Cơ chế “bảo hộ” thế nào?
Trước hết, NHNN nói “điều chỉnh” có nghĩa tỷ giá có thể tăng hoặc giảm, nhưng hầu hết sẽ hiểu theo nghĩa “điều chỉnh tăng”, tức tiền đồng mất giá so với USD, bởi trước giờ chưa có tiền lệ điều chỉnh giảm.
“Bảo hộ” ở đây nghĩa là doanh nghiệp được NHNN cho “một nửa” quyền chọn mua và “cho không” quyền chọn bán USD khi mà NHNN đưa ra chỉ tiêu và cố gắng duy trì tốc độ mất giá của tiền đồng so với USD không quá 2%.
Ví dụ, nếu một doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu máy móc từ châu Âu trị giá 2 triệu USD, với tỷ giá hiện tại là 21.075 đồng/USD, doanh nghiệp phải bỏ ra 42,15 tỷ đồng. Theo hợp đồng, doanh nghiệp sẽ nhận hàng và thanh toán tiền vào tháng 6/2014. Biết tỷ giá sẽ tăng, nên ngay từ đầu năm 2014, doanh nghiệp bỏ tiền mua quyền chọn mua USD kỳ hạn 6 tháng với tỷ giá “chốt” là 21.250 đồng/USD (tăng 1% so với hiện tại). Cộng với phí quyền chọn, chi phí lô hàng nhập khẩu tăng lên khoảng 42,75 tỷ đồng.
Nếu NHNN không nói “mức điều chỉnh tỷ giá sẽ không quá 2%”, rất có thể doanh nghiệp sẽ phải mua quyền chọn mua với tỷ giá giả sử như 22.000 đồng/USD, vì biết đâu trong 6 tháng tới, tỷ giá sẽ là 23.000 đồng/USD. Lúc đó số tiền doanh nghiệp phải bỏ ra để nhập lô hàng kia sẽ lên đến 46 tỷ đồng. Thực tế, cách đây 2 năm, NHNN đã từng có lần điều chỉnh tỷ giá tăng đến 9,3%. Nên nói NHNN cho doanh nghiệp “một nửa” quyền chọn mua USD là vậy.
Năm 2013, ước tính lượng kiều hối chuyển về Việt Nam khoảng 10,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm trước
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp ký hợp đồng bán hàng cho đối tác Mỹ, dự kiến sẽ nhận được 3 triệu USD trong 3 tháng tới, và với tỷ giá hiện tại là 21.075 đồng/USD thì doanh nghiệp sẽ thu về gần 63,23 tỷ đồng. Doanh nghiệp chẳng cần phải tính xem ngay từ bây giờ nên làm gì với số ngoại tệ sắp nhận được mà cứ đợi đến khi có rồi, bán đi lấy tiền đồng cũng chưa muộn, vì biết chắc 3 triệu USD kia sau 3 tháng sẽ đổi được nhiều tiền đồng hơn bây giờ.
Và cũng nếu không có 2% “bảo hộ” của NHNN, doanh nghiệp có thể sẽ chạy ngay tới ngân hàng mua một hợp đồng quyền chọn bán USD kỳ hạn 3 tháng với tỷ giá là 21.075 đồng/USD chẳng hạn. Bởi nếu không làm thế, biết đâu tỷ giá 3 tháng sau không phải là 21.075 đồng/USD mà chỉ còn 20.000 đồng/USD thì doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ chỉ còn 60 tỷ đồng.
Do tỷ giá được “bảo hộ” nên doanh nghiệp cũng chẳng cần mua bảo hiểm tỷ giá, đây cũng chính là lý do các sản phẩm quyền chọn mua, bán tiền đồng và USD của ngân hàng không có khách hàng.
Sức ép tăng tỷ giá không lớn
Không giống như vài năm gần đây, sức ép tăng tỷ giá cuối năm nay được cho là không lớn dựa vào một số diễn biến về cung - cầu ngoại tệ trên thị trường.
Thứ nhất, thị trường vàng đã được quản lý chặt, các doanh nghiệp và ngân hàng không còn được phép nhập khẩu vàng như trước, đầu mối nhập vàng duy nhất hiện nay là NHNN.
Thứ hai, nhu cầu mua ngoại tệ để thanh toán các khoản vay đáo hạn của doanh nghiệp trong năm không cao. Số liệu thống kê cho thấy, tín dụng ngoại tệ toàn hệ thống đến cuối tháng 10/2013 giảm 13,6% so với đầu năm. Riêng tại TP. HCM, cho vay ngoại tệ đến cuối tháng 10 giảm gần 20,6% và đến cuối tháng 11 giảm 22,1%.
Thứ ba, nếu như các năm trước nhu cầu nhập khẩu thường tăng cao vào cuối năm thì năm nay không có dấu hiệu này do sức cầu thị trường vẫn yếu.
Cuối cùng, theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2013 ước tính đạt 132,2 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu là 131,3 tỷ USD, theo đó xuất siêu là 863 triệu USD. Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2013 theo đường chính thức khoảng 10,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm trước; thu hút đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến 15/12 ước tính đạt 21,6 tỷ USD, tăng 54,5%, cho thấy nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào.
Với diễn biến này có thể thấy việc cam kết ổn định tỷ giá có thể “hơi thừa”. Tuy nhiên, thị trường luôn có rủi ro, việc đưa ra lời cam kết làm mất đi động lực tìm các công cụ bảo hiểm rủi ro như: mua bán kỳ hạn, quyền chọn... của các DN.