pháp hóa quyền sở hữu của người nước ngoài kể từ năm 2015. Người nước ngoài được cấp quyền sở hữu và quyền sử dụng đất giống như người Việt Nam, và không bắt buộc phải sống hoặc làm việc tại Việt Nam.

Không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài để mắt đến bất động sản Việt Nam, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành của công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản CBRE tại Việt Nam, nhận định: “Với số lượng người siêu giàu trong nước đang tăng lên đáng kể và các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại sau đại dịch, bất động sản cao cấp và hạng sang tại Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là các dự án có thương hiệu và sản phẩm được đảm bảo chất lượng”.

Lam Vy (STS)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.