Trao đổi với CafeLand , ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, ngân sách nhà nước thất thoát hàng chục tỷ là do các dự án BT.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành

Phải chấm dứt ngay việc thực hiện dự án BT

Pv:Thưa ông, quan điểm của ông về các dự án BT như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Đực: Chính Phủ cần phải chấm dứt ngay việc thực hiện các dự án BT. Vì theo tôi, thực hiện các dự án BT là cơ hội cho nhiều cá nhân “trục lợi”, tính lợi ích nhóm ở đây rất rõ. Vì xây một cái cầu hết bao nhiêu hay làm một con đường hết bao nhiêu, nó có giá trị như thế nào phải có sự kiểm chứng, chứ không thể để địa phương hay một doanh nghiệp tự nói cái cầu này là 1.000 tỷ, cái cầu kia là 2.000 tỷ ; con đường này mấy nghìn tỷ và công trình kia mấy chục nghìn tỷ được”.

PV: Vậy theo ông thực hiện dự án theo hình thức BT là sai?

Ông Nguyễn Văn Đực: Lỗ hổng nằm ở chỗ sử dụng chính sách BT giá trị của những thứ không tương đương nhau mà lại được đặt bằng nhau như vậy là sai. 3,5km đường mà bằng với 70ha đất. Một bên được thổi lên gấp 5 gấp 6 lần và một bên được hạ xuống làm mất giá trị đi cả chục lần.

Trong hình thức BT được áp dụng vào xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam thì các công trình xây dựng cộng đồng không có hình thức đấu thầu mà được địa phương và doanh nghiệp ngầm trao đổi bắt tay nhau và sử dụng hình thức chỉ định thầu.

Vì thế công trình xây dựng không có đấu thầu không có tính cạnh tranh làm sao mà tìm ra được phương án tối ưu nhất để xây dựng. Những công ty doanh nghiệp được địa phương chỉ định thầu theo điều luật 26 của luật đấu thầu đặc biệt là có tính cấp bách. Nhưng đây chỉ là những công trình xây dựng dân sinh không phải là nhưng công trình mang tính quân sự đặc biệt phải cần gấp gáp để xây dựng nhanh.

Vì thế chúng ta mới thấy một thực trạng nhiều dự án cầu đường được chỉ định thầu xây dựng vì tính cấp bách nhưng khi được phê duyệt xây dựng thì kéo dài từ năm này sang năm khác.

Thực trạng nữa là nhiều con đường nhiều cây cầu khi xây dựng xong bàn giao lại cho nhân dân sử dụng một thời gian ngắn đã xuống cấp nghiêm trọng. Vậy chất lượng của những công trình công cộng đó ra sao?

PV: Ông có thể nói rõ hơn về việc chỉ định thầu không thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Đực: Vấn đề này nằm ở chỗ công ty được chỉ định thầu là công ty gì? Có năng lực thực tiễn như thế nào? Có thực sự xuất sắc đến mức cả nước chỉ có công ty đó thực hiện công trình đó hay không? Nhưng thực tế phần lớn những đơn vị được thực hiện thầu xây dựng trong chính sách BT đều là công ty bất động sản. Vậy năng lực của công ty bất động sản thì chỉ kinh doanh bất động sản tại sao lại được ngang nhiên cấp phép cho thi công xây dựng. Điều này là sai về nguyên tắc và pháp lý hành nghề cũng như sai hẳn về chức năng nhiệm vụ.

Một người không có học hành không có năng lực trình độ về thi công xây dựng mà lại được thi công xây dựng. Thực tế cuộc sống các Công ty thi công xây dựng cầu đường phải có quá trình chứng minh năng lực của mình xây dựng từ những cây cầu cống nhỏ cấp 3, mới đủ năng lực xây dựng cầu cấp 2 rồi mới đến cấp một.

Cũng như công ty thi công chung cư cũng phải có quá trình thi công từ chung cư 5 tầng rồi có kinh nghiệm năng lực trình độ mới tiếp tục được cho phép xây dựng những chung cư cấp 2: 15,17 tầng rồi tiếp tục qua quá trình thực hành xây dựng hành nghề công ty đó mới được xây dựng ở cấp cao hơn.

Trong khi hình thức BT thì bỏ qua hết những quá trình năng lực trình độ này để cấp hẳn cho một công ty ôm thầu trọn gói vừa được thi công xây dựng vừa được khai thác kinh doanh bất động sản. Điều này là sai nguyên tắc hành nghề sai pháp lý kinh doanh

Vì thế Việt Nam mới có những con đường xây dựng mất 24 triệu đô trong khi nước ngoài chỉ mất 7 triệu đô nhưng chất lượng thì mình thua xa họ. Giống như bỏ tiền mua chiếc điên thoại iPhone7s mà chất lượng là điện thoại Nokia1200 .

