Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các dự án tại châu Á Thái Bình Dương trong năm 2010 đã giảm năm thứ hai liên tiếp bất chấp nền kinh tế khu vực này đã có hồi phục hình chữ V sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, theo bộ phận fDi Intelligence trực thuộc Financial Times, tỷ lệ giảm trong năm 2010 đã chậm hơn với 6% so với mức 16% của năm 2009. Những số liệu cung cấp thông tin đầu tiên về các xu hướng của FDI trong năm 2010 này cho thấy những dòng vốn vào có thể ít “sôi nổi” hơn so với dự đoán trước đó và tương xứng với mức tăng trưởng kinh tế trung bình 8,2% của khu vực châu Á, không tính đến Nhật Bản. Số liệu này khá tương phản so với những dự đoán lạc quan hơn trong tháng 7 từ Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (Unctad) rằng những dòng vốn vào đã bắt đầu hồi phục và có khả năng tăng tốc.

Unctad ước tính rằng, dòng vốn FDI vào châu Á, không tính đến Australia và khu vực Thái Bình Dương đã giảm 17% xuống còn 233 tỷ USD trong năm 2009, thấp hơn so với mức giảm toàn cầu với 37%. Theo số liệu chi tiết từ fDi Intelligence, tổng các dự án đầu tư vào khu vực châu Á Thái Bình Dương trong năm đạt 4.136, thấp hơn mức 4.402 của năm 2009. Đồng thời, tổng số dự án của năm 2010 thấp hơn 21% so với mức kỷ lục xác lập trong năm 2008 với 5.261 dự án.

Nhờ vào tăng trưởng kinh tế bền vững và tình hình chính trị ổn định, Trung Quốc đã thu hút được 1.314 dự án, tăng 147 dự án so với năm 2009. Trong khi đó, Ấn Độ với những bất ổn về kinh tế và chính trị chỉ giành được 744 dự án. Au-stra-li-a cũng đã thế chân Singapore trở thành điểm đến thứ 3 trong vùng của những dự án FDI với con số 320 dự án, tăng 66 dự án nhờ vào kết quả khả quan của các ngành công nghiệp hàng hóa. Malaysia cũng đạt mức tăng kỷ lục từ 158 lên 189 dự án và Nhật Bản giành mức tăng nhỏ hơn từ 163 lên 180 dự án. Indonesia bước vào top 10 với những con số dự án lần đầu tiên đạt được mặc dù xét về tổng số chỉ tăng 8 dự án so với năm 2009.

Quốc gia có lượng FDI giảm nhiều nhất là Việt Nam, từ 256 chỉ còn 173 dự án. Sự suy giảm này phản ánh mối quan ngại về việc quản lý nền kinh tế đang đối mặt với lạm phát cao, đồng tiền tệ giá trị thấp và tình trạng tài chính công căng thẳng. Tương tự, các dự án vào Thái Lan cũng giảm 67 dự án xuống còn 209 dự án do những bất ổn không ngừng về chính trị. Cộng hoà Philippines đã bị loại khỏi danh sách top 10 điểm đến của đầu tư FDI khi lượng dự án giảm đi 21 còn 98 dự án dù tình hình kinh tế và chính trị đã có sự cải thiện sau cuộc bầu cử tổng thống mới trong tháng 5.

Các số liệu của fDi Intelligence sẽ phải được rà soát bởi vì chúng dựa vào các số liệu sơ bộ cho tháng 12, lấy cơ sở từ top 15 quốc gia nhận. Tuy nhiên, 22 quốc gia còn lại được bộ phận này theo dõi cũng chiếm hơn 6% dòng FDI trong khoảng từ tháng 1 tới tháng 11, cho thấy những số liệu sơ bộ này có thể cung cấp một chỉ dẫn đáng tin cậy cho cả năm.
Cafeland.vn - Theo DDDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland