01/10/2011 3:07 PM
Số phận dự án khu du lịch Rusalka đựoc xem là “ba chìm, bảy nổi”, lận đận như chính cuộc đời ông chủ cuả nó, Nguyễn Đức Chi. Trong khi đó, có những kế hoạch âm thầm bàn tính việc thâu tóm dự án Rusalka kể từ ngày ông Chi vướng vào vòng tù tội...
Dự án Rusalka tại TP Nha Trang – Khánh Hòa được Bộ KH&ĐT cấp phép cuối năm 2000 RIT (do 3 pháp nhân LB Nga sáng lập, ông Nguyễn Đức Chi là đại diện cho cả 3 công ty Nga và đại diện theo pháp luật cho Công ty RIT) làm chủ đầu tư. Quy mô dự án là 45 ha. Thời điểm cấp phép, đây là vùng đất đồi núi và thung lũng hoang sơ, nằm đầu mũi bán đảo, cách trung tâm thành phố 9 km nhưng chưa có đường tới, cũng không có hạ tầng kỹ thuật điện , nước như đang có hiện nay. Từ sau khi được cấp phép, chủ đầu tư đã thuê các nhà tư vấn của nước ngoài khảo sát, thiết kế để với mục tiêu đưa khu vực hoang sơ này thành điểm du lịch hấp dẫn mang tầm vóc quốc tế.

Lận đận “nàng tiên cá” Rusalka


Năm 2003, RIT đã triển khai “đào núi, lấp biển” được 9,3 ha và thực hiện thiết kế, xây dựng trên diện tích khoảng 15 ha, bao gồm hơn 9 ha lấn biển. Năm 2003, sau khi dự án được Ngân hàng Quân đội thẩm định, đánh giá đủ điều kiện cấp tín dụng, BMC được RIT chọn làm nhà thầu chính. Dưới bảo lãnh thanh toán của Ngân hàng Quân đội, BMC đã thực hiện thi công nhiều hạng mục, bên cạnh hàng chục nhà thầu khác tại địa phương có hợp đồng thi công trong dự án.


Tuy nhiên, đến giữa năm 2005, việc thi công dự án bị đình trệ do ông Nguyễn Đức Chi bị cảnh sát khởi tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bao gồm cả “làm giả hồ sơ để được cấp phép đầu tư, chiếm đoạt quyền sử dụng đất…”


Năm 2006, Cơ quan CSĐT có văn bản (số 286) xác định tài sản dự án là “vật chứng của vụ án hình sự” và đề nghị Bộ KH&ĐT thu hồi Giấy phép đầu tư; đề nghị Bộ Tài chính định giá để bán đấu giá dự án. Đến năm 2008, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dừng việc bán đấu giá dự án, chờ quyết định của Tòa án.


Đầu năm 2009, Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử vụ án Rusalka với tuyên án “tài sản (là) dự án Rusalka không liên quan đến vụ án”. Đến ngày 1/4/2010, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) ra Quyết định giám đốc thẩm hủy bỏ kê biên đối với tài sản dự án Rusalka.


Trả lời đơn khiếu nại của ông Nguyễn Đức Chi ngày 13/01/2011 về việc các cơ quan tố tụng kết luận ông làm giả các giấy tờ, tài liệu để được cấp giấy phép đầu tư vào dự án Rusalka, TAND tối cao có văn bản (số 06/TA-HS) khẳng định: các hành vi mà ông Nguyễn Đức Chi bị kết án “không liên quan đến việc xin cấp phép đầu tư vào dự án Rusalka”.


Trước đó, ngày 1/10/2010, chấp thuận đề xuất của Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh khánh Hòa giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến tài sản dự án Rusalka theo hướng thành lập công ty mới để triển khai dự án như là dự án mới.


Ngày 22/3/2011 TANDTC có văn bản số 92/TA-HS trả lời đơn của ông Nguyễn Đức Chi, khẳng định “các tài sản bị kê biên trong vụ án là của anh và đã được hủy bỏ biện pháp kê biên, anh có thể liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền liên quan để nhận lại tài sản”.


Ngày 20/8/2011, BMC có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan quản lý nhà nước, đòi được thanh toán và đền bù tổn thất 275,5 tỷ đồng (trong khi chủ đầu tư khẳng định giá trị thi công, được nghiệm thu chỉ có 51,59 tỷ đồng), và “đòi” làm chủ đầu tư dự án Rusalka.


Và không chỉ đến năm 2011, BMC mới tính chuyện “thâu tóm” Rusalka, tài liệu điều tra của Nguoiduatin.vn cho thấy, năm 2008, chính BMC đã hợp tác với một doanh nghiệp khác lên kế hoạch “thôn tính” dự án này…

Theo PV (Nguoiduatin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland