Khách hàng đang tìm hiểu thông tin tại một dự án BĐS ở TP Hồ Chí Minh.
Khởi sắc thị trường nhà ở xã hội và nhà giá thấp Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2013, Chính phủ đã triển khai hàng loạt giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và đã mang lại những tín hiệu tích cực trong việc tập trung xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp, đồng thời điều chỉnh, chuyển đổi các dự án nhà ở cao cấp sang nhà ở giá thấp nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Chính những thay đổi này đã dẫn tới một cuộc cạnh tranh về giá theo hướng có lợi cho người dân có nhu cầu về nhà ở.
Giá nhà đã giảm đáng kể so với cách đây ba năm. Hầu hết các dự án đã giảm giá từ 20 đến 30%, thậm chí có dự án đã giảm 50% so với đợt mở bán năm 2011. Nhờ đó, lượng hàng tồn kho cũng đang giảm dần. Tính đến tháng 10-2013, lượng hàng tồn kho đã giảm được 25% so với quý I-2013. Dự báo, trong năm 2014, thị trường BĐS sẽ ấm dần lên, không còn những đợt "nóng lạnh" thất thường. Cơ cấu hàng hóa sẽ thiên về những căn hộ có quy mô nhỏ và trung bình, thu hút được sự quan tâm của người mua nhà ở thật.
Bên cạnh đó, thị trường cũng sẽ ổn định về mặt giá cả, tăng dần về số lượng giao dịch nhà ở xã hội và nhà ở thương mại quy mô nhỏ và trung bình.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, những khó khăn của thị trường BĐS năm 2013 vẫn còn như thế và sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2014. Theo đó, khó khăn lớn nhất vẫn là nợ xấu, tính thanh khoản của doanh nghiệp, hàng tồn kho chồng chất, người thu nhập thấp không đủ tài chính để tạo lập nhà ở. Trong khi đó, cho đến nay, gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ thị trường, mới giải ngân được 2% cho người mua là quá thấp. Việc triển khai thông tư hướng dẫn Nghị quyết 02 của các bộ, ngành quá chậm, làm cho các địa phương cũng chậm theo. Tại TP Hồ Chí Minh, sau hơn một năm triển khai Nghị quyết 02, mới có tám dự án được giải quyết cho chuyển đổi dự án, cơ cấu lại diện tích căn hộ. Con số này là quá ít so với nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.
Trong bối cảnh ấy, điều đáng mừng là Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng từ 6%/năm xuống còn 5%/năm. Đó sẽ là một liều thuốc quý nếu Chính phủ cũng giải quyết được những vướng mắc về xác định điều kiện nhà ở, thu nhập để người dân có thể vay mua được nhà ở xã hội.
Khôi phục niềm tin Nhận định về tiềm năng của thị trường BĐS năm 2014, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn Đoàn Chí Thanh cho rằng, có nhiều tín hiệu cho thấy thị trường sẽ tốt hơn. Về dòng tiền, các ngân hàng đã cung tiền ra thị trường, ngân hàng duyệt giải ngân nhanh, mở rộng khung thời gian cho vay, có nơi cho vay mua nhà lên đến 25 năm; đưa lãi suất cho vay giảm về một con số. Về sản phẩm, vẫn sẽ là hai dòng sản phẩm chủ lực: Các dự án sắp giao nhà tiếp tục thu hút người mua, vì tạo được niềm tin nơi khách hàng; các dự án khởi công mới, có diện tích căn hộ nhỏ, tổng giá trị thanh toán thấp (khoảng trên dưới một tỷ đồng/căn) sẽ được thị trường đón nhận.
Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Hưng Thịnh Nguyễn Duy Minh, cũng dự đoán thị trường năm 2014 sẽ tốt hơn năm 2013, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi một số chủ đầu tư gần như đối mặt với tận cùng khó khăn. Nói chung, sẽ có sự phân hóa rất lớn: Dự án "sống" được phải lọt vào tiêu chí của gói 30 nghìn tỷ đồng, giá bán dưới 15 triệu đồng/m 2 , diện tích dưới 70 m 2 , ngược lại sẽ hết sức khó khăn.
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức, lại có cách nhìn khác: Năm 2014 sẽ xuất hiện xu hướng tăng trưởng rõ ràng. Chắc chắn thị trường sẽ tiếp tục "thay máu" mạnh với các thương vụ mua bán, chuyển nhượng dự án BĐS, mặt bằng giá sẽ không giảm nữa nhưng có sự cạnh tranh rất lớn trong phân khúc căn hộ trung bình và bình dân.
Nhiều chuyên gia khác nhận định, thị trường BĐS sẽ hồi phục sớm nếu khôi phục được niềm tin của người mua. Các công ty không bán với giá trên trời, chất lượng căn hộ được bảo đảm và nhất là tiến độ giao nhà phải thực hiện đúng như cam kết. Mặt khác, muốn thị trường hồi phục thì Nhà nước cũng phải gây dựng được lòng tin của doanh nghiệp, người dân với chính sách. Thực tế thời gian qua, nhiều chính sách liên quan đến thị trường BĐS được ban hành nhưng không sát với thực tiễn, gây khó khăn cho doanh nghiệp, cản trở thị trường phát triển. Nghị định 69 của Chính phủ ban hành vào tháng 8-2009 quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất. Theo quy định của Nghị định này, nhiều doanh nghiệp cho rằng họ phải "mua đất" hai lần. Từ đó, đã tìm cách đẩy giá thành sản phẩm lên cao, kéo dài thời gian thực hiện dự án do phải thẩm định giá đất... Những bất cập đó đã được doanh nghiệp phản ánh rất nhiều tại các hội nghị, hội thảo...
nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét, điều chỉnh...