16/04/2021 10:42 AM
CafeLand – Người dân có nhu cầu rất lớn về chỗ ở nhưng thu nhập không đủ để mua nhà hợp pháp, nhiều nhóm đầu nậu bất chấp sai phạm vì lợi nhuận hấp dẫn từ  việc mua bán, phân lô đất nông nghiệp… là những nguyên nhân khiến cho tình trạng phân lô bán nền trái phép diễn ra tràn lan.

Bất chấp vì lợi nhuận khủng

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có báo cáo về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, đề cập đến tình trạng phân lô bán nền, mua bán, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra phức tạp suốt nhiều năm qua.

Tình trạng này diễn ra phổ biến tại nhiều khu vực thuộc các quận huyện vùng ven trung tâm thành phố như quận Thủ Đức, quận 9, Bình Tân, Bình Chánh, quận 12, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi… đây đều là những nơi đang có tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong những năm qua, TP.HCM có sự gia tăng dân số cơ học rất lớn. Lượng dân nhập cư từ các địa phương khác về thành phố sinh sống có nhu cầu rất lớn về chỗ ở. Tuy nhiên, đa phần người dân có mức thu nhập trung bình thấp nên không thể mua nhà một cách hợp pháp nên phát sinh tình trạng mua bán đất nông nghiệp, đất phân lô trái phép, xây dựng không phép trên đất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều nhóm đầu nậu nhìn thấy lợi nhuận từ việc mua bán đất nông nghiệp, phân lô bán nền trên địa bàn thành phố rất lớn nên thu gom và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Việc này không chỉ phá vỡ quy hoạch, hình thành các khu dân cư tự phát, không có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, không có hạ tầng xã hội phục vụ lợi ích công cộng.

Ngoài ra, hiện nay hạn mức chuyển đổi sang đất ở tại các địa phương còn rất ít, thậm chí có khu vực không còn hạn mức dẫn đến người dân không chuyển đổi được mục đích sử dụng đất để xin cấp phép xây dựng. Tình trạng các dự án quy hoạch nhưng để treo kéo dài suốt nhiều năm cũng ảnh hưởng đến đời sống của người dân và phát sinh các mâu thuẫn trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Nhiều cán bộ tiếp tay bị xử lý kỷ luật

Giai đoạn 2016 – 2020, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã phối hợp kiểm tra 559.006 công trình. Qua đó, phát hiện 13.190 công trình vi phạm trật tự xây dựng, ban hành 7.824 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 141,8 tỉ đồng.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, các vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực quản lý đất đai và trật tự xây dựng có liên quan đến trách nhiệm của nhiều cán bộ, công chức. Sở Xây dựng đã phê bình, kiểm điểm, xử lý kỷ luật và đề xuất cấp thẩm quyền xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, công chức vi phạm trong suốt thời gian qua.

Trong năm 2020, hàng loạt cán bộ lãnh đạo tại quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh và Củ Chi bị kỷ luật khiển trách do có khuyết điểm, vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế làm việc; công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự...

Tháng 11/2020, Thanh tra TP.HCM cho biết, chỉ tính riêng huyện Hóc Môn đã có 1.368 hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở (có diện tích lớn hơn 500m2) không đúng quy định.

Thanh tra thành phố kết luận, cán bộ và công chức thuộc UBND huyện đã tham mưu và đề xuất giải quyết không đúng quy định về trình tự hồ sơ; nhiều trường hợp không thẩm định nhu cầu sử dụng đất, không đảm bảo quy hoạch, chỉ căn cứ vào quy hoạch chung mà không đảm bảo điều kiện kết nối hạ tầng…UBND huyện Hóc Môn đã tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với 58 cán bộ, công chức do liên quan đến những sai phạm trên.

  • Phân lô, xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra công khai ở Vĩnh Lộc A

    Phân lô, xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra công khai ở Vĩnh Lộc A

    Đó là một trong những nội dung phát đi tại Thông báo 5195/TB-TU của Thành ủy TPHCM thông báo kết luận chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp giữa Đoàn công tác của Thành ủy với Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực UBND huyện Bình Chánh về xử lý thông tin vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn huyện.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.