Bỏ làng
Anh Phạm Văn Thảo (39 tuổi), từng nhận giải thưởng Lương Đình Của của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, một trong những hộ đầu tiên hăng hái xung phong vào Làng TNLN Ba Tơ sinh sống, canh tác, ngậm ngùi kể rằng những ngày đầu làng được đầu tư đường giao thông, hệ thống nước tự chảy, được vay vốn dựng nhà, giao đất trồng rừng… Nhưng từ khi được bàn giao về cho huyện quản lý, việc định hướng sản xuất, dịch vụ y tế, trường học ít được quan tâm, cuộc sống ngày một khó hơn nên người dân cứ lần lượt bỏ làng ra đi. Riêng anh Thảo, mặc dù nhà cửa vẫn còn trong làng nhưng để mưu sinh, anh cũng đã ra ngoài làng mở quầy tạp hóa kiếm đồng ra đồng vào đắp đổi qua ngày.
Những ngôi nhà hoang phế trong làng thanh niên lập nghiệp Ba Tơ. Ảnh: Hà Minh
Rời nhà anh Thảo, chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng anh Đinh Quốc Hanh và chị Trần Thị Bích Liên, một trong 3 gia đình còn bám trụ trong Làng TNLN. Ngừng tay vun xới những gốc sắn ngoài vườn, anh Hanh chép miệng: “Năng suất thấp, tinh bột giảm, chỉ dùng để sắt lát, phơi khô làm thức ăn cho heo chứ chẳng bán được cho nhà máy chế biến”! Vẻ mặt thất vọng, anh Hanh buồn bã nói: “Đất cằn cỗi, thiếu nước tưới nên cây sắn không thể phát triển. Còn những loại cây ăn quả từ kinh phí dự án đầu tư thì kém hiệu quả; thậm chí có loại cây thất bại hoàn toàn như măng cụt, chanh… Theo anh Hanh, khi vào làng, gia đình anh được hứa cho thuê 20ha để trồng keo nguyên liệu, nhưng đến nay cũng chỉ là... lời hứa. Kinh tế gia đình khó khăn, các con anh Hanh bỏ học liên miên vào rừng lấy đót (làm chổi) bán kiếm tiền phụ ba mẹ và đi học. “Tui làm thợ đụng, ai kêu gì làm nấy. Ngày kiếm dăm ba chục ngàn nuôi vợ con. Chứ trông chờ vào các chính sách hỗ trợ thì đói mất”.
Hỏi sao các hộ dân khác bỏ làng đi, còn anh vẫn bám trụ, anh Hanh thành thật: “Tui còn nợ ngân hàng 20 triệu đồng. Đi thì không biết đi đâu, nên ráng neo lại chờ được giao đất trồng rừng lấy tiền trả nợ”. Cũng theo anh Hanh, nước sinh hoạt cho người dân sống trong làng là vấn đề nan giải. 3 hộ dân còn ở lại hiện dùng chung nước giếng do anh Hanh tự đào. Còn hệ thống nước tự chảy từ kinh phí đầu tư của dự án đã bị “tắc” từ lâu. Cạnh đó, khu nhà ở tập thể có 4 phòng, nơi đặt trụ sở của Ban Quản lý Làng TNLN Ba Tơ cũng đã được chuyển thành trường mẫu giáo và đã xuống cấp nghiêm trọng, cửa kính chỗ lành, chỗ vỡ, phụ huynh trong và ngoài làng không dám đem con em đến gửi học. Các công trình phụ cũng rơi vào cảnh hoang phế, nhiều căn nhà của các hộ thanh niên bỏ làng ra đi đã bị đập phá chỉ còn trơ móng; đường ống dẫn nước sạch bỏ hoang, vườn tược tiêu điều, cây cối héo úa.
Vẫn bình thường?
Dự án Làng TNLN Ba Tơ (thuộc Tỉnh đoàn Quảng Ngãi) có tổng kinh phí đầu tư trên 27 tỷ đồng, triển khai trong vòng 4 năm (2004 - 2007) nhằm bố trí cho 342 hộ với 1.400 nhân khẩu. Hầu hết hạ tầng như điện, đường, trường, trạm được xây dựng và hoàn thành. Đồng thời, mỗi hộ dân được cấp 10 triệu đồng để xây dựng nhà, cùng với 1 con bò, 2.000 cây keo và các giống cây chanh, măng cụt, chôm chôm... Ngoài ra, mỗi hộ còn được nhận bình quân gần 10ha đất rừng để trồng cây keo nguyên liệu. Vậy nhưng, sau 7 năm, mô hình này đã thất bại khi hiện nay chỉ còn 3 hộ dân bám trụ.
Ông Phạm Văn Chiên, Chủ tịch UBND xã Ba Bích, cho biết năm 2007, anh vào ở trong ngôi nhà bỏ trống do một hộ ra đi để lại. Nhưng đến năm 2011, cũng phải bỏ đi vì không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên khu vườn đang ở nên không thể thế chấp vay vốn ngân hàng, cũng như không dám sản xuất trên chính mảnh đất ấy. Để xảy ra dân bỏ làng ra đi, theo ông Chiên là do đầu tư nhiều công trình không đồng đều, nên đã xảy ra tình trạng các hạng mục bị xuống cấp (như hệ thống nước sạch tự chảy, đường giao thông đã hư hỏng..).
Trao đổi với đại diện Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, được biết, từ khi hoàn thành cơ bản dự án (năm 2007), Trung ương Đoàn đã chấm dứt thời hạn đầu tư và bàn giao về cho UBND huyện Ba Tơ quản lý. Và mặc dù thực tế đã lộ rõ những hạn chế, bất cập nhưng theo ông Võ Ngọc Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, 12 hộ dân vẫn sinh sống (thực chất có 3 hộ) trong làng bình thường, các công trình dân sinh như hệ thống nước sinh hoạt tự chảy, nhà tập thể, canh tác, sản xuất vẫn đảm bảo cuộc sống của người dân?