Được biết, nhà máy bột giấy Phương Nam là một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương. Bộ Công Thương đã rao thanh lý tài sản nhà máy ba lần nhưng không có người mua.
Nhà máy bột giấy Phương Nam là một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương
Tại buổi làm việc ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho rằng dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam bị đình trệ quá lâu, gần 20 năm từ khi bắt đầu triển khai nhưng chưa thể đi vào hoạt động, đội vốn lớn, tính toán đầu vào và sản phẩm đầu ra đều không hiệu quả,…lãng phí đất đai trong thời gian dài gây bức xúc trong nhân dân vùng dự án.
Ngoài những bất cập trên, theo ông Nguyễn Văn Út, dự án hiện không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Theo quy hoạch, huyện Thạnh Hóa được quy hoạch là đô thị sinh thái gắn với du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.
Vì vậy, phía UBND tỉnh Long An đề xuất có thể chuyển đổi Nhà máy Bột giấy Phương Nam, thành khu đô thị sinh thái 100 ha. Việc này cũng sẽ làm giảm rủi ro ô nhiễm môi trường khi nhà máy nằm ở đầu nguồn sông Vàm Cỏ, có thể tác động đến nguồn nước của người dân Long An, TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam được khởi công xây dựng cách đây 16 năm, năm 2012 cơ bản hoàn thành và tiến hành chạy thử, nhưng không thể cho sản phẩm, không đạt mục tiêu ban đầu đặt ra.
Việc xử lý chậm trễ dự án này gây ra lãng phí nguồn lực rất lớn, đó là khoản tiền đầu tư trên 3.000 tỷ đồng và nguồn lực đất đai khoảng 43 ha. Đồng thời, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Tổng công ty Giấy Việt Nam, ảnh hưởng đến công tác cơ cấu lại và cổ phần hóa Tổng công ty Giấy Việt Nam.
Trước đề xuất này, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành và tỉnh Long An xây dựng báo cáo trình Chính phủ các phương án đối với dự án, gồm cả phương án bán đấu giá dự án; phương án thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Giấy Việt Nam trong đó có cả dự án này và phương án điều chỉnh quy hoạch gắn với đấu giá dự án trước ngày 31/12. Phó thủ tướng cũng lưu ý cơ sở pháp lý của từng phương án, vướng mắc, lộ trình xử lý...
-
Phương án xử lý 12 dự án nghìn tỷ kém hiệu quả ngành Công Thương
Đa phần các dự án được xử lý theo hình thức bán đấu giá, chuyển nhượng và thoái vốn, có 1 dự án được quyết định phá sản.