Sau gần một thập kỷ "treo", dự án cầu - đường Nguyễn Khoái, nối quận 7, 4 và 1 dự kiến khởi công cuối năm nay, hoàn thành toàn bộ năm 2027, giúp giảm áp lực giao thông ở Nam Sài Gòn trong bối cảnh các đường kết nối khu vực này đã quá tải trầm trọng.
Cầu, đường Nguyễn Khoái bắc quá kênh Tẻ sẽ nối quận 4 và 7. Ảnh: Quỳnh Trần
Tám năm trước khi được phê duyệt lần đầu, công trình dài khoảng một km, bắt đầu từ đường D1 trong khu dân cư Him Lam, quận 7, kết thúc ở đường Bến Vân Đồn, quận 4, tổng mức đầu tư 1.250 tỷ đồng. Do thay đổi quy mô với việc nối dài sang quận 1, dự án hiện có tổng vốn 3.725 tỷ đồng, trong đó kinh phí đền bù hơn 1.000 tỷ cho khoảng 125 hộ dân, tổ chức ở quận 4. Riêng quận 1 và 7, dự án này không phải giải phóng mặt bằng.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư), cho biết kế hoạch đền bù ở công trình đang được đề xuất áp dụng một số cơ chế như Vành đai 3, với việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, thực hiện song song với xây lắp. Trong đó, một số thủ tục liên quan công tác bồi thường sẽ làm đồng thời với quá trình chờ phê duyệt nghiên cứu khả thi dự án.
Theo cách này, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật dự kiến triển khai từ tháng tới, đến cuối năm cơ bản hoàn tất, bàn giao cho dự án khởi công. "Công trình khi hoàn thành ngoài giảm ùn tắc ở khu vực sẽ góp phần hình thành trục Bắc - Nam từ khu trung tâm đi quận 7, Nhà Bè, kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3, thu hẹp khoảng cách địa lý ở cửa ngõ phía Nam và Tây thành phố", ông Phúc nói.
Với quy trình hiện nay, sau khi dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt mới có cơ sở cắm cọc, bàn giao ranh giải phóng mặt bằng cho các quận huyện tiến hành đo vẽ, kiểm đếm, lập hồ sơ bồi thường cũng như xác định nhu cầu, hình thức tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng.
Theo ông Phúc, các công đoạn trên rất phức tạp, tốn nhiều thời gian. Do vậy, khi triển khai Vành đai 3 TP HCM, Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế triển khai đồng thời một số công việc liên quan bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ giai đoạn chuẩn bị dự án. Điều này giúp giải phóng mặt bằng ở công trình được đẩy nhanh, chỉ sau một năm chủ trương đầu tư thông qua, các quận huyện đã giao hơn 70% diện tích để dự án khởi công. Từ mô hình này, thành phố tính áp dụng cho các công trình nhóm A (có dự án thành phần giải phóng mặt bằng) để đẩy nhanh tiến độ bởi có thể rút ngắn 1-1,5 năm so với quy trình cũ.
Công nhân đi cắm cọc Vành đai 3, năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng
Ngoài cầu - đường Nguyễn Khoái, trong kế hoạch sắp tới TP HCM dự tính áp dụng cơ chế giải phóng mặt bằng như trên với hai dự án thuộc Vành đai 2 ở TP Thủ Đức. Đây là hai đoạn còn lại thuộc tuyến vành đai ở phía đông thành phố chưa khép kín, tổng chiều dài hơn 6 km, từ cầu Phú Hữu tới đường Phạm Văn Đồng, tổng vốn gần 13.900 tỷ đồng.
Theo ông Võ Trí Dũng, Trưởng ban bồi thường, giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức, nhu cầu sử dụng đất triển khai hai dự án trên ước tính hơn 61,5 ha với khoảng 935 trường hợp bị ảnh hưởng. Địa phương đang tập trung thu thập hồ sơ pháp lý, đo vẽ kiểm đếm hiện trạng, chờ duyệt ranh giải phóng mặt bằng... Sau đó, việc đền bù thực hiện trước với đất nông nghiệp hoặc người dân có đất ở chấp thuận bàn giao. Các trường hợp còn lại là đất ở, hoặc người chậm đồng thuận giao sẽ làm cuối cùng. Đây cũng là cách làm mới bởi theo cách thông thường, đền đất nông nghiệp và đất ở cùng lúc thời gian sẽ kéo dài hơn.