Vấn đề thứ 2 là quỹ đất để trao đổi lấy công trình xây dựng không được đưa ra bán đấu giá nên không biết được giá trị thực của mảnh đất đó ra sao. Trong khi trên thực tế những mảnh đất được địa phương trao đổi với doanh nghiệp đều nằm ở vị trí đắc địa. Ví dụ, khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1, TP. HCM, ban đầu định giá 600-700 tỷ đồng nhưng khi đấu thầu lên đến 1.300-1.400 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần. Hoặc miếng đất khách sạn Kim Liên ở Hà Nội, theo giá định ban đầu là 122 tỷ đồng nhưng khi đấu thầu lên đến 1.000 tỷ đồng, như vậy tăng gấp 8 lần.

PV: Ông có thể lý giải vì sao các địa phương và doanh nghiệp lại chuộng xây dựng theo hình thức BT không?

Ông Nguyễn Văn Đực: Sử dụng hình thức BT sao lại được rất nhiều địa phương thích áp dụng như vậy vì chắc chắn lợi ích mang lại cho cán bộ địa phương không hề nhỏ. Vì xây cây cầu cán bộ địa phương cũng được doanh nghiệp chiết khấu % trong số tiền xây cầu. Và về quỹ đất thì chính quyền địa phương cũng có được những lợi ích rất lớn trong đó. Vì thế mới có những hiện tượng địa phương xin dự án, và nhiều quan chức đi chạy dự án, vẽ ra dự án để có việc làm.

Còn những doanh nghiệp được nhận thầu các công trình xây dựng thì được quá nhiều ưu đãi từ chính sách BT này. Ví dụ doanh nghiệp đứng ra nhận dự án 300 tỷ thì họ chỉ bỏ ra 100 tỷ tiền vốn rồi tiếp tục được hỗ trợ vay ngân hàng thực hiện dự án 200 tỷ từ tiền ngân hàng nhà nước. Doanh nghiệp còn được quyền sở hữu hoặc là được thuê dài hạn quỹ đất mà địa phương cấp. Từ quỹ đất đó Doanh nghiệp lại đưa vào khai thác sử dụng. Địa phương lại cấp giấy phép xây dựng cho các công trình xây dựng nào là chung cư, khách sạn, trung tâm thương mại của những doanh nghiệp đó. Doanh nghiệp lại tiếp tục được ngân hàng đứng ra bảo lãnh xây dựng các công trình trên quỹ đất đó. Tiếp theo doanh nghiệp lại mở bán khai thác kinh doanh trên các công trình xây dựng đang là dự án trên giấy hoặc trên mô hình họ thu hút người dân tư vào những dự án đó tiền lời từ mảnh đất có thể lên đến hàng trăm tỷ. Vậy họ chỉ bỏ mức vốn một lần mà lời đến hàng chục lần. Điều này là “nhất bản vạn lợi”, thất thoát ngân sách là ở đây.

Pv: Vậy theo ông nguyên nhân chính nằm ở đâu?

Ông Nguyễn Văn Đực: Trên thực tế xây dựng bản thân tôi nhận thấy nguyên nhân là do bảng giá định mức của Bộ Xây Dựng đưa ra là sai so với thực tế là hơn một nữa. Ví dụ giá xây chung cư là 10tr/m2 nhưng theo kinh nghiệm xây dựng của tôi chỉ mất 5tr/m2. Chẳng hạn xây chung cư 30.000m2 với đơn giá bộ xây dựng là 10tr/m2 thì tổng chi phí ngân sách nhà nước bỏ ra 300 tỷ, nhưng thực chất xây chung cư đó chỉ mất 150 tỷ. Định mức của Bộ Xây Dựng về cầu đường còn sai gấp 3 lần so với xây dựng chung cư.

Đã nhiều lần tôi kiến nghị Bộ Xây Dựng: định mức xây dựng lớn hơn giá thị trường ít nhất 30% , nếu họ cố tình gian dối thì có thể đến 50% , (như đơn giá chung cư Bình Dương 4,7 trđ m2 trong khi định mức Bộ XD khoảng 10 trđ/m2 ).

Còn Theo dự toán nhà nước là chi 250.000 tỷ đồng trong năm 2015 nhưng quyết toán 335.000 tỷ đồng vượt 88.000 tỷ đồng, theo tôi là vượt 188.000 tỷ đồng

Pv: Vậy theo ông giải pháp nào cho việc thu hút đầu tư xây dựng khi kinh tế của nước mình còn quá eo hẹp?

