Văn phòng Chính phủ vừa có báo cáo về rà soát dự án đầu tư nước ngoài có quy mô vốn trên 5.000 tỷ đồng phù hợp với quy hoạch.
Nội dung báo cáo cho biết UBND TP Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng cho chủ đầu tư 6 dự án bất động sản quy mô từ vài trăm triệu USD đến hàng tỷ USD được điều chỉnh, chuyển nhượng một phần dự án.
Cụ thể: UBND TP Hà Nội đề nghị chuyển nhượng 3 dự án thành phần tại dự án khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây do Công ty TNHH phát triển THT làm chủ đầu tư.
Tại các dự án do Công ty Gamuda Land Việt Nam làm chủ đầu tư kiến nghị cho điều chỉnh dự án công viên Yên Sở trên cơ sở tách dự án; điều chỉnh dự án theo quy hoạch điều chỉnh và chuyển nhượng 1 dự án thành phần trong khu đô thị C2 công viên Yên Sở.
Dự án Thành phố thông minh được động thổ vào tháng 10/2019 đến nay công trình vẫn là bãi đất trống. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng chưa xem xét điều chỉnh dự án do TP Hà Nội đang xem xét điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch phân khu dự án (Ảnh: Phối cảnh dự án)
Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long do Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư đề nghị chuyển nhượng 3 dự án thành phần. Các dự án thành phần kế thừa các điều kiện về chuyển giao không bồi hoàn.
Một dự án khác là dự án thành phố Công nghệ xanh của Tập đoàn Blemheim đề nghị được điều chỉnh tiến độ triển khai dự án do dự án vẫn đang thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng.
Dự án Lotte Mall Hà Nội do Công ty TNHH Lotte Properties Hà Nội làm chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh quy mô, thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được bàn giao đất, giữ nguyên điều khoản chuyển giao không bồi hoàn.
Một “siêu” dự án khác là dự án khu đô thị thành phố thông minh do Công ty CP đầu tư và phát triển thành phố thông minh Bắc Hà Nội (doanh nghiệp được thành lập từ vốn góp của Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo, Nhật Bản) làm chủ đầu tư. Đây là dự án được giới thiệu là đô thị hiện đại nhất Đông Nam Á, quy mô đầu tư xây dựng 272 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD.
Sau lễ khởi công rầm rộ vào tháng 10/2019 đến nay dự án vẫn là bãi đất trống. Hiện TP Hà Nội đang xem xét điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch phân khu dự án vì vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng chưa xem xét điều chỉnh dự án.
Còn đối với đề xuất xin điều chỉnh, chuyển nhượng của các dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết về việc giao thẩm quyền cho UBND TP Hà Nội thực hiện điều chỉnh đối với các dự án đầu tư có quy mô vốn đăng ký trên 5.000 tỷ đồng, phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với dự án có nội dung chuyển giao không bồi hoàn thì bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng phải giữ nguyên/ kế thừa điều khoản chuyển giao không bồi hoàn.
Với dự án Lotte Mall Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo ý kiến của Thủ tướng giao UBND TP Hà Nội xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Bộ đề nghị UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng quá trình xử lý theo ý kiến chỉ đạo và các vấn đề còn vướng mắc.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong trường hợp được Thủ tướng đồng ý phân cấp thẩm quyền, UBND TP Hà Nội phải chịu trách nhiệm trong thẩm định sự phù hợp của các dự án với quy hoạch đã được duyệt cũng như áp dụng quy định pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, đầu tư, kinh doanh bất động sản.
-
Bên trong khu ‘đất vàng' đường sắt ở Hà Nội bị đề nghị cưỡng chế thuế
Hơn 200.000 m2 đất của công ty xe lửa Gia Lâm tại 551 Nguyễn Văn Cư nằm ở vị trí đắc địa, trung tâm quận Long Biên (Hà Nội) và được xem là khu “đất vàng” Thủ đô.