"Địa phương đặt mục tiêu tháng 11/2024 sẽ bàn giao khoảng 70% mặt bằng để chủ đầu tư khởi công dự án. Phần còn lại dự kiến hoàn thành năm 2025", ông Dũng nói.
Cùng với những dự án trên, một số công trình trọng điểm khác cũng được TP HCM dự kiến thực hiện cơ chế tương tự, như cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Vành đai 4... Mới đây UBND thành phố đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn việc duyệt ranh giải phóng mặt bằng trước khi duyệt dự án đầu tư để thực hiện trước công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Theo chính quyền thành phố, trường hợp xác định ranh giải phóng mặt bằng trước một bước sẽ tăng sự chủ động, sớm triển khai công việc liên quan giải phóng mặt bằng. Tiến độ chuẩn bị dự án từ đó được nhanh hơn.
Đường Lương Định Của, một trong tuyến được mở rộng nhưng 9 năm nay chưa xong do vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: Quỳnh Trần
TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Kinh tế tài nguyên và Môi trường TP HCM, nói giải phóng mặt bằng luôn là thách thức đối với các dự án hạ tầng giao thông. Công việc này rất phức tạp do ảnh hưởng nhiều người dân nên quá trình thực hiện phải qua nhiều bước. Vì vậy, ông cho rằng khi tách công tác bồi thường làm dự án thành phần, triển khai song song các bước sẽ rút ngắn thời gian. Việc duyệt trước ranh giải phóng mặt bằng cũng là cơ sở pháp lý giúp các quận huyện, chủ đầu tư chủ động giao ranh, cắm mốc ngoài thực địa, kiểm kê nhà đất, tái định cư... Điều này cũng giúp chuẩn bị kỹ hơn các phương án tổ chức giao thông về sau.
"Theo cách này, khi nghiên cứu khả thi dự án được duyệt thì các số liệu, hồ sơ liên quan bồi thường cũng cơ bản hoàn tất, thuận lợi triển khai các phần việc tiếp theo", ông Thuận nói, cho rằng ngoài tiết kiệm thời gian, đây cũng là giải pháp hạn chế tình trạng đội vốn liên quan các vấn đề trượt giá, chi phí phát sinh trong quá trình dừng chờ mặt bằng.
Công tác giải phóng mặt bằng hiện được xem là điểm mấu chốt quyết định tiến độ của hầu hết các dự án ở TP HCM. Tuy nhiên, thời gian qua hàng loạt công trình gặp vướng mắc, thậm chí nhiều dự án phải ngưng thi công khi mặt bằng không được giải tỏa, làm tăng vốn. Trước đó, nhiều công trình triển khai trong giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa hoàn thành bị đội vốn do chi phí giải phóng mặt bằng tăng. Điển hình như dự án nút giao Mỹ Thuỷ, TP Thủ Đức (tăng từ 1.998 tỷ đồng lên 3.622 tỷ); cải tạo kênh Hàng Bàng, từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng, quận 5 (từ 188 tỷ lên 779 tỷ đồng)...
-
“Ông trùm” hạ tầng sẽ làm nút giao phức tạp nhất trên tuyến Vành đai 3 trị giá hơn 1.830 tỉ đồng
Liên danh gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả và 6 công ty khác vừa trúng gói thầu thi công nút giao Tân Vạn trên tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.830 tỉ đồng, được xem là nút giao phức tạp nhất trên toàn tuyến Vành đai 3.
-
Hàng trăm km đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sẽ có "bước ngoặt" mới
Hà Nội và TP.HCM đang khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.
-
Cầu cửa ngõ phía Tây TP.HCM chính thức thông xe
Ngày 21/1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) tổ chức lễ thông xe cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân, TP.HCM). Đây là cây cầu quan trọng, kết nối giao thông ở QL1A vào trung tâm TP....
-
Hôm nay (21/1), tuyến metro hơn 43.700 tỷ đồng sẽ chính thức thu phí
Sau 1 tháng chạy thử nghiệm và miễn phí, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức thu phí từ ngày 21/1. Việc thu phí được kỳ vọng sẽ giúp tuyến metro duy trì hoạt động bền vững và đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư, bảo trì....