Tại buổi họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ Công Thương diễn ra mới đây, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã thông tin về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, sản xuất thép cán nóng trong nước gồm 2 doanh nghiệp, có tổng công suất là 8,6 triệu tấn/năm. Bên cạnh phục vụ nhu cầu trong nước thì một phần được sử dụng xuất khẩu sang thị trường khác, tỉ lệ 50-50.
Trong khi đó, nhu cầu thép cán nóng tại thị trường Việt Nam khoảng 13 triệu tấn/năm. Do đó, nhập khẩu vẫn là nguồn bổ sung nhu cầu thị trường trong nước trong thời điểm hiện tại.
Nhu cầu thép cán nóng tại thị trường Việt Nam khoảng 13 triệu tấn/năm
Vừa qua, do nhu cầu của sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về điều tra áp dụng chống bán phá giá với thép cán nóng từ Trung Quốc và Ấn Độ, nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa nhập khẩu và sản xuất trong nước.
Theo quy trình điều tra, dựa trên thông tin và dữ liệu các bên cung cấp, Cục Phòng vệ thương mại đang tiến hành xác định hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp nước ngoài cũng như tác động của nhập khẩu đến sản xuất trong nước, bao gồm diễn biến gia tăng nhập khẩu thời gian gần đây.
Trong đó, Cục Phòng vệ thương mại gửi bảng câu hỏi điều tra cho các bên liên quan, thời hạn điều tra vừa mới kết thúc với doanh nghiệp sản xuất trong nước vào ngày 6/10 và doanh nghiệp nước ngoài vừa kết thúc vào ngày 22/10.
"Chúng tôi đang tiếp nhận, tổng hợp thông tin dữ liệu các bên liên quan cung cấp. Sơ bộ chúng tôi nhận được hơn 20 câu trả lời của doanh nghiệp nước ngoài, ngoài ra còn lượng lớn doanh nghiệp trong nước. Đây là lượng dữ liệu rất lớn, cần thời gian để tổng hợp", đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Nhập khẩu thép HRC nhiều nhất từ Trung Quốc
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam nhập khẩu gần 12,3 triệu tấn sắt thép, trị giá khoảng 9 tỷ USD, tăng mạnh 31,7% về lượng và tăng 19% kim ngạch so với 9 tháng đầu năm 2023. Giá nhập khẩu trung bình đạt 729,5 USD/tấn, giảm 9,7% về giá so với 9 tháng năm 2023.
Riêng tháng 9/2024, nhập khẩu gần 1,55 triệu tấn sắt thép, tương đương trên 1,06 triệu USD, giá trung bình 688 USD/tấn, tăng 15,4% về lượng, tăng 4,3% về kim ngạch nhưng giảm 9,6% về giá so với tháng 8/2024.
Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất trong tháng 9 đến từ Trung Quốc, với 8,31 triệu tấn, tương đương gần 5,36 tỷ USD, giá 644,5 USD/tấn, tăng 50,6% về lượng, tăng 37,8% kim ngạch nhưng giảm 8,5% về giá so với 9 tháng đầu năm 2023.
Đáng chú ý, thị trường này chiếm 67,6% trong tổng lượng và chiếm 59,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), hiện Việt Nam đứng thứ 12 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN về sản xuất thép với quy mô sản xuất có thể đạt đến 30 triệu tấn trong năm 2024.
Tuy nhiên, ngành thép hiện đang gặp nhiều khó khăn do sự sụt giảm của thị trường bất động sản, giá nguyên liệu tăng, tồn kho lớn và ảnh hưởng từ thép giá rẻ Trung Quốc.
Trong năm 2023, lượng sắt thép của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đạt 8,2 triệu tấn, tương đương hơn 5,6 tỷ USD, chiếm 62% trong tổng lượng và chiếm 54% tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của nước ta.
Lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm phần lớn chủ yếu do giá bán từ thị trường này thấp hơn các thị trường khác từ 30-70 USD tùy từng loại sản phẩm. Điều này xuất phát từ thực tế, Trung Quốc vẫn đang "thừa thép", tiêu thụ nội địa giảm buộc các nhà sản xuất thép nước này phải đẩy mạnh xuất khẩu thép với giá thấp để giải phóng bớt hàng tồn kho.
Trung Quốc đang là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu thép, với khoảng 500 nhà máy thép các loại, tổng công suất khoảng 1,17 tỷ tấn thép/năm vào năm 2023.
Do nguồn cung thép lớn hơn nhiều so với nhu cầu trong nước, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã bắt đầu bán phá giá thép ở thị trường nước ngoài. Việt Nam là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng lớn bởi làn sóng xuất khẩu thép của Trung Quốc.
-
Thép chất lượng cao mà doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được là các loại thép nguyên liệu phục vụ ngành cơ khí, chế biến chế tạo như cáp thang máy, làm lõi que hàn, lò xo, đinh ốc vít, thép dự ứng lực, tanh lốp ô tô…
-
Thép chất lượng cao là các loại thép nguyên liệu phục vụ ngành cơ khí, chế biến chế tạo như cáp thang máy, làm lõi que hàn, lò xo, đinh ốc vít, thép dự ứng lực, tanh lốp ô tô…
-
CHÍNH THỨC: Áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một mặt hàng thép từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia
Mức thuế chống bán phá giá chính thức được áp dụng với mặt hàng này từ Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc là từ 9,79% đến 28%, có hiệu lực trong vòng 5 năm.
-
Mặt hàng quan trọng của 4 nền kinh tế hàng đầu châu Á bị Malaysia áp thuế chống bán phá giá
Malaysia áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, có hiệu lực từ ngày 11/1.
-
Các nhà sản xuất thép lớn trong nước có thể giành thêm thị phần nhờ vụ điều tra bán phá giá thép Trung Quốc
Năm 2025, MBS cho rằng thị phần của các doanh nghiệp thép lớn trong nước có thể cải thiện nhờ sự đóng góp của thuế. chống bán phá giá.