Hiện nay, giá đất do cấp tỉnh quyết định dựa trên khung giá của Chính phủ theo nguyên tắc "sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường" trong điều kiện bình thường và cộng thêm chi phí. Tuy nhiên, trong thực tế giá đất ngoài thị trường vẫn cao gấp hàng chục lần giá quy định. Trước thực trạng này, TS Phạm Sỹ Liêm, viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng đã đề xuất thành lập Tổng công ty Đất Việt Nam với mục tiêu kéo giá đất về sát giá thực tế, thay thế mô hình các tổ chức phát triển quỹ đất hiện có...
Học theo mô hình Hàn Quốc
- Xin ông cho biết, xuất phát từ đâu mà ông đưa ra ý tưởng thành lập Tổng công ty Đất Việt Nam?
Theo
nghiên cứu, vấn đề đang nổi cộm hiện nay là giá đất cao một cách phi
lý. Chúng ta mới chuyển sang kinh tế thị trường chưa được bao lâu nhưng
giá đất từ chỗ "không có giá" nhưng sau đó thì lên cao hơn cả thế giới.
Câu hỏi đặt ra là tại sao giá đất lại ở "trên trời" như vậy?
Thực tế, thị trường đất của Việt Nam chủ yếu bên cung là Nhà nước, bên cầu là các thành phần kinh tế khác. Do chỉ có bên cung là Nhà nước nên đây là thị trường độc quyền, mà vì độc quyền nên dẫn đến lạm quyền, thế nên có những dự án giá cao gấp nhiều lần do Nhà nước quy định. Để hạ giá đất phải làm ngay từ gốc. Tức phải dùng những chính sách thu hồi và quản lý đất thu hồi hiệu quả hơn ngay khi chưa có dự án đầu tư. Đó là mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất mà Tổng công ty Đất hướng tới.
- Được biết, Tổng Công ty được thành lập dựa theo mô hình của một số nước trên thế giới. Liệu áp dụng trong điều kiện của Việt Nam có vi phạm Luật Đất đai không, thưa ông?
Thực chất, mô hình này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của Hàn Quốc. Trước đây, khi tôi còn làm thứ trưởng Bộ Xây dựng, đơn vị của Hàn Quốc đã sang đề xuất hợp tác. Tuy nhiên, hồi đó còn quá sớm, lại vướng Luật Đất đai nên chúng tôi không quan tâm nhiều lắm. Giờ đây, nghiên cứu lại tôi thấy đó là một ý tưởng hay và hoàn toàn không vi phạm Luật Đất đai. Luật Đất đai quy định có hai cách thu hồi đất, thu hồi đất giao cho các dự án và thu hồi khi chưa có dự án. Tổng công ty Đất hoạt động theo phương thức thu hồi đất khi chưa có dự án để thực hiện quy hoạch nên hoàn toàn hợp lệ.
- Tổng công ty Đất Việt Nam sẽ hoạt động dựa trên nguyên tắc nào, thưa ông?
Tổng công ty Đất Việt Nam là một công ty kinh doanh, hoạt động theo nguyên tắc hạch toán kinh tế độc lập, có cổ phần của Nhà nước. Tổng công ty sẽ gồm nhiều công ty con ở các đô thị lớn, các vùng miền, hoạt động cũng tương tự như các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước như EVN, Petrolimex... Công ty sẽ làm dịch vụ cho UBND cấp tỉnh trong thu hồi, quản lý và cung ứng cho các dự án theo yêu cầu. Cấp tỉnh sẽ không trực tiếp làm mà ủy thác, ký hợp đồng thuê Tổng công ty Đất Việt Nam đứng ra thực hiện. Điều này sẽ tận dụng được đội ngũ nhân viên có chuyên môn, kỹ thuật trong Tổng công ty nên hiệu quả chắc chắn sẽ cao hơn.
TS. Phạm Sỹ Liêm, viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng.
Sẽ không lặp lại vết xe đổ thua lỗ?
- Hiện nay, Nhà nước thu hồi đất và giao cho tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện thu hồi và quản lý khi chưa có dự án đầu tư. Ông đánh giá thế nào về hoạt động của các tổ chức này?
Hiện nay, tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công, tổ chức phân tán. Cấp tỉnh nó trực thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường, cấp huyện thuộc UBND huyện. Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, điều đó không ổn. Là tổ chức sự nghiệp nên các nhân viên không có động lực, thiếu kinh phí, thiếu tính tự chủ, không chuyên nghiệp... Để có được "nguồn thu" nhân viên bắt buộc phải "bớt xén" tiền đền bù, bày vẽ tay trong, tay ngoài kiếm thêm...
- Như ông nói, hoạt động của Tổng công ty Đất Việt Nam cũng tương đương như các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước. Nhưng thực tế, một số đơn vị hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ triền miên trở thành "gánh nặng" cho Nhà nước. Liệu Tổng công ty Đất Việt Nam có tránh được vết xe đổ này không, thưa ông?
Tổng
công ty sẽ hoạt động độc lập. Nó là công ty tư vấn, làm dịch vụ chứ
không phải là đơn vị kinh doanh như EVN hay Petrolimex... Hoạt động kinh
doanh nên chuyện lỗ, lãi là lẽ đương nhiên, nhưng Tổng công ty sẽ không
được "che chở", như một số tập đoàn kia. Nguồn vốn có thể được huy động
từ chính đất thu mua, được thế chấp vay vốn, thậm chí vay vốn của IFC
(Công ty Tài chính Quốc tế - PV), điều mà các tổ chức phát triển quỹ đất
cấp tỉnh, huyện như hiện tại không làm được.
Tổng công ty được phép trích một phần lợi nhuận kinh doanh đất để bổ sung vào nguồn vốn tự có. Với nguồn vốn được tích lũy dày thêm, Tổng công ty sẽ lại cho các UBND cấp tỉnh, huyện vay để quay vòng vốn... Làm dịch vụ nên chắc chắn sẽ có lãi.
- Xin cảm ơn ông!