Pomina lỗ hơn 791 tỷ đồng trong 9 tháng
Công ty CP Thép Pomina tiền thân là nhà máy thép Pomina 1, được thành lập từ năm 1999. Ngày 17/8/1999, nhà máy thép Pomina chuyển thành Công ty TNHH Thép Pomina với vốn điều lệ 42 tỷ đồng.
Đến năm 2010, công ty được niêm yết lần đầu tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã cổ phiếu là POM.
Hiện tại, Pomina đang có 3 nhà máy luyện phôi và cán thép xây dựng với tổng công suất 2,6 triệu tấn và khoảng hơn 1.100 lao động. Trong đó, công suất luyện phôi thép đạt 1,5 triệu tấn/năm và công suất cán Thép xây dựng là 1,1 triệu tấn.
Trong quá khứ, Pomina từng là nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất Việt Nam và có thị phần cao hơn Tập đoàn Hòa Phát. Thời điểm năm 2010, Pomina chiếm 17% thị phần thép xây dựng toàn quốc trong khi Hòa Phát chỉ chiếm 12% thị phần.
Được biết, chiến lược của hãng thép có trụ sở tại Bình Dương là tập trung ở phân khúc thép xây dựng và thị trường trọng điểm miền Nam.
Công ty CP Thép Pomina tiền thân là nhà máy thép Pomina 1, được thành lập từ năm 1999
Mới đây, Pomina vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024 với kết quả vẫn chưa khả quan khi tiếp tục thua lỗ.
Trong quý 3, Pomina ghi nhận doanh thu thuần giảm gần 3% so với cùng kỳ còn 488 tỷ đồng. Tín hiệu tích cực là doanh thu nội địa tăng 60% so với quý 3 năm ngoái lên 363 tỷ đồng. Trái lại, nguồn thu từ xuất khẩu suy giảm 46% còn 118 tỷ đồng.
Tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn trong khi lại chịu gánh nặng lớn về chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) tăng vọt lên 169 tỷ đồng, gấp 2,88 lần cùng kỳ.
Kết quả, Pomina này báo lỗ sau thuế 286 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 110 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 10 liên tiếp của doanh nghiệp này.
Lý giải nguyên nhân thua lỗ, theo ban lãnh đạo Pomina, nhà máy thép Pomina 3 và nhà máy Pomina 1 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng công ty phải gánh nhiều chi phí, trong đó có chi phí lãi vay, chi phí quản lý. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng nhiều nhất nên lỗ trong kỳ.
“Công ty vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư để tái cấu trúc để có thể sản xuất lại trong thời gian sớm nhất”, Pomina cho biết.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, nhà sản xuất thép này ghi nhận doanh thu đạt 1.576 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế hơn 791 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 647 tỷ đồng.
Như vậy, với việc tiếp tục thua lỗ trong 3 quý vừa qua, Pomina đang ghi nhận lỗ luỹ kế lên tới 2.356 tỷ đồng, bằng 84,25% tổng vốn điều lệ.
Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Pomina là khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang với giá trị 5.723 tỷ đồng. Nguồn: BCTC POM
Tại thời điểm cuối quý 3/2024, tổng tài sản của Pomina đạt 9.353 tỷ đồng, giảm khoảng 1.000 tỷ đồng so với đầu năm nay.
Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí xây dựng dở dang với hơn 5.700 tỷ đồng, đều nằm ở chi phí xây dựng lò cao và lò EAF (gồm chi phí mua sắm máy móc thiết bị và xây dựng dự án lò cao, lò EAF luyện phôi thép công suất 1 triệu tấn/năm tại Khu công nghiệp Phú Mỹ, trong kỳ tài chính này chưa kết chuyển thành tài sản).
Hàng tồn kho giảm mạnh xuống còn khoảng 460 tỷ đồng; tiền mặt chỉ còn 16 tỷ đồng.
Bên phía nguồn vốn, nợ phải trả tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm, lên mức 8.844 tỷ đồng. Tổng giá trị nợ vay là hơn 6.220 tỷ đồng, chủ yếu vay ngắn hạn với 5.500 tỷ đồng, không thay đổi quá lớn sau một quý.
Vốn lưu động của Pomina âm hơn 6.200 tỷ đồng tại thời điểm 30/9. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 31 tỷ đồng 9 tháng đầu năm nay.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu POM đang giao dịch trên sàn UPCoM và thuộc diện bị hạn chế, chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần. Cổ phiếu POM đang ở vùng giá 2.500 đồng/cp.
Sẽ khởi động lò cao vào đầu năm 2025
Mới đây, Pomina đã có thông báo chính thức ký kết đầu tư với đối tác Nhật là Nansei Steel. Đây được xem là bước đi nhằm cụ thể hoá thoả thuận đầu tư chiến lược của Nansei Steel và Pomina cuối tháng 7/2024, cũng như đánh dấu bước tiến lớn cho chiến lược tái cấu trúc toàn diện của nhà sản xuất thép này.
Theo thỏa thuận, Nansei Steel sẽ cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cần thiết cho nhà máy thép Pomina 2 vận hành công suất tối đa.
Pomina cho biết, việc hợp tác với Nansei Steel sẽ giúp công ty tối ưu hóa chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, sản xuất đến thị trường giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, việc khởi động lại nhà máy từ thời điểm này được kỳ vọng sẽ giúp công ty đón sóng Bất động sản phục hồi và các dự án đầu tư công bước vào giai đoạn nước rút triển khai, giúp nhu cầu về thép xây dựng tăng trở lại.
Trước đó, Pomina cũng đã ký MOU (biên bản ghi nhớ) với một nhà đầu tư chuyên nghiệp khác nhằm mục tiêu khởi động lại dự án lò cao vào đầu năm 2025.
-
Kế hoạch tái cấu trúc hãng thép Pomina có chuyển biến mới
Nansei Steel sẽ cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cần thiết để doanh nghiệp này nâng công suất nhà máy thép Pomina 2 lên mức tối đa, kịp đón đầu nhu cầu sử dụng thép xây dựng cuối năm nay.
-
Một doanh nghiệp thu hơn 1.575 tỷ đồng mỗi ngày từ kinh doanh điện
Năm 2024, doanh thu hợp nhất của EVN đạt 575.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm trước. Trong đó doanh thu công ty mẹ EVN đạt 480.662 tỷ đồng. Năm ngoái, công ty mẹ có lợi nhuận, nhưng chưa được tập đoàn này công bố con số chi tiết....
-
“Á quân” thua lỗ ngành thép từng đem hàng trăm tỷ đồng đầu tư chứng khoán vừa bị phạt
9 tháng đầu năm 2024, Thép Tiến Lên ghi nhận lỗ ròng gần 270 tỷ đồng, là mức lỗ nặng nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
-
Hé lộ doanh nghiệp vừa đạt hơn 1 TRIỆU TỶ ĐỒNG doanh thu năm 2024
Doanh nghiệp này đã phá kỷ lục doanh thu trong năm 2024 và tương đương 9% GDP cả nước.