Nhiều trung tâm thương mại (TTTM) mọc lên rồi để “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Như một dòng trào lưu đổ ồ ạt vào Việt Nam, xu hướng biến chợ thành trung tâm thương mại (TTTM) , siêu thị như một khái niệm “phổ cập” trên cả nước. Trong khi các dự án vẫn tiếp tục được phê duyệt thì thân phận rất nhiều TTTM, siêu thị lại rơi vào cảnh đìu hiu thê thảm.

TTTM hay quán Karaoke?

Còn nhớ 7 năm về trước, hàng trăm tiểu thương sống nhờ chợ Dừa vui mừng khi nhận được tin, con chợ nhếch nhác thường ngày của họ sẽ được khoác một bộ cánh mới nguy nga hoành tráng: Trung tâm thương mại. Nhưng nay, sau 7 năm tìm lại, nhiều tiểu thương thở dài ngao ngán khi nhớ lại, ngày ấy mỗi ki ốt có giá trị bằng cả gia tài, được suất mua ki ốt là hạnh phúc lắm rồi, nhiều nhà phải đi vay mượn khắp nơi để đủ tiền mua.

“Nay thì chợ chẳng ra chợ, TTTM cũng đâu nên hồn, cửa hàng kinh doanh thì lác đác, còn khách thì “vắng như... chùa bà Đanh”. Chán cảnh ế ẩm, nhiều người bỏ ra kinh doanh ở chợ cóc - được hình thành từ ngày chợ Dừa cũ bị phá, cách đó chừng 100 m khiến TTTM chợ Dừa thêm cảnh bi đát”, tiểu thương tên Lan cho hay.

Đáng nói, để “cứu vãn” tình cảnh đìu hiu, một quán karaoke có tên OCD (tên viết tắt của ô Chợ Dừa) đã chính thức ra đời với biển hiệu hoành tráng án ngữ gần như toàn bộ tòa nhà TTTM. Thay cho cảnh tấp nập kẻ mua người bán thì nơi đây lại sầm uất người ra, kẻ vào về đêm với đủ dạng nam thanh, nữ tú, trong những bộ quần áo đắt tiền. Mảnh đất chợ ngày xưa, một phần được xây TTTM, phần còn lại, được dự kiến làm chợ với lối xuống khiêm tốn nay cũng được tân trang làm bãi để xe.

Chuyển chợ thành hình thức kinh doanh mới: quán Karaoke

Biết chúng tôi là nhà báo, bà cụ bán dưa cà bên hông TTTM chợ Dừa nói: “7 năm trước, nhiều người ngậm ngùi bước ra khỏi chợ mà chẳng hề nhận được một xu tiền hỗ trợ nào. Có người đã cảnh báo, trên cung đường Đê La Thành chật hẹp này, nếu dựng lên một TTTM sẽ là bất hợp lý vì nó không thuận tiện nhưng họ nói, xây thì chúng tôi sẽ được lợi. “Lợi chưa thấy đâu mà răng thì chẳng còn””.

Đâu chỉ riêng chợ Dừa rơi vào cảnh hiu quạnh, không ít chợ trên địa bàn Hà Nội, khi chuyển đổi sang TTTM cũng có số phận tương tự. Nhiều người còn chưa quên sự sầm uất của chợ Cửa Nam những năm về trước, nó đông tới mức, giới chức trách TP. Hà Nội phải vội vàng tính chuyện chuyển đổi thành TTTM để phục vụ người dân một cách tốt nhất. Thế nhưng, khi một tòa nhà kính mọc lên, nơi đây bỗng lạnh lẽo như chính những bức tường kính.

Ông Thắng, người chạy xe ôm đã gắn bó với chợ Cửa Nam gần 10 năm qua cho biết: “Từ ngày chuyển chợ thành TTTM hiện đại thì chẳng thấy ai vào đây đi chợ nữa. Thấy chợ đìu hiu, một ngân hàng đã nhanh chân thuê góc tòa nhà làm văn phòng giao dịch”.

Cách đó không xa, chợ Hàng Da đã được khoác lên mình tấm áo TTTM Hàng Da với tham vọng sẽ thành một trung tâm mua sắm của người dân Hà Nội. Vậy mà, sự nổi tiếng và quá đỗi thân quen của người dân đã biến mất. Thay vào đó là những bức tường bịt kín được trang hoàng bằng những tấm biển quảng cáo người đẹp và những món đồ xa xỉ. Bên trong, thay cho khung cảnh tấp nập cũ, các tiểu thương tranh thủ nhặt rau để “giết” thời gian.

3km chợ tàm thành... nơi đi vệ sinh bậy

Chưa biết “vết xe đổ” có lặp lại với chợ Ngã Tư Sở hay không, nhưng mới triển khai, dự án này đã cho thấy sẽ không ngoại lệ. Trước tiên là sự thất bại ở khu vực chợ tạm. Để tiến hành dự án, chủ đầu tư đã mạnh dạn xin ý kiến TP. Hà Nội, mượn gần 3 cây số vỉa hè đường Láng (từ cầu Hòa Mục đến đường Nguyễn Trãi, Hà Nội) để dựng ki ốt cho các tiểu thương trong chợ di cư kinh doanh tạm. Vậy mà, sau khi đầu tư hàng đống tiền dựng ki ốt ở chợ tạm, nay nó bị bỏ hoang cho ngưòi đi đường làm nơi đi vệ sinh. Nhiều tiểu thương tận dụng làm kho để hàng hóa hay cải tạo thành những khu chăn nuôi gia cầm, gia súc.

Chị Tâm, một người bán vé số gần khu vực này cho hay: “Trời nắng mà có mặt ở đây sẽ tận hưởng toàn bộ hương vị đặc trưng được thổi ra từ các ki ốt. Từ mùi phân gia súc cho đến mùi thum thủm của nước thải tràn ngập khắp đoạn đường. Bẩn thế thì ai đến mà kinh doanh, chỉ tốt cho bọn nghiện hút làm tổ”. Lân la hỏi các tiểu thương trong chợ mới hay, nguyên cớ họ không ra bởi các ki ốt ở chợ tạm quá nhỏ, trong khi lối đi quá hẹp không đảm bảo điều kiện kinh doanh.

Chung cảnh ngộ, cách trung tâm Hà Nội chừng 20 cây số, TTTM Baza được nhiều người biết đến là một trong những trung tâm mua bán lớn và hiện đại bậc nhất ở Bắc Ninh và Hà Nội lúc bấy giờ. Thế nhưng, từ lúc hoàn thành TTTM Baza đến nay, dù có hơn 200 ki ốt được ghi nhận là có chủ, nhưng chỉ lác đác một số hộ mở cửa kinh doanh trong không khí ảm đạm. Cách đó không xa là khung cảnh trái ngược bởi sự ồn ào tấp nập của chợ vải Ninh Hiệp.

Mặc dù, hàng loạt các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn Thủ đô sau khi cải tạo đã rơi vào tình trạng bỏ hoang, lãng phí, song mới đây, TP. Hà Nội lại kêu gọi đầu tư cho 5 dự án TTTM. Đó là các dự án đầu tư xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại và dịch vụ hỗn hợp (tổng mức đầu tư dự kiến 199, 9 tỷ đồng), Xem ra, TP. Hà Nội còn quá nhiều việc phải làm trước khi tính chuyện làm thêm các dự án TTTM.

Theo Người Đưa Tin
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.