Bán điện dưới giá vốn
Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất kiểm toán năm 2022 với doanh thu đạt 463.000 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, chiếm 98% doanh thu là tiền bán điện với 456.000 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu tăng nhưng EVN vẫn lỗ tới 20.747 tỷ đồng, tương ứng gần 1 tỷ USD, trong khi năm trước vẫn báo lãi 14.725 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do giá vốn hàng bán tăng cao, chiếm hơn 452.000 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của EVN giảm mạnh còn 10.580 tỷ đồng, giảm hơn 72% so với năm 2021.
Chưa kể, doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm hơn một nửa khi chỉ đạt 7.382 tỷ đồng, trong khi năm trước là 15.043 tỷ đồng. Số lỗ chênh lệch tỷ giá trong năm vừa qua của tập đoàn lên hơn 3.671 tỷ đồng, gấp gần 4 lần năm 2021.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam lỗ hơn 20.700 tỷ đồng trong năm 2022
Theo lãnh đạo EVN, năm 2022 lỗ chủ yếu là do chi phí sản xuất điện đầu vào tăng cao. Đặc biệt là giá than tăng gấp hơn 3 lần, có thời điểm tăng gấp 4 đến 5 lần. Giá khí đốt và giá dầu tăng gấp đôi là nguyên nhân khiến chi phí mua điện tăng cao.
Trước đó, báo cáo về việc thua lỗ trong năm 2022, EVN đã đề xuất và được chấp thuận chính thức tăng giá điện từ ngày 4.5. Cụ thể, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% lên 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).
Có hơn 100.000 tỷ gửi ngân hàng
Tính đến hết năm 2022, tổng tài sản của EVN và các công ty con là hơn 666.000 tỷ đồng, giảm hơn 39.200 tỷ đồng, tương ứng giảm 5,5% so với đầu năm.
Cụ thể, EVN có 38.640 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền, trong đó, lượng tiền mặt đang gửi ngân hàng không kỳ hạn là 7.419 tỷ đồng, giảm 50% so với năm 2021. Các khoản tương đương tiền là hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 26% so với hồi đầu năm 2022.
Ngoài ra, EVN còn có khoản tiền đầu tư tài chính gồm tiền gửi có kỳ hạn và trái phiếu gần 63.000 tỷ đồng, giảm hơn 33.000 tỷ đồng so với số đầu năm 2022. Số tiền lãi từ tiền gửi, trái phiếu, ủy thác đã mang về cho EVN hơn 3.700 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, nợ phải trả của EVN là hơn 440.000 tỷ đồng, giảm gần 4% so với đầu năm. Tổng giá trị nợ vay của EVN và các công ty con ghi nhận hơn 320.000 tỷ đồng, trong đó vay dài hạn là hơn 276.600 tỷ đồng, chiếm 86% tổng nợ vay và còn lại là hơn 47.500 tỷ đồng vay ngắn hạn.
Theo giải thích của EVN, việc duy trì số dư tiền gửi ngân hàng của các đơn vị thành viên do nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao, đòi hỏi các đơn vị phải duy trì số dư đủ trả nợ đến hạn, nhằm đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay thời gian tới.
Ngoài ra, số tiền này được dùng để thanh toán trả nợ cho các nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện mặt trời mái nhà, thủy điện nhỏ vào đầu tháng sau theo các hợp đồng đã ký.
Loạt công nợ tiềm tàng khiến giá mua điện thay đổi
Tại BCTC hợp nhất năm 2022, đơn vị kiểm toán cũng đã chỉ ra một loạt công nợ tiềm tàng của EVN. Trong đó, có khoản công nợ liên quan tới dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Cụ thể, ngày 22/11/2016, Quốc hội thông qua nghị quyết 31 về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo đơn vị kiểm toán, hiện EVN vẫn chờ quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về phương án xử lý tài chính đối với dự án này.
Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Ngoài ra, EVN cũng phải đối mặt với một loạt công nợ tiềm tàng có thể dẫn tới thay đổi chi phí nhiên liệu trong giá thành điện dẫn đến giá mua điện thay đổi.
Cụ thể, tập đoàn này đang ghi nhận chi phí vận chuyển, thu gom khí mỏ Thiên Ưng - Đại Hùng thông qua hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 (giai đoạn 1) vào giá thành điện theo đơn giá tạm tính được xác định tại công văn số 57 Thủ tướng Chính phủ và được áp dụng từ năm 2015 cùng các văn bản làm việc giữa Tổng công ty Khí Việt Nam và EVN.
Theo đó, giá cước phí vận chuyển, thu gom khí này sẽ được điều chỉnh lại theo giá trị quyết toán công trình của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, tại ngày lập BCTC hợp nhất này, EVN chưa nhận được thông tin về việc phê duyệt chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quyết toán dự án.
"Theo đó, chi phí mua điện có thể phải điều chỉnh do việc thay đổi cước phí vận chuyển khí sẽ dẫn tới thay đổi chi phí nhiên liệu trong giá thành điện", đơn vị kiểm toán lưu ý.
Ngoài ra, EVN hiện cũng ghi nhận chi phí vận chuyển khí của nhà máy điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2 vào giá thành điện theo đơn giá tạm tính là 1,17 USD/triệu BTU và được áp dụng từ năm 2012. Tại ngày lập BCTC hợp nhất này, EVN chưa nhận được thông tin về việc phê duyệt chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan về đơn giá chính thức cước phí vận chuyển khí.
Khi cước phí vận chuyển khí thay đổi, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh điều này có thể dẫn tới thay đổi chi phí nhiên liệu trong giá thành điện dẫn đến giá mua điện thay đổi.
-
Nóng: Công bố kết luận thanh tra cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam
EVN chậm đầu tư nguồn, lưới điện; điều độ và vận hành hệ thống mất cân đối dẫn tới thiếu điện mùa khô 2023, theo kết luận của Thanh tra Bộ Công Thương.
-
Tại sao EVN đưa phương án tăng giá điện “sốc”?
CafeLand - Dù muốn dù không thì thị trường phân phối điện hiện nay vẫn là thị trường độc quyền. Cụ thể, dù việc bán lẻ điện đã được giao về các công ty điện khu vực, địa phương thì tất các các công ty này vẫn thuộc Tập đoàn điện lực (EVN).
-
Lộ trình áp dụng giá điện tính như cước điện thoại sẽ ra sao?
Cơ chế giá điện 2 thành phần sẽ được triển khai thực hiện thí điểm cho nhóm đối tượng sản xuất trong năm 2024 và mở rộng thí điểm vào năm 2025 khi có đầy đủ cơ sở pháp lý cũng như điều kiện để thực hiện....
-
Chính thức đề xuất giá điện hai thành phần, tính như giá cước điện thoại cố định
EVN đề nghị triển khai thí điểm giá điện hai thành phần, áp dụng thí điểm trước với một số nhóm khách hàng trước khi thực hiện mở rộng vào năm 2025.
-
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu phát triển điện hạt nhân
Nhu cầu điện năm sau tăng khoảng 12-13% nên Thủ tướng yêu cầu ngành điện phải có giải pháp cụ thể để không thiếu điện. Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu phát triển điện hạt nhân....