09/02/2016 8:50 AM
Theo ông Nguyễn Văn Đực - PGĐ Cty Địa ốc Đất Lành: “Nhà ở cho thuê chính là lối thoát duy nhất cho người nghèo thu nhập thấp dưới 8 triệu đồng/tháng tại TPHCM. Tại đô thị, nhu cầu về nhà ở cho thuê rất lớn, chỉ cần điểm qua những phòng trọ cho thuê chúng ta cũng thấy rằng nhu cầu này lên đến hàng triệu căn”.

Tại nhiều nước trên thế giới, tỉ lệ nhà cho thuê thường chiếm tới 60 – 70% thị trường, nhà sở hữu cá nhân chỉ là thiểu số.

Trong bối cảnh dân số Việt Nam ngày càng tăng mạnh, tốc độ đô thị hóa nhanh sẽ khiến đất nền, nhà phố trở nên khan hiếm, sở hữu nhà cá nhân dường như không còn là phương án khả thi, nhất là với đối tượng người có thu nhập thấp.

Ngay từ năm 2012, Bộ Xây dựng đã nhiều lần lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở cho thuê tại khu vực đô thị. Đáng nói là sau dự thảo lần 7, đến nay Nghị định về nhà ở cho thuê vẫn chưa được ban hành.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, kinh nghiệm tại một số nước phát triển như Anh, Pháp, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển và Hà Lan… cũng chỉ chú trọng phát triển nhà ở công cho thuê, được định nghĩa là nhà cho thuê dưới giá thị trường và được chính quyền cấp theo nhu cầu ở chứ không dựa trên khả năng chi trả.

Qua khảo sát của PV Báo Lao Động, hầu hết công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp; những gia đình trẻ, người có thu nhập thấp… đều phải thuê nhà trọ để sinh hoạt. Các phòng trọ này đa phần là các phòng do chủ sở hữu nhà cao tầng tách ra để cho thuê hoặc là nhà cấp 4, nhà tạm… Thông thường, người đến thuê sẽ phải ở ghép từ 2 – 3 người/phòng chỉ rộng từ 10m2 – 15m2 với mức giá thuê một phòng dao động trung bình từ 1,5 – 2,5 triệu đồng/tháng. Như vậy, tính ra diện tích sử dụng bình quân chỉ từ 3 – 5 m2/người. Điểm chung của những khu trọ này thường là thiếu tiện nghi, chật hẹp, môi trường ẩm thấp, thiếu tiện nghi sinh hoạt, thiếu điều kiện để thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí…

Nhận định, nhà ở cho thuê là thị trường tương đối “béo bở”, tuy nhiên ông Đực cho rằng, chính những bất cập về chính sách, thủ tục, quỹ đất và tài chính; kiếm lời ít, thu hồi vốn chậm mà đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào “dám” tham gia vào phân khúc này!

Ngoài ra, với tâm lý “ăn chắc mặc bền”, tích lũy tài sản an toàn, đa số người Việt đặt mục tiêu lớn trong đời là tích cóp tiền mua nhà phố, thậm chí là đất nền bỏ hoang. Bởi lẽ điều này mang lại cho chủ sở hữu cảm giác làm chủ của tài sản có giá trị. Sau đó, họ mới nghĩ đến việc thiết kế xây dựng theo sở thích, buôn bán, cho thuê, mở văn phòng kinh doanh hoặc làm phòng trọ…

Chính vì nguyên nhân trên, thời gian qua, hai yếu tố sở hữu cá nhân là “thuê mua” và “mua” vẫn giữ vai trò chủ đạo, yếu tố “thuê” còn rất mờ nhạt. Nhiều kẻ gian lợi dụng kẽ hở này để làm biến tướng sự hỗ trợ của Nhà nước, đầu cơ nhà giá rẻ trong khi người nghèo vẫn mãi “bài ca” không mua được nhà.

K.Linh (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.