Dù đi sau những “đàn anh đàn chị” như Bitexco và Vingroup, những “anh chàng tý hon” đã tận dụng cơ hội hiếm hoi trong lúc thị trường bất động sản u ám để bứt phá thần tốc trở thành những người khổng lồ.
FLC liên tục thâu tóm các dự án bất động sản mới
FLC vươn vai thành người khổng lồ
FLC là trường hợp điển hình về tốc độ bứt phá ngoạn mục. Chủ tịch FLC, ông Trịnh Văn Quyết, vốn là một luật sư, nhưng đã trình làng bản lĩnh đầy tự tin khi liên tục thâu tóm những dự án mới để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển bùng nổ trong lúc nhiều doanh nghiệp bất động sản có thâm niên trong ngành vẫn còn đang vật lộn với bài toán thiếu vốn và hàng tồn kho lớn.
Chỉ trong thời gian ngắn, FLC liên tục tăng vốn, với vốn điều lệ tăng từ 700 tỷ đồng lên 1.543 tỷ đồng vào năm ngoái và mới đây đã “lớn vọt” lên 3.149 tỷ đồng. Thậm chí, FLC đã phát hành trái phiếu chuyển đổi và lên kế hoạch phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược để tăng vốn tiếp lên 4.550 tỷ đồng trong thời gian tới.
Cùng với tốc độ tăng vốn nhanh như thổi, danh sách các dự án bất động sản của FLC cũng dài thêm. Từ chỗ chỉ mới xây dựng xong một dự án là tổ hợp căn hộ-văn phòng FLC Landmark Tower tại Hà Nội, FLC đã liên tục thâu tóm các dự án bất động sản của những chủ đầu tư khó khăn cũng như giành quyền phát triển những dự án mới.
Những thương vụ thâu tóm điển hình là mua lại dự án Alaska Garden City và đổi tên thành FLC Garden City (8ha), mua dự án IONE Complex và đổi tên thành FLC Complex. Ngoài ra, FLC tấn công mạnh vào Thanh Hoá với hàng loạt dự án bất động sản đình đám như tổ hợp sân golf FLC Samson Golf Links và FLC Complex Thanh Hoá.
Không những thâu tóm nhanh mà FLC cũng đang cho thấy tốc độ triển khai dự án thần tốc. Theo tuyên bố của lãnh đạo Tập đoàn, trong quý tới, FLC sẽ tung ra thị trường 2.500 sản phẩm bất động sản, trong đó có 1.100 căn hộ, 20 nền đất biệt thự và 120 nhà liền kề dự án FLC Garden City, 483 căn hộ dự án FLC Complex tại Hà Nội. Ngoài ra, FLC cũng dự kiến trình làng 675 căn biệt thự sân golf dự án FLC Samson Golf Links.
Dường như không có gì cản trở được bước tiến của FLC khi Tập đoàn này tiếp tục kế hoạch bành trướng đầy tham vọng. Chỉ ít tháng sau khi tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà, FLC đã ký hợp đồng ký quỹ tới 100 tỷ đồng để cam kết xây dựng dự án Trung tâm hành chính mới cho Khánh Hoà với vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng.
Nếu giành được hợp đồng xây dựng - chuyển giao này, FLC có thể sẽ có quỹ đất đối ứng rất lớn để phát triển các dự án bất động sản ở thành phố du lịch Nha Trang, như sân bay Nha Trang cũ cũng như trụ sở các cơ quan hành chính của tỉnh có kế hoạch di dời.
Bất ngờ khả năng thâu tóm của Novaland
Cũng đi theo con đường thâu tóm như FLC, một doanh nghiệp bất động sản khác có trụ sở tại TP.HCM là Novaland cũng có những bước tiến thần tốc. Năm ngoái, khi Novaland công bố chào bán giai đoạn mới của dự án Sunrise City với mức giá bằng nửa giai đoạn đầu, đã có ý kiến cho rằng, Tập đoàn này gặp khó khăn nên buộc phải hạ giá bán để đẩy hàng tồn.
Nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại khi Novaland đã cho thấy năng lực thích ứng với những điều kiện mới của thị trường. Tuỳ theo nhu cầu, Novaland sẽ phát triển những loại sản phẩm phù hợp, trong đó, những sản phẩm đắt giá được xây dựng với chất lượng cao, nhưng khi thị trường đi xuống, Novaland đã nhanh chóng điều chỉnh thiết kế và cơ cấu lại sản phẩm để bán với giá rẻ hơn.
Sự điều chỉnh linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, cùng với việc lựa chọn dự án ở những vị trí thuận tiện về giao thông, đầy đủ tiện ích, Novaland đã gặt hái lớn. Năm ngoái, Tập đoàn này tuyên bố bán được hơn 1.000 căn hộ và từ đầu năm đến nay đã tiêu thụ được hơn 2.000 căn hộ.
Bên cạnh đó, từ những dự án đầu tay như Sunrise City, Tropic Garden, Novaland vừa chính thức trình làng 14 dự án bất động sản, trong đó có nhiều dự án mới thâu tóm hoặc phát triển mới như Icon 56, Lexington Residence, Lucky Dragon, Lucky Palace. Lãnh đạo Novaland tuyên bố mục tiêu đến năm 2016 là xây dựng 5.000 căn nhà. Khi đó, Novaland trở thành người khổng lồ thực sự trong lĩnh vực bất động sản.
Những người khổng lồ ngã ngựa
Sự lớn mạnh nhanh chóng của FLC hay Novaland là những bằng chứng điển hình cho thấy, khủng hoảng của thị trường bất động sản thời gian qua một mặt đặt ra vô vàn những thách thức với các doanh nghiệp đầu tư vào ngành này, nhưng mặt khác, lại tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp biết chớp cơ hội để vươn lên.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch SohoVietnam cho rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng biết tận dụng cơ hội lúc doanh nghiệp khác khó khăn để mở rộng kinh doanh. Bởi trong lúc thị trường khủng hoảng, nhà xây không bán được, ngân hàng thắt chặt cho vay, nếu không đủ bản lĩnh, không tự tin và bản thân mình và triển vọng tương lai cũng như không hoạch định được đường đi hợp lý, doanh nghiệp sẽ khó trụ lại chứ chưa nói đến khả năng bành trướng.
Đã có nhiều người khổng lồ ngã ngựa trong giai đoạn khắc nghiệt vừa qua. Điển hình như Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long. Một thời, doanh nghiệp này nổi đình đám với hàng loạt dự án, nhưng sau khi triển khai xong khu đô thị Văn Khê, Sông Đà - Thăng Long đã mắc kẹt với dự án Usilk City, đồng thời, hàng loạt các dự án khác ở TP.HCM, Nha Trang cũng triển khai dở dang.
Ở chiều ngược lại, đang hình thành một thế hệ nhà đầu tư mới và con đường nhanh nhất thường được các doanh nghiệp như FLC và Novaland sử dụng để tiếp cận thị trường và mở rộng kinh doanh là thâu tóm những dự án gặp khó khăn.
Tuy nhiên, thâu tóm được dự án cũng mới chỉ là bước đi đầu tiên để thâm nhập thị trường, còn phát triển dự án thế nào để tạo hiệu quả kinh doanh lại là bài toán khác. Thực tế đã chứng minh, có không ít những doanh nghiệp tận dụng cơ hội mua lại dự án để trở thành người khổng lồ nhưng khi thâu tóm xong thì lại mắc kẹt.
Sudico là một điển hình khi doanh nghiệp này thâu tóm các dự án tại Đà Nẵng, Cam Ranh sau khi đã gặt hái lớn từ việc kinh doanh khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì. Nhưng do đầu tư dàn trải vào nhiều dự án, cộng với nội bộ lục đục thời gian dài, tình hình kinh doanh của Sudico đã bết bát mất vài năm và buộc phải thoái vốn tại một số dự án.