Long An vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm trong khi
nhu cầu xuất khẩu gạo chững lại. Ngoài ra, các mặt hàng rau củ quả, thịt
tươi sống điều chỉnh mạnh. Trong đó, giá thịt lợn giảm đáng kể sau
thông tin các hộ chăn nuôi sử dụng hóa chất tăng thịt nạc, dịch bệnh gia
súc, gia cầm bùng phát ở một số địa phương và Trung Quốc tạm ngưng nhập
khẩu một số mặt hàng thực phẩm từ Việt Nam.
Chính vì vậy, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm nhiều nhất so với các nhóm khác, đến 4,61%. Trong đó, lương thực giảm 8,11%, thực phẩm hạ 4,06%. Các nhóm hàng khác biến động nhẹ. Giá tiêu dùng Long An do đó giảm 1,7% so với tháng 2.
Thực phẩm giảm giá trong tháng 3. Ảnh: B.H.
Tại TP HCM, sau nhiều tháng liên tục nhích lên thì trong tháng 3, lương thực và thực phẩm đều giảm, tương ứng với 1,06%, 1,43%. Riêng ăn uống ngoài gia đình nhích nhẹ 0,41% so với tháng 2. Chính vì vậy, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống hạ 0,74%. Đây là lần đầu tiên trong hơn một năm qua, nhóm chiếm quyền số lớn nhất trong rổ tính CPI giảm giá.
Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng dẫn đầu mức tăng giá tháng 3, với 2,51%. Đây cũng là nhóm duy nhất trong 11 nhóm hàng tăng tới 7,13%, kể từ đầu năm tới nay. Gas và các loại chất đốt, xăng dầu đắt đỏ thêm là lý do chính đẩy nhóm hàng này tăng cao trong 3 tháng đầu năm và dự báo sẽ tiếp ảnh hưởng tới giá cả nhiều hàng hóa, dịch vụ, vận chuyển khác trong thời gian tới.
8 nhóm hàng tăng còn lại có mức tăng cao nhất là 0,8% (thuốc và dịch vụ y tế). Bưu chính viễn thông sau 8 tháng liền điều chỉnh giảm đã tăng nhẹ 0,01%.
Do các nhóm hàng biến động nhẹ so với tháng 2 và đặc biệt là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống điều chỉnh giảm nên CPI TP HCM tháng 3 chỉ nhích 0,12% - mức tăng thấp nhất kể từ tháng 9/2010 đến nay. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm, giá hàng hóa thành phố đã đắt 2,35% và nhìn về cùng kỳ cao thêm 13,06%.
Chỉ số giá USD giảm 0,9% nhưng chỉ số giá vàng lên nhẹ 0,09%.