Từ sau khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008, các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đã lâm vào tình trạng “khát vốn” do Nhà nước đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu nên đưa ra nhiều chính sách từ Nghị định 71 cho đến Chỉ thị 01 đã “bóp chặt” sự tăng trưởng của thị trường bất động sản.
Trong năm qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải oằn mình gánh chi phí lãi vay và các chi phí đầu vào liên tục tăng cao dẫn đến tình trạng thua lỗ thậm chí là phá sản. Không riêng chủ đầu tư dự án, người mua nhà có thu nhập ổn định vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng để mua nhà vì mức lãi suất quá cao, trung bình từ 21% - 23%.
Nếu chủ yếu sử dụng vốn vay để đầu tư dự án trong khi đầu ra của sản phẩm lại khó khăn và tín dụng bị thắt chặt thì hàng tồn kho sẽ thực sự là một nỗi lo đối với doanh nghiệp địa ốc. Hầu hết các doanh nghiệp khi vay ngân hàng đều thế chấp tài sản, cụ thể là quyền sử dụng đất và giá trị tài sản hình thành trong tương lai. Do đó, xác suất "mất cả chì lẫn chài" xảy ra do bị ngân hàng siết nợ là hoàn toàn có thể.
Vì thế, nguồn vốn cho bất động sản đang là vấn đề không chỉ doanh nghiệp mà các nhà đầu tư rất quan tâm. Để khơi thông nguồn vốn cho thị trường, trong 2 năm qua, Bộ Xây dựng đã đưa đề xuất thành lập các định chế như Quỹ đầu tư bất động sản, Quỹ tiết kiệm nhà ở,…. Dự kiến, Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ được trình lên Chính phủ vào tháng 3 tới.
Cơ hội dần hé mở
Mới đây, Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam về việc thành lập Ngân hàng Xây dựng và đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất này. Theo đánh giá của Bộ, ngân hàng sẽ góp phần hỗ trợ chương trình xây dựng nhà ở quốc gia và là kênh huy động vốn tốt cho thị trường bất động sản.
Đây được xem là mô hình phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước hiện naycũng như xu hướng phát triển về lĩnh vực ngân hàng xây dựng của các nước trên thế giới.
Theo Bộ, việc thành lập ngân hàng Xây dựng sẽ góp phần hỗ trợ các chương trình xây dựng nhà ở quốc gia như nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp tại đô thị...Đặc biệt, đây sẽ là một kênh huy động vốn có hiệu quả cho thị trường bất động sản, góp phần quản lý và phát triển thị trường minh bạch và bền vững.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia , việc thành lập một ngân hàng chuyên về bất động sản vào thời điểm này là chưa thích hợp và không phải là giải pháp cứu vốn cho thị trường.
Dẫn lời của GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường với báo chí, “Nếu thành lập thì sẽ phải là lúc thị trường phát triển, nguồn vốn đóng góp vào ngân hàng sẽ được huy động từ nhiều phía. Và khi thị trường khó khăn như hiện nay, mới có thể đưa ra sử dụng được”.
Cũng theo ông Võ, vấn đề lớn nhất hiện nay để thành lập một ngân hàng là tìm nguồn vốn ở đâu ra. Hiện các doanh nghiệp bất động sản đều đang rất khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực phá sản.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng thành lập Ngân hàng Xây dựng Việt Nam nhằm cấp vốn cho bất động sản là không khả thi và tiềm ẩn rủi ro rất cao. Bởi về mặt bản chất luồng vốn sẽ tự động chảy vào các dự án khả thi chứ không phụ thuộc vào việc có hay không ngân hàng chuyên cho vay lĩnh vực đó.
Hơn nữa, nếu chỉ chuyên cho vay bất động sản thì khả năng ngân hàng bị phá sản là rất cao một khi thị trường bất động sản gặp “bão”.
Như vậy, có thể thấy rằng thị trường bất động sản đang bị siết chặt nhưng vẫn nhận được nhiều sự quan tâm từ Bộ, ngành. Hy vọng, các chính sách của Nhà nước sẽ “rộng rãi” hơn để thị trường này có cơ hội hồi phục trở lại.