01/09/2011 7:07 AM
Không biết nhu cầu bức thiết đến mức nào nhưng hầu như các huyện, thị thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị đều thi nhau xây dựng sân vận động (SVĐ). Hàng chục tỉ đồng bỏ ra nhưng khi hoàn thành chỉ như những công trình vô dụng, xuống cấp… và còn kéo theo nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười.
SVĐ TX Quảng Trị được xây dựng hết sức bề thế, khang trang. Tuy nhiên, cái đập vào mắt đầu tiên khi đến sân là... quán cà phê, với tất cả bàn ghế nhựa, dù bạt... án ngữ ngay cổng chính. Thời điểm chúng tôi đến ghi hình, “cơ sở vật chất” của quán đã được dẹp gọn vào phía sau. Khán đài SVĐ xuống cấp rõ rệt. Đó là hệ quả của việc mỗi năm SVĐ này chỉ phục vụ vài ba chương trình mít tinh, đồng diễn, hội thao... “Xây ra không sử dụng thì hỏng thôi chứ sao nữa”, một người dân sống cạnh SVĐ này tặc lưỡi.

Công trình Trung tâm thể dục thể thao H.Triệu Phong cũng chung cảnh ngộ. Dù được đầu tư đến 8 tỉ đồng nhưng ngay sau khi được bàn giao (năm 2010), công trình này đã bộc lộ nhiều vấn đề về chất lượng như trần nhà bị thấm, tường nứt, cổng sập... UBND H.Triệu Phong đã họp chỉ đạo khắc phục vào tháng 10.2010, nhưng đến sáng 29.8, cổng vào trung tâm vẫn đổ nát. Đặc biệt, mặt sân cỏ phía sau trung tâm “bỗng nhiên” trở thành... bãi tập lái xe ô tô.

Lãng phí những sân vận động tiền tỉ

Sau hàng rào thép gai là SVĐ H.Gio Linh, SVĐ mới nhất nhưng cũng có số phận bi đát nhất vì không có lối vào - Ảnh: Nguyễn Phúc

Xây xong để đó

SVĐ H.Gio Linh là SVĐ có số phận bi đát nhất của tỉnh Quảng Trị, bởi không có lối vào. Khởi công vào năm 2007 do UBND huyện làm chủ đầu tư, Ban quản lý các dự án của huyện (BQLDA) chịu trách nhiệm quản lý, công trình được bàn giao tháng 6.2010 với tổng vốn đầu tư là 5,7 tỉ đồng. Đây là SVĐ mới nhất tỉnh, tọa lạc ở vị trí trung tâm của thị trấn Gio Linh nhưng từ ngày đưa vào sử dụng, người ta vẫn không thể mở một lối chính để đi vào sân…


Nghịch lý ở chỗ, trước khi xây dựng SVĐ, UBND H.Gio Linh đã cấp một khu đất diện tích 2.500m2 cho Công ty TNHH một thành viên cấp nước và xây dựng Quảng Trị. Nay, khu đất này đã xây dựng một trạm bơm và án ngữ ngay trước lối vào của SVĐ. Để bảo vệ khu đất cùng trạm bơm, công ty đã dựng hàng rào thép gai bao bọc xung quanh và chặn luôn lối vào trước sự bất lực của những người trực tiếp quản lý SVĐ. Muốn vào trong người ta chỉ có thể đi bộ hoặc đi xe đạp, xe máy men theo một lối đi rộng chưa đầy 1m…

Ông Đào Bang, Giám đốc Trung tâm thể dục thể thao H.Gio Linh (trụ sở nằm ngay trong SVĐ) ngán ngẩm: “Sai đúng của ai tôi không biết nhưng vấn đề bây giờ là SVĐ mà không có lối vào thì làm sao tổ chức các hoạt động có quy mô. Trong khi đó, công trình này được làm theo hình thức “chìa khóa trao tay”, lúc BQLDA bàn giao công trình thì mọi việc đã rồi, chúng tôi có được nhúng tay vào việc gì đâu để xử lý…”.

Nhiều hạng mục của SVĐ này dù mới bàn giao nhưng đã xuống cấp và vào mùa mưa vì hệ thống thoát nước kém nên SVĐ trở thành “bể bơi”... Ông Hoàng Chiến Công, Trưởng BQLDA H.Gio Linh thừa nhận: “Do một vài sơ suất của huyện, cụ thể là đã không khảo sát, thu hồi đất nên đã xảy ra tình trạng không có lối vào. Huyện đã có chủ trương làm việc với Công ty cấp nước và xây dựng Quảng Trị để tháo gỡ. Còn về việc thoát nước kém, chúng tôi nghĩ là do công tác thiết kế không đồng bộ làm cho mặt sân thấp hơn đường bên ngoài…”(?!!).


Ngoài ba SVĐ trên còn có SVĐ H.Hướng Hóa và SVĐ H.Vĩnh Linh cũng đang rơi vào tình trạng xây xong rồi... để đó.

Theo Thanh Niên
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.