11/04/2014 8:22 AM
Ở Đắk Nông, nhiều nhà văn hóa cộng đồng bị bỏ hoang, còn làng nghề du lịch đầu tư nhiều tỉ đồng đang nằm phơi mưa nắng.

Nhà Văn hóa cộng đồng bon R’long nằm giữa đồng, thành nơi trâu bò trú ngụ - Ảnh: Trung Chuyên

Tỉnh Đắk Nông có 159 bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó 136 bon, buôn đã được các cấp tỉnh, huyện đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng từ 5 - 10 năm trước. Mỗi nhà văn hóa có diện tích từ 40 - 150 m2, cùng hệ thống tường rào, sân và các trang thiết bị như loa, đài, ti vi... với kinh phí đầu tư từ 150 - 250 triệu đồng. Thế nhưng, từ khi được xây dựng đến nay, hàng chục nhà văn hóa đã đóng cửa, bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng.

Bỏ hoang từ khi mới xây

Ngày 10.4, chúng tôi tới bon Đắk Mâm, xã Đắk Sắk (H.Đắk Mil) và không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh hoang phế của nhà văn hóa ở đây. Toàn bộ 5 cửa sổ, 4 cửa ra vào bằng khung sắt lắp kính đã bị tháo trộm, nền móng nứt toác, tường nhà vẽ bậy chi chít. Gần 2.000 m2 khuôn viên phủ đầy cỏ dại, song sắt tường rào bị vặt trơ trụi. Chị Nguyễn Thị Châu, chủ quán tạp hóa gần đó, khẳng định gần chục năm nay không có hoạt động gì ở đây. Thấy nhà mục nát, một số người tới bẻ song sắt, khung cửa bán phế liệu.

Tương tự, nhà văn hóa bon Rlông, xã Đắk Mol (H.Đắk Song) cũng bị xuống cấp, trở thành ngôi nhà hoang u tịch ngay giữa đồng vắng. Cửa chính, cửa sổ không còn, thay vào đó là từng lùm cây dại che phủ, nền nhà đầy phân bò...

Ông Nguyễn Anh Nhượng, Chủ tịch UBND xã Đắk Mol, giãi bày: “Nhà văn hóa bon Rlông bị bỏ hoang từ khi mới xây cách nay hơn chục năm, rất lãng phí nhưng xã không biết làm cách nào. Vì xa khu dân cư, nằm giữa đồng nên người dân ngại đến sinh hoạt, mùa mưa thì nước ngập xung quanh”.

Cuối năm 2012, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Đắk Nông đã có đợt giám sát và cảnh báo về tình trạng đầu tư xây dựng và sử dụng kém hiệu quả với tỷ lệ lớn của các nhà văn hóa cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Ông Phan Quốc Lập, Phó trưởng ban Dân tộc, cho biết qua giám sát cho thấy nhiều nhà văn hóa xây quá xa khu dân cư, không có hạ tầng, rập khuôn theo một kiểu nên không phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Có thôn như ở xã Quảng Phú, H.Krông Nô, xây đến 3 nhà văn hóa nhưng cách nhau vài trăm mét, lại không hoạt động, gây lãng phí tiền của nhà nước... “Trong năm 2013, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã kiến nghị các cấp quản lý chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động các nhà văn hóa này để tránh lãng phí nhưng ở nhiều địa phương vì nhiều lý do, việc bỏ hoang các nhà văn hóa vẫn còn xảy ra”, ông Lập nói.

“Kiến nghị đầu tư thêm”

Bên cạnh hàng loạt nhà văn hóa bỏ hoang, tỉnh Đắk Nông cũng chi hàng chục tỉ đồng đầu tư vào dự án khu du lịch sinh thái Liêng Nung và làng nghề truyền thống Đắk Nia (xã Đắk Nia, TX.Gia Nghĩa), nhưng hiện chỉ... phơi mưa nắng.

Làng nghề tọa lạc trên khu đất rộng gần 1 ha, gồm 2 dãy nhà dài làm nơi sản xuất, trưng bày đồ dệt thổ cẩm dân tộc M'Nông, mỗi dãy nhà rộng khoảng 1.000 m2. Ngoài ra còn có sân khấu biểu diễn, nhà mái che bát giác, hệ thống tường rào kiên cố... Từ làng nghề xuống thác Liêng Nung khoảng 2 km cũng đã được đầu tư đường nhựa, bậc tam cấp. Nhưng nhiều hạng mục của làng nghề đã xuống cấp nghiêm trọng, các khung cửa bị mục nát làm rớt kính, móng nhà cao 1 m có nhiều vết nứt lớn và kéo dài hàng chục mét, cửa sắt, khung sắt cũng hoen gỉ...

Ông Nguyễn Thái Ban, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Nia, cho biết làng nghề được UBND TX.Gia Nghĩa xây dựng từ 2008 nhưng mới tổ chức được một lễ hội xuân, thỉnh thoảng có một lớp dạy nghề. Do làng nghề xuống cấp nên trước đó thị xã Gia Nghĩa đã đầu tư 300 triệu đồng sửa chữa, hiện đang thuê một người bảo vệ với mức lương 2 triệu đồng/tháng.

Theo bà Đặng Thị Hồng Liên, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao thị xã Gia Nghĩa, năm 2007 tỉnh Đắk Nông giao cho Công ty CP năng lượng Trung Thành Hưng (TP.HCM) làm chủ đầu tư khu du lịch sinh thái - văn hóa thác Liêng Nung. Vì có dự án này, thị xã mới đầu tư hơn 6 tỉ đồng xây dựng làng nghề truyền thống Đắk Nia để kết hợp du lịch, giải quyết việc làm cho bà con trong xã. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên nửa chừng tỉnh thu hồi dự án của Công ty Trung Thành Hưng và bồi thường chi phí đầu tư khoảng 25,6 tỉ đồng, làng nghề của thị xã cũng "đứng bánh" từ đó.

Bà Liên nói: "Đến giờ vẫn chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vào khu du lịch sinh thái, do vậy làng nghề cũng không thể hoạt động được. Chúng tôi đang kiến nghị tỉnh đầu tư thêm kinh phí để hoàn thiện hạ tầng, tổ chức một số hoạt động du lịch ở thác Liêng Nung nhằm thu hút các nhà đầu tư".

Trung Chuyên - Ngọc Anh (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.