Việc ông Nguyễn Hoàng Long – chủ tịch tập đoàn Megastar bị bắt với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cuối tháng 5/2013 đã khiến cho các khách hàng lo ngại về khả năng bị mất vốn.
Trước lo lắng của khách hàng, ông Lê Xuân Thắng, Chủ tịch mới của Tập đoàn Vina Megastar cho biết, hiện tập đoàn đang cùng khách hàng tìm giải pháp để tiếp tục triển khai các dự án đã huy động vốn của người dân.
Theo đó, các nhà đầu tư thứ cấp tại dự án Hesco Văn Quán, tại đô thị mới Văn Quán, Hà Đông Hà Nội, đề nghị Vina thành lập một công ty mới. Trong đó, 30% giá trị căn hộ người dân đã nộp sẽ được chuyển thành trái phiếu công ty, sử dụng cho việc nộp tiền đất, giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà xưởng mới cho chủ đất cũ. 70% còn lại sẽ được sử dụng vào việc xây dựng tòa nhà. Người dân được kiểm soát dòng vốn và được chia lợi tức từ kinh doanh. Hiện số tiền người dân nộp vào riêng dự án này là trên 200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý theo ý kiến của giới luật sư phương án này khó khả thi. Luật sư Phạm Thu Huyền (Văn phòng luật sư Hà Nội) cho rằng, việc thành lập công ty mới quản lý dự án là việc rất giản nếu được sự đồng thuận và hợp tác của chủ đầu tư.
Xét về bản chất đây là dự án mà cơ quan chủ quản đã cấp cho chủ đầu tư, nên việc tham gia góp vốn thành lập Công ty quản lý dự án phải có sự tham gia của chủ đầu tư trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh dự án và các cổ đông khác (trong đó các cổ đông khác có thể là một nhóm đại diện hàng trăm khách hàng, có thể là Ngân hàng hoặc Công ty quản lý quỹ để tận dụng sức mạnh tài chính cho công ty).
Pháp nhân được thành lập mới là Công ty quản lý dự án có các bên tham gia như chủ đầu tư, đại diện khách hàng và Ngân hàng mở tài khoản và phải có chữ ký 3 bên thì mới được thanh toán tiền cho nhà thầu.
Dự án chung cư Hesco Văn Quán
Về việc pháp hành trái phiếu căn cứ nghị định 90/NĐ-CP năm 2011 thì mục đích phát hành trái phiếu phù hợp với quy định của pháp luật và phải có sự nhất trí của Chủ đầu tư. Mục đích của việc phát hành trái phiếu phải là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp; tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp; cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo luật sư Huyền trên thực tế sẽ có rất nhiều vần đề nảy sinh đối với các khách hàng như việc xử lý tài chính do tồn đọng hiện tại của dự án; phân chia lợi nhuận....
“ Tôi cho rằng phương án này không hề khả thi trong bối cảnh hiện nay vì những rắc rối hiện tại của chính dự án. Việc triển khai dự án theo pháp nhân hoàn toàn mới sẽ rất khó thực hiện trong môi trường pháp lý của Việt Nam. Nguyên nhân là do để có dự án, chủ đầu tư đã phải tốn rất nhiều công sức, tiền bạc do vậy quyền lợi của doanh nghiệp phải được đảm bảo. Thứ hai, chưa chắc tất cả các khách hàng đã đồng thuận để cử ra đại diện tham gia vì khách hàng cũng gặp khó khăn về tài chính, chưa chắc đã có đủ tiền để đổ tiếp vào dự án.Thứ ba, nếu có sự tham gia của Ngân hàng thì thủ tục thẩm định dự án để có hợp tác hay không thường là rất lâu, họ là đơn vị kinh doanh tiền tệ, nên đầu tư phải có lợi nhuận và khả năng thu hồi dòng tiền thì họ mới tham gia” Luật sư Huyền nhấn mạnh.