Ông Võ Trí Thanh-Trưởng thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) trăn trở nói với chúng tôi: "Vậy là hết năm 2018 này, làng tôi đã bị "treo" đúng 18 năm. Tình hình này không biết còn bị treo đến bao giờ... Chỉ khổ cho gần trăm hộ dân ở đây, mùa nắng thì sống trong nồng nặc mùi nước thải ô nhiễm, mùa mưa thì sống trong bùn lầy, nước đọng, ngập úng...!".

Cánh đồng giữa làng Trung Sơn bỏ hoang nhiều năm nay, mùa nắng thì ô nhiễm, mùa mưa thì ngập úng

Dẫn chúng tôi đi vòng quanh thôn Trung Sơn, ông Thanh chỉ giải: "Đấy các anh xem, làng bây giờ như một cái "ao", xung quanh có tới 5 dự án bao quanh: Dự án nhà ở liền kề khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh; Dự án kênh thoát nước- vệt cây xanh cách ly KCN Hòa Khánh; Dự án nhà máy nước thải Liên Chiểu; Dự án Khu di tích rừng Trung Sơn; Dự án đường Nguyễn Tất Thành nối dài. Nằm giữa các dự án này là cách đồng Bàu Giáng và 97 hộ dân thôn Trung Sơn với diện tích khoảng hơn 20ha.

Vào mùa nắng, nước thải từ KCN Hòa Khánh đổ về cánh đồng Bàu Giáng đọng lại, bốc mùi hôi thối nồng nặc khắp làng, ô nhiễm đến mức, trâu bò uống phải nguồn nước thải lăn ra sinh bệnh mà chết, đàn vịt lỡ mò kiếm ăn trên đồng cũng còi cọc chẳng lớn nổi.

Mùa mưa tình cảnh còn khốc liệt hơn, nước thải từ KCN Hòa Khánh- Thanh Vinh mở rộng (giai đoạn 2) đổ xuống, cống thoát nước từ Bàu Giáng ra dự án Đô thị xanh Dragon Park Citi để thoát ra sông Cu Đê không đủ tải, nước ngập ứ mênh mông khắp làng.

Ông Nguyễn Bá Tám - Chi Hội trưởng Hội Nông dân thôn Trung Sơn cho biết, gia đình ông nằm sát cánh đồng Bàu Giáng, cứ hễ mưa lớn là nhà ông "ngoại bất xuất, nội bất nhập", không còn lối ra, lối vào. Mùa mưa năm nay ít hơn mọi năm, nhưng mấy trận mưa lớn ảnh hưởng bão số 9 vừa qua, nước cũng ngập cả hơn một mét...

Ông Thanh cho biết, dự án xây dựng khu nhà ở liền kề cho công nhân KCN Hòa Khánh được triển khai từ năm 2004, tại thôn Trung Sơn, do Cty Sài Gòn- Đà Nẵng làm Chủ đầu tư. Toàn bộ nhà cửa, đất đai của các hộ dân trong thôn nằm trong diện quy hoạch, đã kiểm định để chờ giải tỏa, đền bù. Thế nhưng không hiểu sao, tính đến nay đã 18 năm trôi qua, dự án vẫn "án binh bất động". Người dân cũng chưa được nhận tiền giải tỏa đền bù nhà cửa, đất đai hay bất cứ khoản hỗ trợ nào khác.

Người dân đã kiến nghị nhiều lần tại các cuộc họp HĐND xã, huyện, các cấp chính quyền... UBND TP Đà Nẵng cũng đã về kiểm tra nhiều lần thực trạng tại thôn, nhưng vẫn chưa thấy có biện pháp giải quyết. 18 năm qua, cuộc sống người dân ở Trung Sơn ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn, như trên đã nói, ruộng đất đã thu hồi, hơn nữa lại nằm trong tình trạng ô nhiễm, ngập úng nên không thể canh tác, sản xuất, chăn nuôi được gì, đành bỏ hoang.

Nhiều hộ gia đình con cái lớn, lấy vợ, gả chồng nhưng không thể tách hộ, tách thửa để ổn định cuộc sống vì đất nằm trong quy hoạch. Khốn khổ nhất hiện nay, hầu hết nhà cửa người dân đã xuống cấp, hư hỏng, dột nát nhưng không thể đầu tư, sửa chữa, nâng cấp vì đã kiểm định. Ông Thanh bảo: "Ngay nhà tôi là trưởng thôn, nhưng đã phải lấy bạt phủ tạm lên mái ngói cho khỏi dột, trong thôn nhiều hộ như thế lắm...!".

Ngày mưa lớn, nhiều nhà dân ở Trung Sơn nước ngập lên tới cả mét vì thôn không có đường thoát nước.

Ông Trương Tấn Mạnh- Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết, trước tình hình ở thôn Trung Sơn, UBND xã đã có báo cáo gửi UBND H. Hòa Vang và ngành chức năng, đề nghị chính quyền thành phố xem xét.

Mới đây nhất, ngày 22-11-2018, trong buổi tiếp xúc cử tri của HĐND, cử tri thôn Trung Sơn đã kiến nghị: Dự án nhà ở công nhân khu liền kề KCN Hòa Khánh và Dự án kênh mương nước thải- vệt cây xanh cách ly KCN Hòa Khánh là dự án treo từ năm 2004 đến nay, người dân đã kiến nghị nhiều lần, UBND TP Đà Nẵng cũng đã nhiều lần chỉ đạo triển khai dự án, nhưng đến nay vẫn không thực hiện.

Vậy dự án có tiếp tục thực hiện nữa không, yêu cầu trả lời bằng văn bản cho nhân dân được biết?. Nếu dự án không tiếp tục triển khai đề nghị chính quyền thành phố thu hồi dự án, bố trí cho người dân được tái định cư tại chỗ, để người dân ổn định cuộc sống.

Hồng Thanh (CAĐN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.