Từ mức cho vay 15% ở tháng 4.2010, ngân hàng đã kéo xuống còn 13 – 14%/năm, lãi suất huy động phổ biến ở mức 11,5%.
Lộ trình giảm lãi suất: Chốt chặn lãi suất trái phiếu

Cuối tuần qua, ngân hàng Nhà nước (NHNN) và hiệp hội Ngân hàng, một lần nữa yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm dần lãi suất tiền gửi xuống 10% và lãi suất cho vay xuống 12%. Tín hiệu từ lãi suất trái phiếu cho thấy, con đường giảm lãi suất đang bị chặn.

Từ mức cho vay 15% ở tháng 4.2010, ngân hàng đã kéo xuống còn 13 – 14%/năm, lãi suất huy động phổ biến ở mức 11,5%. Một số ngân hàng rút các khuyến mãi lãi suất và tiền trực tiếp, dù một số khác vẫn duy trì.

Khó từ trái phiếu

Theo bà Dương Thu Hương, tổng thư ký hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng thương mại nhà nước đã gần về đích trong cuộc giảm lãi suất, trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần đang trên đường đi với lãi suất 13 – 13,5%/năm.

Các ngân hàng “gần đến đích”, theo bà, là bởi mức lãi suất cho vay 12% theo chỉ đạo của Chính phủ mới phủ được các đối tượng khu vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ vay được vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Lộ trình được đặt ra để kéo lãi suất xuống, là trước hết các ngân hàng tập trung giảm lãi suất kỳ hạn ngắn và giảm lãi suất cho vay đối với các đối tượng kể trên.

Gần tới đích song bà Hương thừa hiểu thời điểm tới đích vẫn chưa rõ. Bà nói: “Lãi suất trái phiếu đang cao ngất ngưởng thì làm sao lãi suất tiền gửi giảm được, đó là chưa kể đến lạm phát”. Tuy lãi suất trái phiếu đang giảm dần song vẫn ở mức cao. Trong tháng 3, trái phiếu kỳ hạn hai năm được bán với lãi suất trúng thầu 12%/năm, thì giữa tháng 4 giảm xuống còn 11,3%; đến tuần qua, trái phiếu kỳ hạn hai năm có lãi suất 11,05%.

Theo chuyên gia ngân hàng Trang Văn Sanh: “Trái phiếu chính phủ có rủi ro thấp, nên lãi suất thường chỉ bằng 60% lãi suất huy động cùng kỳ hạn. Nếu cao cũng chỉ bằng 80 – 90%”. Điều này có nghĩa, muốn lãi suất huy động xuống 10% như định hướng của Chính phủ, lãi suất trái phiếu phải ở mức từ 9% trở xuống. Trên thực tế, những phiên đấu thầu “ép” lãi suất xuống, thì trái phiếu lại bị “ế hàng”.

Tiếp tục gỡ rối

Ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ngân hàng ACB cho biết, với mức lãi suất hiện hành, huy động ở ACB không tốt lắm, người dân gửi phần lớn ở kỳ hạn ngắn. Ông cho rằng, tốc độ huy động vốn của các ngân hàng tăng chậm, nên nhiều ngân hàng buộc phải giữ lãi suất tiền gửi cao.

Theo giám đốc một ngân hàng, một số ngân hàng đề phòng lãi suất sẽ còn tăng nên chấp nhận phát hành công cụ nợ với mức lãi suất cao trên thị trường. Các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô vừa và nhỏ chọn phát hành kỳ phiếu ngắn hạn, như ngân hàng Phương Đông phát hành kỳ phiếu, lãi suất 1 tháng là 11,45%/năm, 3 tháng và 6 tháng là 11,50 %/năm. Ngân hàng Tiên Phong phát hành kỳ phiếu bằng VND, với một mức lãi suất 11,5% cho tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng đến 364 ngày. Ngân hàng Tín Nghĩa cũng phát hành 2.000 tỉ đồng, lãi suất từ 11,58% – 11,94%.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn như ngân hàng Công thương sẽ phát hành 6.000 tỉ đồng trái phiếu dài hạn kỳ hạn hai năm. Lãi suất thả nổi, trong đó năm đầu tối đa là 12,5%/năm, lãi suất năm sau thả nổi.

Ông Trang Văn Sanh bình luận, với mặt bằng lãi suất huy động cao như kể trên, ngân hàng khó lòng giảm lãi suất cho vay. Ông Sanh tính toán, ngân hàng chỉ có thể dùng tối đa 80% vốn huy động để cho vay (nếu dùng nhiều hơn, rủi ro cao). Điều đó có nghĩa, nếu lãi suất huy động là 11,5%, thì lãi suất huy động tính trên số 80% có thể cho vay, đã là 14,375%.

Trong khi đó, trong bản tin ngày 10.6, công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) đưa ra nhận định: “Nhiều ngân hàng có lẽ đang tìm cách cải thiện tỷ lệ dư nợ/vốn huy động và giảm tỷ lệ này xuống dưới 80% trước cuối tháng 10 để đáp ứng những yêu cầu của NHNN. Những ngân hàng không đáp ứng được điều kiện này sẽ không được phép mở thêm chi nhánh mới hoặc mở rộng hoạt động cho vay”.

Thực tế trên, nếu có, ngân hàng sẽ phải chọn lựa giữa giảm cho vay xuống hoặc tăng huy động lên hoặc thực hiện cả hai cách để đảm bảo tỷ lệ 80%. Làm được như vậy, ngân hàng phải chấp nhận tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi. Nếu chọn lọc đối tượng vay, ngân hàng sẽ có cơ hội tăng lãi suất cho vay.

HSC cho rằng: “NHNN có lẽ sẽ phải bơm thêm thanh khoản vào hệ thống thông qua nghiệp vụ thị trường mở nếu cơ quan này muốn lãi suất giảm”. Theo tổng hợp các thông tin công bố trên website NHNN, chỉ từ 4 – 11.6, NHNN đã bơm ra thị trường khoảng 39.656 tỉ đồng. NHNN khẳng định tiếp tục dùng các công cụ của chính sách tiền tệ linh hoạt và chủ động để hỗ trợ các ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất và tăng thanh khoản cho nền kinh tế.

Cafeland.vn
theo Sài Gòn tiếp thị

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland