Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, đề cập đến tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho tín dụng bất động sản, ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), đề xuất cần phân nhóm bất động sản để có chính sách quản lý và phát triển phù hợp.
Ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB).
Lãnh đạo MB đề xuất, Quốc hội và Chính phủ cần luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo để tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng triển khai thu hồi nợ an toàn, hiệu quả; xem xét cơ chế cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất, tạo điều kiện để ngân hàng xử lý nợ xấu đối với các dự án đang triển khai dở dang và giúp tăng nguồn cung nhà ở.
Ông Phạm Như Ánh cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc về pháp lý dự án cho chủ đầu tư.
Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh tiếp tục phối hợp đẩy nhanh tiến độ xử lý các vướng mắc về pháp lý, thủ tục cho các dự án. Đặc biệt các doanh nghiệp có nhiều dự án dang dở, ưu tiên các dự án có tỷ lệ hoàn thiện xây dựng cao để hoàn thiện sản phẩm bàn giao nhà cho người dân.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng, thực hiện các biện pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững;
“Phân nhóm bất động sản để có chính sách quản lý và phát triển phù hợp. Ưu tiên nhà ở thu nhập thấp, bất động sản khu công nghiệp. Bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng mang tính chất đầu tư cần quy hoạch, quản lý riêng để phát triển ổn định và bền vững”, Tổng giám đốc MB chia sẻ.
Về ngân hàng MB, ông Ánh thông tin, tổng dư nợ lĩnh vực bất động sản của ngân hàng này hiện đạt khoảng 147.000 tỷ đồng, tăng trưởng 4,2% so với cuối năm 2022. Trong đó, 80% dư nợ bất động sản là cho vay KHCN mua nhà, tương đương 115.400 tỷ đồng cho 38.000 khách hàng và chiếm 21,5% tổng dư nợ MB; 20% tài trợ khách hàng doanh nghiệp (khoảng 31.600 tỷ đồng) với 165 khách hàng - chiếm xấp xỉ 6% tổng dư nợ MB.
-
Lãnh đạo MBBank: Không ưu tiên gì đặc biệt với Novaland, đang là chủ nợ đứng thứ 4 -5 của Novaland
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 25/4, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) đã trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan tới quy mô cho vay và trái phiếu đối với Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam, cũng như định hướng tiếp theo của MBBank khi nhóm khách hàng là các doanh nghiệp lớn này đang gặp khó khăn.