Khu đất có diện tích 1.728m² tọa lạc tại phường An Lạc (Bình Tân) được Nhà nước giao cho một doanh nghiệp tư nhân để xây dựng trường mẫu giáo theo chính sách xã hội hóa giáo dục. Mục đích tốt đẹp ấy những tưởng sẽ cho ra đời một trường mẫu giáo khang trang phục vụ cho người dân ở vùng đất vốn còn lắm khó khăn về trường lớp, nhưng không, nó đã bị một số người “làm xiếc” trên khu đất để thu hàng chục tỷ đồng bỏ túi…
Đây là một trong những vụ sai phạm nghiêm trọng mà Thanh tra TP Hồ Chí Minh chuyển cơ quan CSĐT xử lý trong 9 tháng đầu năm 2017.
Theo kết luận thanh tra, năm 1999, Thủ tướng Chính phủ giao 13ha đất thuộc khu An Lạc - Bình Trị Đông (huyện Bình Chánh cũ) cho Công ty cổ phần Xây dựng Bình Chánh làm chủ xây dựng dự án khu nhà ở. Cũng trong năm này, UBND huyện Bình Chánh có thông báo đồng ý cho bà Nguyễn Thị Thu xây dựng nhà trẻ dân lập với diện tích 1.728m² nằm trong khu đất 13ha nói trên.
Đổi lại, bà Thu trả lại cho Công ty cổ phần Xây dựng Bình Chánh 691 triệu đồng gọi là tiền đền bù giải tỏa và xây dựng hạ tầng. Có đất bà Thu chẳng làm gì mà để cỏ cây mọc um tùm, UBND huyện Bình Chánh cũng chẳng kiểm tra, đôn đốc.
Mãi 9 năm sau (lúc này khu đất thuộc quận Bình Tân mới), bà Thu mới thành lập DNTN giáo dục Khôi Nguyên. Tháng 4-2008, UBND TP Hồ Chí Minh ra quyết định thu hồi và giao theo thực địa là 1.639m² (giảm 89m² so với ban đầu) cho DNTT Khôi Nguyên xây dựng trường mẫu giáo. Tháng 5-2009, Sở Tài nguyên và Môi trường TP cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho DNTN Khôi Nguyên với diện tích trên, ghi mục đích sử dụng là “đất cơ sở giáo dục- đào tạo” và nguồn gốc sử dụng đất là “Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất”.
Chỉ một tháng sau ngày được cấp giấy, bà Thu ung dung mang doanh nghiệp của mình bán cho bà Đinh Thị Sơn Oanh với giá gần 20 tỷ đồng. Bà Oanh làm thủ tục chuyển doanh nghiệp sang tên mình rồi làm đơn đến UBND TP Hồ Chí Minh xin chuyển đổi sang đầu tư xây dựng trường ngoại ngữ-tin học chứ không xây trường mẫu giáo nữa.
Một góc khu đất giao cho DNTN Khôi Nguyên xây trường mẫu giáo.
UBND TP không đồng ý và chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng UBND huyện Bình Tân thường xuyên kiểm tra tiến độ xây dựng trường mẫu giáo, nếu đơn vị chậm thực hiện thì thu hồi lại đất. Không xây được trường ngoại ngữ-tin học, bà Oanh tiếp tục mang doanh nghiệp bán lại cho bà Trần Thị Kim Hoa, giá bao nhiêu chưa rõ nhưng trên giấy tờ chỉ ghi 2 tỷ đồng.
Bà Hoa lại làm thủ tục chuyển doanh nghiệp qua tên mình rồi tiếp tục… để đó. Hai năm sau, tháng 12-2012, bà Hoa bán tiếp doanh nghiệp cho bà Trần Huỳnh Nga với giá… 32 tỷ đồng. Và trường mầm non này tiếp tục chuyển sang tên bà Trần Huỳnh Nga.
