Bong bóng bất động sản không bao giờ vỡ “mộ mình”. Những quốc gia như Mỹ, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh hay sau này là cả Nhật Bản đã phải trả một cái giá đắt khi để bong bóng bất động sản vỡ.

Tình hình của Trung Quốc hiện tương đối giống với Nhật Bản trước đây. Theo Asia Financial, đà mở rộng của thị trường bất động sản tại Trung Quốc không phải theo cách vay mượn từ nước ngoài mà được tài trợ bằng nguồn kinh phí trong nước.

Đối với Trung Quốc, cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này là điều chỉnh chậm rãi, nhưng sẽ phải chịu đựng những thiệt hại về cả doanh số bán nhà và giá nhà đất trong một thời gian.

Câu hỏi được đặt ra ngay bây giờ là liệu các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể ngăn chặn đà lao dốc của thị trường bất động sản hay không? Cách rõ ràng nhất là dỡ bỏ các ràng buộc về mặt pháp lý đã được đưa ra vào năm 2020 nhằm hạn chế việc lạm dụng đòn bẩy tài chính của các nhà phát triển bất động sản, hay còn được gọi là quy tắc “ba lằn ranh đỏ”.

Việc dỡ bỏ các ràng buộc pháp lý như vậy đang được tiến hành tốt, nhưng chưa có nhiều thay đổi thực sự rõ ràng. Lý do là vì nhu cầu về nhà ở đã giảm mạnh đến mức các nhà phát triển bất động sản không sẵn sàng rót thêm tiền để xây dựng thêm các dự án. Điều đó đồng nghĩa với việc họ cũng không cần phải sử dụng đòn bẩy tài chính.

Để vòng luẩn quẩn này chấm dứt, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cần tập trung vào những gì có thể thay đổi được, cụ thể là tâm lý tiêu cực xung quanh lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.

Trên thực tế, dân số Trung Quốc đang giảm và quy mô trung bình của một hộ gia đình đã ở mức rất thấp nên không thể giảm thêm nữa. Trung Quốc cũng không mở cửa cho việc nhập cư để giảm thiểu những thách thức về nhân khẩu học này.

Thời điểm hiện tại, nỗi lo về việc cuộc khủng hoảng bất động sản có thể lan rộng sang hệ thống tài chính đang hiện hữu. Nỗi lo này ngày càng trở nên rõ ràng hơn sau khi Evergrande vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ để bảo vệ tài sản của mình trong bối cảnh phải cơ cấu lại khoản nợ lớn sau khi không thanh toán được vào tháng 6/2021.

Chỉ vài ngày sau đó, Country Garden, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc xét về quy mô tài sản và từng được coi là công ty địa ốc lành mạnh về tài chính, đã tuyên bố sẽ không thể trả lãi cho hai lô trái phiếu ra nước ngoài.

Country Garden được coi là con cưng của thị trường bất động sản Trung Quốc khi Evergrande vỡ nợ vào tháng 7/2021, vì doanh nghiệp này có bảng cân đối kế toán được quản lý tốt hơn nhiều. Vì vậy, việc Country Garden rơi vào vòng xoáy nợ nần khiến nhiều nhà đầu tư mất đi niềm tin.

Các vấn đề mang tính hệ thống có thể tạo ra những hậu quả mang tính hệ thống, bên cạnh việc làm giảm tốc độ tăng trưởng và giảm phát. Lĩnh vực đầu tiên chịu ảnh hưởng chắc chắn là hệ thống tài chính, vì các nhà phát triển bất động sản tài trợ cho hoạt động của họ thông qua việc phát hành trái phiếu và ở mức độ thấp hơn là các khoản vay ngân hàng, thậm chí thông qua hệ thống ngân hàng trong bóng tối (Shadow Banking System), đặc biệt là các sản phẩm quản lý tài sản (WMP).

Mối liên hệ giữa lĩnh vực bất động sản Trung Quốc và hệ thống ngân hàng trong bóng tối đang bên vờ vực sụp đổ khi Zhongrong Trust, một công ty quản lý tài sản lớn với danh mục tài sản được quản lý có giá trị 87 tỷ USD, đã bỏ lỡ các khoản thanh toán WMP của mình cho các nhà đầu tư bán lẻ.

Điều này làm tăng thêm lo ngại về tác động của việc vỡ bong bóng bất động sản, không chỉ đối với lĩnh vực tài chính mà còn đối với cả nền kinh tế. Do đó, ổn định tài chính là điều mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang cố gắng điều chỉnh.

Trái ngược với tăng trưởng thấp hơn và áp lực giảm phát, rủi ro đối với sự ổn định tài chính hoạt động nhanh hơn nhiều và có sự phân nhánh rộng, nhiều trong số đó rất khó kiểm soát.

Vì lý do này, điều quan trọng là các cơ quan quản lý mới được thành lập của Trung Quốc phải có kế hoạch sẵn sàng can thiệp vào hệ thống nếu xảy ra tình trạng rút tiền gửi ồ ạt hoặc một số tình trạng khác, gây mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng.

Điều này có thể xảy ra ở các nhánh khác của hệ thống tài chính, nơi mà sự can thiệp trực tiếp, đối với người cho vay cuối cùng, khó hơn, đặc biệt đối với hệ thống ngân hàng trong bóng tối.

Nhìn chung, mặc dù không thể tránh khỏi những hậu quả mang tính cơ cấu của bong bóng bất động sản giảm phát (tăng trưởng thấp hơn và áp lực giảm phát), các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nên tập trung vào việc hạn chế tác động lan rộng tiềm tàng vào lĩnh vực tài chính.

Anh Nguyễn (Asia Times)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.