CafeLand - Các nhà phân tích cho biết, thị trường văn phòng cho thuê của Hồng Kông sẽ phải đối mặt với hiệu suất thấp kỷ lục trong năm nay, do giá thuê giảm tới 30% khi các công ty đánh giá lại nhu cầu về không gian làm việc và sắp xếp làm việc tại nhà do đại dịch.

Giá thuê văn phòng tại quận tài chính trung tâm của Hồng Kông đã giảm 17% đến 18% trong nửa đầu năm và có thể giảm từ 25% đến 30% trong cả năm nay, theo Jeff Yau, chuyên gia phân tích thị trường bất động sản Hồng Kông tại Ngân hàng DBS.

“Thị trường văn phòng có kết quả tồi tệ hơn thị trường nhà ở. Việc cắt giảm quy mô của các công ty là rất phổ biến, họ thực sự không có kế hoạch mở rộng”.

Làm việc tại nhà dự kiến ​​sẽ trở thành một xu hướng trong trung và dài hạn, đặc biệt là ở các công ty tài chính, công nghệ và có vốn đầu tư nước ngoài tại Hồng Kông, vì tiết kiệm chi phí trở thành ưu tiên hàng đầu của đa số công ty do đại dịch.

“Mọi chuyện sẽ khác so với trước đây. Các công ty chắc chắn sẽ đánh giá lại nhu cầu văn phòng của họ trong 10 năm tới”, Yau nói.

Làm việc từ xa làm giá thuê văn phòng tại Hồng Kông giảm 30% trong năm 2020

Trong tháng Tám, quận tài chính trung tâm Hồng Kông ghi nhận mức giảm giá thuê lớn nhất so với những khu vực tập trung các tòa nhà văn phòng khác, giảm 2,5% so với tháng trước đó và là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 12/2005, theo JLL. Trong khi đó, tỷ lệ trống của khu vực này vẫn tiếp tục tăng. JLL cho biết, diện tích đã chuyển nhượng lại hoặc bị người thuê trả lại trước khi hợp đồng hết hạn, đã lên tới khoảng 520.000 m2 - tương đương 2,2% tổng diện tích văn phòng, và lần đầu tiên đã vượt mốc 500.000 m2 kể từ tháng 10/2002.

Yau nói thêm rằng tỷ lệ trống vẫn chưa chạm đáy và có thể vượt 7% vào cuối năm nay, vì hầu như thị trường không có nhu cầu. Ông chỉ ra rằng nhiều nhà điều hành các không gian làm việc chung (co-working) đã trả lại văn phòng trước khi hợp đồng thuê của họ hết hạn.

Tiết kiệm chi phí đang là ưu tiên hàng đầu đối với 70 khách thuê được khảo sát bởi Cushman & Wakefield vào tháng 6 và tháng 7. Sau một năm 2019 khó khan do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và các cuộc biểu tình làm gia tăng bất ổn, đại dịch đã “giáng đòn thứ ba vào nhiều doanh nghiệp và dẫn đến triển vọng kinh doanh không chắc chắn”, Reed Hatcher, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Hồng Kông của Cushman & Wakefield và là tác giả chính của báo cáo này cho biết.

Hơn 85% số người được hỏi cho biết doanh nghiệp của họ đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch, với 1/3 số công ty được khảo sát hiện đang có kế hoạch giảm quy mô trong vòng ba năm tới.

“Ngoài ra, Covid-19 cũng đã buộc nhiều công ty áp dụng phương thức làm việc mới và tập trung nguồn lực cho những ưu tiên giúp họ vượt qua đại dịch,” Hatcher nói.

Về lâu dài, hầu hết các công ty dự kiến ​​sẽ ưu tiên đầu tư vào công nghệ và phương thức làm việc từ xa. Khoảng 65% số công ty được hỏi cho biết họ kỳ vọng sẽ áp dụng làm việc tại nhà ở một mức độ nhất định trong dài hạn.

Trong số các công ty cho biết họ có kế hoạch tiếp tục cho phép làm việc từ xa ngay cả sau khi đại dịch kết thúc, đa số cho biết họ sẽ áp dụng làm việc tại nhà cho từ 11% đến 30% lực lượng lao động.

  • Hồng Kông sẽ chứng kiến kịch bản tồi tệ nhất vào cuối năm

    Hồng Kông sẽ chứng kiến kịch bản tồi tệ nhất vào cuối năm

    CafeLand - Khu vực Vịnh Causeway ở Hồng Kông được mệnh danh là khu mua sắm đắt đỏ nhất thế giới. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế ngày càng sâu sắc của Hồng Kông, nơi này có thể phải chịu đựng tình trạng ảm đạm trong nửa năm tới, khi các chủ cửa hàng phải vật lộn tìm người mới để thay thế các khách thuê cao cấp hiện có.

Lam Vy (SMCP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.