Trong bức tranh chung đó, cũng có những dự án không có được những lợi thế tiềm năng nhưng quảng cáo “nổ vang trời”. Chiêu quảng cáo dễ thấy nhất là lấy những dự án hạ tầng mặc dù hoành tráng nhưng vẫn còn trên giấy, thậm chí mới chỉ là ý tưởng phác thảo để quảng cáo nhằm dễ bán hàng.
“Làm sang” dự án bằng quy hoạch
KĐT Suối Son tọa lạc tại xã Giang Điền,
huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai có tổng diện tích 117,9ha do Tập đoàn Đất
Xanh và CTCP Địa ốc Long Điền làm chủ đầu tư. Nếu so với các dự án khác
trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thì dự án này chẳng có ưu thế gì cả, nằm
khuất trong một khu đất đồi, cách quốc lộ 1 khoảng 3km, cách TPHCM
45km...
Sở dĩ nói dự án này không có ưu thế vì nó không nằm trong hành lang phát triển của tỉnh Đồng Nai là Biên Hòa – Long Thành – Nhơn Trạch. Thế nhưng khi quảng cáo cho dự án này trong nhiều hội nghị giới thiệu dự án cũng như trên các phương tiện truyền thông, chủ đầu tư đã kéo hàng loạt tiện ích hạ tầng và các KĐT khác để “làm sang” cho dự án như đường cao TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, sân bay Long Thành. Tương tự, chủ đầu tư còn lấy KĐT Tam Phước (được quy hoạch thành đô thị vệ tinh của TPHCM) để “làm sang” bằng cách quảng cáo giữa KĐT Tam Phước và Biên Hòa sẽ có một đường vành đai mà đường vành đai này thì đi qua KĐT Suối Son...
Trên thực tế, hiện tại từ dự án Suối Son
để đi đến những tiện ích hạ tầng này khá xa. Chẳng hạn, từ KĐT Suối Son
để đến đường Sân bay Long Thành hiện nay chỉ có con đường đi theo quốc
lộ 1 đến ngã ba Vũng Tàu, từ đó mới theo quốc lộ 51 đi sân bay Long
Thành, khoảng cách xấp xỉ 30km... Ngoài ra, hàng loạt các dự án hạ tầng
khác như đường cao tốc Dầu giây – Phan Thiết hay như tuyến đường vành
đai nối Biên Hòa – Tam Phước, sân bay Long Thành hiện nay vẫn còn nằm
trên giấy. Không biết 10 năm hay 20 năm nữa những tiện ích hạ tầng này
đã hình thành hay chưa(?!).
Quảng cáo cho dự án làng sinh thái du lịch Eco – Village – một dự án trên địa bàn huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, Cty Phúc Khang cũng lôi hàng loạt tiện ích hạ tầng để nâng giá trị dự án như: Các dự án nâng cấp tỉnh lộ, đường xuyên tâm được quy hoạch và triển khai đã rút ngắn khoảng cách từ Long An đến TPHCM. Sau khi tỉnh lộ 10 hoàn thành vào năm 2012, khoảng cách từ thị trấn Đức Hòa đến trung tâm TPHCM khoảng 30 phút...”.
Nếu đọc vào những dòng quảng cáo này
chắc chắn những nhà đầu tư thiếu hiểu biết tình hình, đặc biệt là những
nhà đầu tư ở xa sẽ thấy đây quả là một dự án quá hấp dẫn để đầu tư.
Nhưng xin thưa, hầu hết hệ thống hạ tầng mà chủ đầu tư liệt kê để quảng
cáo cho dự án đến nay hầu hết vẫn còn trên giấy, thậm chí mới chỉ là ý
tưởng quy hoạch, nhanh nhất thì cũng mất cả chục năm nữa để những hạ
tầng này có thể hình thành.
Khách hàng đi xem một dự án đất nền ở Bình Dương. Ảnh: PLTPHCM.
Đừng quên bài học Nhơn Trạch
Cách đây 5-7 năm, ở TPHCM, nói đến Nhơn Trạch là người ta hình dung ngay đó là nơi sôi động nhất của thị trường BĐS khu vực Đông Nam Bộ. Về danh chính ngôn thuận, Nhơn Trạch sẽ là thành phố vệ tinh của TPHCM, lại có thêm vị trí chiến lược nằm trên đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây và hoành tráng hơn cả là nằm gần kề sân bay quốc tế Long Thành...
Trên thực tế, tiềm năng của Nhơn Trạch
là điều không cần bàn cãi, chỉ cách quận 2 và quận 9 của TPHCM một con
sông. Chỉ cần có một cây cầu nối đôi bờ là giá đất ở Nhơn Trạch sẽ tăng
ít nhất 100%. Việc xây dựng một cây cầu nối giữa quận 9 của TP.HCM với
Nhơn Trạch đã nằm trên quy hoạch.
Với những tiềm năng kể trên, lại có thêm
một hệ thống hạ tầng thuộc vào loại hàng “khủng”, vì vậy trong một thời
gian dài, khi các dự án phát triển các KĐT mới ở Nhơn Trạch được triển
khai người ta tin rằng các tuyến đường vành đai nối TPHCM với Nhơn
Trạch, sân bay Long Thành sẽ sớm mọc lên. Vì thế chả trách Nhơn Trạch
từng có giai đoạn hoàng kim là tâm điểm của thị trường BĐS.
Thế nhưng, sự phát triển thịnh vượng của thị trường BĐS trên địa bàn huyện Nhơn Trạch chỉ kéo dài có 2 năm. Hiện nay, Nhơn Trạch chẳng khác nào một thành phố “ ma”. Báo hại, hàng ngàn nhà đầu tư vốn nhẹ dạ tin vào những lời đường mật của chủ đầu tư và một hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với TPHCM mà bỏ hàng đống vốn đầu tư đón đầu, nay chẳng thể nào rút ra được. 10 năm đã qua kể từ khi thành phố Nhơn Trạch chính thức được khởi động, nhưng việc kết nối với TPHCM vẫn chưa có gì thay đổi đáng kể.
Mặc dù tuyến đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đã bắt đầu hình thành, nhưng nó cũng chẳng thể vực dậy thị trường BĐS Nhơn Trạch – nơi hàng ngàn nhà đầu tư bị chôn vốn và mất niềm tin. Vào lúc cao điểm, giá đất ở thành phố mới Nhơn Trạch từ 500 -600 ngàn đồng/m2 đã bị đẩy lên đến 5-6 triệu đồng/m2. Những lô đất trong “hóc bà tó” cũng có giá 2-3 triệu đồng/m2. Sau cơn sốt cuối năm 2007 đầu năm 2008, giá nhà đất ở Nhơn Trạch cứ tụt dài. Cho đến thời điểm hiện nay, giá nhà đất chỉ còn ở mức phổ biến từ 2 đến 3 triệu đồng/m2 nhưng cũng rất khó bán.