Năm 2016 là năm thứ ba Hà Nội triển khai “Năm trật tự văn minh đô thị”, tuy nhiên thành phố vẫn chưa tìm ra được lời giải hữu hiệu cho bài toán chống lấn chiếm vỉa hè. Sau những đợt “ra quân” rầm rộ, vỉa hè ở những phố tập trung kinh doanh buôn bán hoặc những nơi gần trường học, cơ quan, lại tái diễn tình trạng bị lấn chiếm. Càng gần cuối năm, tình hình càng diễn biến phức tạp…

Việc lấn vỉa hè làm chỗ trông giữ xe, bán trà đá đã khiến khu vực cổng Bệnh viện Việt Đức luôn ngột ngạt.
Muôn kiểu lấn chiếm

Hè phố là không gian thể hiện trình độ phát triển và lối sống văn minh của một đô thị. Bộ Giao thông vận tải đã có quy định, phải dành từ một đến 1,5 m vỉa hè dành cho người đi bộ. Những tuyến vỉa hè không đủ diện tích thì cấm kinh doanh, để xe... Nếu vi phạm thì bị xử lý nghiêm. Quy định như vậy nhưng đối với Hà Nội, việc thực thi vô cùng khó khăn. Thật hiếm có phố nào mà người đi bộ có thể được đi lại thoải mái trên phần đường dành cho mình bởi việc lấn chiếm vỉa hè có muôn hình vạn trạng.

Nhiều chuyên gia đã chỉ rõ, nguyên nhân của tình trạng lấn chiếm hè phố, là do dân số tăng, cộng thêm việc di dân tự do ngoại tỉnh vào Hà Nội gây quá tải hạ tầng. Thêm nữa, ý thức tuân thủ các quy định về an ninh trật tự và mỹ quan đô thị của nhiều người dân chưa cao. KTS Trần Huy Ánh chỉ ra: “Những nơi chật hẹp nhất thường nằm ở những nơi có ý nghĩa lịch sử được hình thành đã lâu. Nơi ấy thường được gọi là “đất vàng”, cách gì người dân cũng bám trụ để kinh doanh”.

Nhìn chung, các cơ quan chức năng đã tích cực nhắc nhở, xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Chỉ riêng Công an quận Hoàn Kiếm, trong thời gian từ ngày 15-11-2015 đến 16-11-2016 đã xử lý 257 trường hợp trông giữ xe sai trái quy định; 4.197 trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Trưởng công an quận Hoàn Kiếm cho biết: Từ sau Tết Bính Thân 2016, tình hình trật tự giao thông, đô thị có những diễn biến phức tạp, phát sinh các trường hợp lấn chiếm hè phố, lòng đường để kinh doanh, các phương tiện để lộn xộn trên hè phố gây cản trở giao thông. Cùng với các nhiệm vụ chuyên môn khác, công an quận đã điều tra các điểm trông giữ xe đạp, xe máy, ô-tô và đề xuất các ngành chức năng xóa bỏ gần 20 điểm trông giữ xe vi phạm.

Cũng trong khoảng thời gian trên, lực lượng chức năng quận Hai Bà Trưng đã xử lý tổng số hơn 11 nghìn vụ vi phạm trật tự giao thông, lấn chiếm hè phố. Còn tại địa bàn quận Thanh Xuân, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã tháo dỡ hơn 190 bục bệ, gần 70 mái che, mái vẩy, 290 băng-rôn lấn chiếm hè phố.

Làm sao trả lại vỉa hè cho người đi bộ?

Triển khai “Năm trật tự văn minh đô thị”, từ ngày 10-3, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải phối hợp cùng Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thuộc phạm vi quản lý của thành phố theo phân cấp. Tiếp đó, ngày 26-5-2016, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải ký ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô. Chỉ thị cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc xây dựng một Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”.

Tuy nhiên, trên thực tế, mức độ cải thiện tình hình chưa được bao nhiêu. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc quản lý, cấp phép kinh doanh, điểm trông giữ xe trên hè phố, khắc phục tình trạng chồng chéo, hay chỉ “bắt cóc bỏ đĩa”. KTS Tôn Đại, nêu giải pháp: “Cùng với việc xử phạt nghiêm túc cũng cần tạo sinh kế cho người dân nghèo sống dựa vào vỉa hè. Tiếp đó vận động các chi bộ Đảng địa phương, Mặt trận Tổ quốc cùng tham gia tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành, chung tay xây dựng nếp sống văn minh”.

Mới đây, vào chiều 13-12, trong cuộc báo cáo Thành ủy về kết quả thực hiện Năm trật tự văn minh đô thị 2016 tại quận Hai Bà Trưng, Phó Chủ tịch quận Cáp Sỹ Phong đã rút kinh nghiệm về việc quận đã chưa quyết liệt, liên tục trong xử lý chống lấn chiếm lòng đường, hè phố. Từ bài học đó, ông Phong nhấn mạnh: “Năm 2017, quận sẽ tập trung hạ ngầm dây cáp tại 14 tuyến phố, phối hợp kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xử lý “cò mồi” tại các bệnh viện, tháo dỡ mái che, mái vẩy lấn chiếm hè phố”.

Vào thời điểm này, các đơn vị chức năng, UBND các quận đang xây dựng kế hoạch mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch 2017, Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa lễ hội đầu năm 2017. Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Hoàn Kiếm là địa bàn trọng điểm, áp lực giao thông lớn, chúng tôi đã giao các đơn vị chức năng, đặc biệt là lực lượng công an xây dựng Kế hoạch đợt cao điểm từ nay đến mùa lễ hội đầu năm”.

Kế hoạch là vậy, song theo nhiều chuyên gia, một trong những giải pháp lúc này cần xây dựng được các điểm giao thông tĩnh trong các quận nội thành, khuyến khích người dân, cơ quan thiết kế tầng hầm để xe, tăng cường trách nhiệm của các đơn vị có thẩm quyền cấp phép các điểm trông giữ xe, buôn bán trên hè phố. “Đây là vấn đề phức tạp của Thủ đô, bởi liên quan đến bộ phận dân cư lớn. Dù quyết tâm thì thành phố cũng cần chuẩn bị nhiều phương án cần thiết, thiết lập trật tự đô thị, hè phố”, KTS Phạm Thanh Tùng, nhấn mạnh.

Nhằm lập lại trật tự đô thị, từ tháng 2-2016, Công an TP Hà Nội đã chính thức xử phạt người đi bộ phạm luật như sang đường sai quy định, đi xuống lòng đường… Nhiều người cho rằng quy định như vậy là thiếu khả thi và không công bằng đối với người đi bộ. Hiện thực trạng quy hoạch hè phố, bảo vệ, gìn giữ an ninh trật tự các tuyến hè phố còn bị vênh với quy định về xử phạt.
Diên Khánh (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.