8 ngày sau khi mua DNTN Khôi Nguyên, bà Trần Huỳnh Nga làm hợp đồng công chứng tại Phòng công chứng số 1 thế chấp GCNQSDĐ khu đất để bảo lãnh cho Công ty TNHH Sản xuất thương mại Khang Ngân Long (do chồng bà Nga là ông Quan Ngọc Trung làm Chủ tịch Hội đồng thành viên) vay 44,7 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh thiết bị điện gia dụng.
Mặc dù theo quy định của pháp luật thì “trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất thì người sử dụng không có quyền thế chấp quyền sử dụng đất”, nhưng công chứng viên dễ dàng bỏ qua quy định, ký công chứng trót lọt.
Không chỉ có công chứng viên “quên” luật mà người có trách nhiệm ở Văn phòng đăng ký đất đai TP lúc bấy giờ cũng “không nhớ” quy định để rồi ký tên, đóng dấu cập nhật biến động vào GCNQSDĐ nói trên. Đáng trách nhất là Ngân hàng PĐ, nơi cho Công ty Khang Ngân Long vay tiền.
Mặc dù Nghị định 69/2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ “Khi được Nhà nước giao đất và miễn tiền sử dụng đất… thì cơ sở thực hiện xã hội hóa không được tính giá trị đất đang sử dụng vào giá trị tài sản của dự án đầu tư và không được dùng đất làm tài sản thế chấp để vay vốn” nhưng những người có trách nhiệm ở ngân hàng này cố tình phớt lờ cho Công ty Khang Ngân Long vay vốn.
Tệ hại hơn là vay với số tiền lên đến 44,7 tỷ đồng nhưng công ty này không có phương án sản xuất kinh doanh, việc định giá tài sản của ngân hàng thì hời hợt... Đặc biệt, hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ ba không phải do ông Quan Ngọc Trung (Chủ tịch Hội đồng thành viên) đại diện pháp luật ký tên mà lại do bà Cao Thị Thanh Phương (Phòng Kế hoạch và Đầu tư) đứng tên và đăng ký giao dịch đảm bảo ngày 28-12-2012!
Tròn một năm sau, do ông Trung và bà Nga không trả được nợ nên Ngân hàng PĐ bán số nợ trên cho Công ty THHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đồng thời, Công ty VAMC ủy quyền cho Ngân hàng PĐ bán đấu giá khu đất để thu hồi nợ. Tuy nhiên sau đó Thanh tra TP Hồ Chí Minh có văn bản yêu cầu Ngân hàng PĐ dừng việc bán đấu giá để tiến hành thanh tra làm rõ.
Từ kết luận trên, Thanh tra TP kiến nghị Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục thu hồi đất và thu hồi hủy bỏ GCNQSDĐ cấp cho DNTN Khôi Nguyên. Đồng thời giao cho các sở, ngành liên quan kiểm tra làm rõ trách nhiệm và xử lý những cá nhân gây ra vi phạm.
Về việc chuyển nhượng DNTN giáo dục Khôi Nguyên giữa những người kể trên, theo kết luận thanh tra, đây thực chất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất bất hợp pháp với diện tích 1.639m², có dấu hiệu lợi dụng Nhà nước giao đất để trục lợi. Từ đó Thanh tra thành phố chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh để xem xét xử lý hình sự các cá nhân liên quan theo điều 173 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Trong vấn đề sai phạm liên quan đến DNTN Khôi Nguyên có sự “đóng góp” của UBND quận Bình Tân khi thiếu kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện dự án của DNTN Khôi Nguyên. Mặc dù UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo UBND quận Bình Tân phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra tiến độ dự án, nếu chậm trễ quá một năm thì đề xuất thu hồi nhưng UBND quận Bình Tân lại có đến 5 lần gia hạn giấy phép xây dựng trường mẫu giáo cho DNTN Khôi Nguyên, mỗi lần cách nhau 1 năm. Giấy phép xây dựng này giống như “bùa hộ mệnh” giúp các cá nhân dễ dàng chuyển nhượng doanh nghiệp cho nhau. |