13/01/2018 7:39 PM
Những quy định mới về các chức danh lãnh đạo tại Luật các TCTD sửa đổi được đánh giá sẽ tạo dựng niềm tin về một hệ thống ngân hàng minh bạch, giảm thiểu lợi ích nhóm. Đặc biệt với những ngân hàng không có hiện tượng sở hữu chéo và bộ máy lãnh đạo chuyên nghiệp sẽ có thêm dư địa để bứt phá trong thời gian tới.
Ngăn chặn các rủi ro nhóm lợi ích
Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi năm 2017 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 20/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2018. So với luật hiện hành, luật mới có nhiều thay đổi quan trọng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Ảnh minh họa
Theo đó, luật mới lần này đã bổ sung những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ và những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ nhằm để hạn chế, ngăn ngừa các hành vi vi phạm của người quản lý, điều hành trong quá trình quản trị, điều hành TCTD,
Cụ thể, theo quy định của Luật sửa đổi, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là thành viên Hội đồng Quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của TCTD, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật, Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của DN khác.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị, chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của TCTD không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, thành viên Hội đồng Quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của DN khác.
Cùng với đó, tiêu chuẩn lãnh đạo ngân hàng cũng được siết lại theo hướng chặt chẽ hơn. Theo quy định sửa đổi, những người có tiền, sở hữu hoặc thâu tóm lượng lớn cổ phần không có nghĩa là dễ dàng ngồi vào cơ cấu hội đồng quản trị NHTM mà còn phải đảm bảo quy định về năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực liên quan.
Tương tự, ở điều kiện và tiêu chuẩn trở thành Tổng Giám đốc NHTM, cũng quy định khắt khe và chặt chẽ hơn trước về số năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán hoặc kiểm toán.
Giới chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, quy định mới của Luật TCTD là phù hợp với thông lệ quốc tế trong phòng ngừa rủi ro. Quy định mới này cũng sẽ hạn chế, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền đồng thời là người quản trị, điều hành tại TCTD và doanh nghiệp để thực hiện hoạt động đầu tư, cấp tín dụng không trên cơ sở thị trường, tạo ra rủi ro lớn cho hoạt động của TCTD.
Đơn cử, theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, những quy định trong Luật các TCTD sửa đổi năm 2017 là bước tiến mới nhằm "chặt vòi" bạch tuộc của sở hữu chéo và đảm bảo hoạt động an toàn của toàn hệ thống.
Bộ máy ổn định, tạo lập niềm tin cho thị trường
Có thể thấy với những quy định trên, từ 15/1/2018, làn sóng thay đổi lãnh đạo chủ chốt tại một số ngân hàng và tập đoàn tư nhân lớn sẽ diễn ra nhanh và mạnh hơn. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, đối với những nhà băng hiện tại vốn đã có một bộ máy hoạt động ổn định sẽ có cơ hội bứt phá mạnh mẽ khi ít nhất trong giai đoạn tới sẽ không phải lo ngại có thêm bất cứ sự xáo trộn nào về nhân sự.
Một ví dụ có thể kể tới là trường hợp Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) khi có sự tái cấu trúc mạnh mẽ bộ máy lãnh đạo. Vào tháng 10/2017, NCB đã có quyết định bổ nhiệm chính thức với chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Lê Hồng Phương, người từng có thời gian công tác tại VietinBank và đã có 15 năm kinh nghiệm hoạt động, quản lý, điều hành trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, rất am hiểu NCB khi đã gắn bó với nhà băng này từ năm 2015 và trực tiếp phụ trách công tác quản lý chiến lược, xây dựng hệ thống và điều hành hoạt động vận hành chung của ngân hàng này, ông Phương cũng được Hội đồng Quản trị giao đảm trách hoạt động hợp tác quốc tế và trực tiếp điều hành dự án lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài mà NCB đã ký kết với đối tác tư vấn quốc tế từ đầu năm 2017.
Tiếp ngay sau đó, NCB bầu thêm 2 Phó tổng giám đốc là ông Nguyễn Hồng Long và ông Hoàng Tuấn Tú để củng cố thêm nhân sự cho Ban Điều hành NCB. Từ khi tái cấu trúc với bộ máy lãnh đạo mới, cùng cán bộ nhân viên tâm huyết, NCB thực tế đã gặt hái nhiều thành công.
Trong đó, kinh doanh năm nay ghi nhận kết quả khả quan ở hầu hết các chỉ số, bám sát chiến lược tập trung hiệu quả cho giai đoạn tăng tốc phát triển đến 2020. Tình hình tài chính ổn định, tái cơ cấu đạt bước tiến mạnh mẽ cùng bộ máy nhân sự ổn định chắc chắn cũng sẽ giúp NCB cải thiện hình ảnh và tăng khả năng hấp dẫn nhà đầu tư.
Thư Kỳ (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.