Ông Nguyễn Văn Đực: Vì đất nước mình còn nghèo nên không phải vì thế mà ồ ạt xây dựng, ồ ạt trao đổi đất vàng lấy hạ tầng cơ sở như vậy được cần phải thắt chặt chi tiêu và cần phải kiểm tra xem xét lại các dự án BT. Các dự án xây dựng cần phải qua đấu thầu công khai, nếu dự án lớn quá cần thiết thì kêu gọi cả đấu thầu quốc tế để thu hút vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam. Và các qũy đất thì cũng phải đưa ra bán đấu giá công khai.

Nở rộ hình thức BT trên khắp cả nước

Dự án BT đổi đất lấy hạ tầng đã trở thành phong trào phát triển nở rộ trên khắp cả nước vì vậy CafeLand điểm qua một số dự án xây dựng bằng hình thức BT trong thời gian qua như:

Ở TP.Hà Nội ngày 28/4 vừa qua, chính thức thông xe tuyến đường dài 3,5km thuộc Dự án đường Lê Đức Thọ kéo dài được xây dựng trong phạm vi quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) với điểm đầu dự án là nút giao thông với đường Lê Đức Thọ và điểm cuối là nút giao với đường 70 do Công ty cổ phần Tasco làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng Để có được tuyến đường này Hà Nội phải ký với Tasco hợp đồng BT. Theo đó, Tasco được sở hữu quỹ đất lên tới gần 70 héc-ta ở Hà Nội.

Ở Đà Nẵng : Ngày 22-3, ông Nguyễn Tâm Tiến, giám đốc Công ty TNHH BT ngã ba Huế Trung Nam (Tập đoàn Trung Nam) cho biết vừa có công văn gửi UBNDTP Đà Nẵng đề nghị được thanh toán hơn 2.050 tỉ đồng vốn đầu tư xây dựng nút giao thông ngã ba Huế (cầu vượt ngã ba Huế, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 3-2015).Trong trường hợp không được trả nợ, phía Trung Nam kiến nghị cho phép thay đổi hình thức đầu tư dự án từ xây dựng-chuyển giao (BT) sang hình thức xây dựng-khai thác-chuyển giao (BOT) là lập trạm thu phí để thu hồi nợ vốn xây cầu.

Lý do Trung Nam hiện đang vay 2.050 tỉ đồng từ phía ngân hàng SHB và theo đúng tiến độ hoàn trả thì quý 1-2017 này, phía Trung Nam phải hoàn trả cả lãi lẫn gốc 30% trong số nợ vay nói trên (khoản 600 tỉ đồng).Tuy nhiên đến thời điểm này, cả phía UBND TP Đà Nẵng lẫn Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa tìm ra nguồn vốn nào để chuyển trả cho dự án.

Vì vậy “Nếu trong quý 1 này không tìm ra nguồn tiền 30% để trả cho SHB theo phương án tài chính đã được duyệt, phía ngân hàng sẽ xếp doanh nghiệp vào diện nợ xấu. Được biết trước đó và tháng 5-2013, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn đồng ý để công ty Trung Nam xây dựng cầu vượt ngã ba Huế theo hình thức BT với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 2.050 tỉ đồng từ nguồn vốn của Bộ GTVT (bố trí trả nợ từ năm 2017 đến 2020).

Ngay sau đó, UBND TP Đà Nẵng cũng có văn bản cam kết gửi ngân hàng SHB với nội dung: “Trong trường hợp trung ương chưa chuyển kịp vốn để trả cho ngân hàng, TP Đà Nẵng cam kết sẽ sử dụng ngân sách TP để tạm ứng cho phần chậm thanh toán trả cho SHB”.

Cầu vượt ngã ba Huế ở Đà Nẵng có giá 2.500 tỷ đồng, doanh nghiệp đòi xây trạm thu phí vì không thu hồi được vốn trả nợ ngân hàng

BT (xây dựng - chuyển giao) cụ thể là chính sách của nhà nước mời gọi các nhà đầu tư vào dự án xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, công trình công cộng dân sinh là trường học, đường sá, cầu cống, văn phòng, thủy lợi, thủy điện…khi những nhà đầu tư này xây dựng xong công trình phúc lợi công cộng thì được nhà nước thanh toán bằng cách một là từ ngân sách nhà nước hoặc ngân sách của các địa phương bỏ ra. Trong tình hình kinh tế của các địa phương quá eo hẹp thì địa phương sử dụng bằng tài nguyên đất (tài sản tự nhiên của địa phương) đổi lấy cơ sở hạ tầng các công trình phúc lợi. Vì thế công thức chung của BT được gọi là đổi đất lấy hạ tầng.

Chủ đề: Các dự án BT, BOT,
Diệp Chi
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.