15/11/2017 9:21 AM
Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho rằng, cần thận trọng khi triển khai giải phóng mặt bằng cho dự án sân bay Long Thành, đảm bảo công khai, minh bạch.
Phát biểu giải trình trước Quốc hội sáng nay (13/11) về ý kiến của các đại biểu Quốc hội xung quanh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là một dự án bức xúc, cấp bách, quan trọng quốc gia, và đã nhận được sự đồng tình cao.
Long Thành giúp giải “bài toán” Tân Sơn Nhất?
Bộ trưởng Thể đánh giá, sân bay quốc tế Long Thành là vấn đề lớn vì “bài toán đang hiện ra là Tân Sơn Nhất”.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể
Ông Thể nêu thực tế: Hiện nay, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang quá tải nghiêm trọng. Ngày cao điểm sân bay luôn ùn tắc, không chỉ ùn tắc trên trời mà còn ùn tắc cả đường tiếp cận.
Do đó, ông Thể cho rằng, việc hỗ trợ nâng cấp giúp cho sân bay Tân Sơn Nhất thực hiện sứ mệnh lịch sử là hết sức khó khăn. Nếu theo tiến độ này, đến năm 2025 mới đưa giai đoạn 1 của sân bay quốc tế Long Thành vào sử dụng, và 8 năm tới là vấn đề hết sức khó khăn cho ngành giao thông và cho cả TP HCM.
Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải, mấu chốt quan trọng là tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải nghiêm trọng ở tất cả các nẻo đường, nhất là khi nâng công suất lên từ 36 triệu khách năm nay lên tới khoảng 50 triệu khách. Việc xây dựng sân bay Long Thành là đòi hỏi hết sức cấp thiết.
Về các cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng, ông Thể cho rằng, đây là dự án khả thi mà Chính phủ trình Quốc hội theo nghị quyết.
Bộ trưởng đề xuất cơ chế đặc thù liên quan đến giải phóng mặt bằng hỗ trợ tái định cư. “Cái này thuộc thẩm quyền Quốc hội, chúng ta mong trong nghị quyết sẽ được lồng ghép các cơ chế đặc thù mà Chính phủ trình, vì có cơ chế đặc thù này thì việc chúng ta triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng và thực hiện chế độ chính sách cho người dân mới đúng và việc này thuộc thẩm quyền Quốc hội”, ông Thể nói.
Liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Thể nêu rõ: Dự án gồm 5 phần đã trình toàn bộ lên Quốc hội, nhưng phần nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì trong nghị quyết có thể Quốc hội giao cho Chính phủ để Chính phủ thực hiện, những công việc còn lại, ví dụ như quy mô đầu tư hay những vấn đề liên quan đến mặt kỹ thuật thì thuộc lĩnh vực chuyên ngành sẽ cố gắng giao cho Chính phủ.
Lo lắng ảnh hưởng đến 5.000 hộ dân
Trước lo lắng của đại biểu Quốc hội về việc công tác thực hiện, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh: Đây là dự án trọng điểm quốc gia, do đó việc thực hiện phải hết sức thận trọng, quy mô rất lớn, ảnh hưởng người dân rất nhiều, gần 15.000 nhân khẩu và 5.000 hộ dân.
Gần 5.000 hộ dân bị ảnh hưởng khi triển khai dự án sân bay Long Thành (Ảnh minh họa: KT)
Sau khi Quốc hội có ý kiến, Chính phủ phê duyệt thì Bộ Giao thông Vận tải cùng với các bộ, ngành sẽ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai rà soát từng phần việc và sẽ tổ chức cách thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, ông Thể cam kết.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tin tưởng, Đồng Nai là một trung tâm công nghiệp rất lớn, với hơn 30 khu công nghiệp và các khu cụm công nghiệp đều liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, có những dự án lớn của quốc gia như đường cao tốc, do đó kinh nghiệm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của Đồng Nai rất tốt.
Tuy nhiên ông Thể cho rằng, cũng không được chủ quan. Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai xem xét những vấn đề nào thuộc thẩm quyền thì sẽ tổ chức thực hiện, việc gì vượt thẩm quyền thì sẽ báo cáo lên Chính phủ, Quốc hôi, để thực hiện một cách tốt nhất.
Chờ đợi quá lâu
Trước đó, đóng góp ý kiến tại Hội trường sáng 13/11, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho biết, người dân ở Long Thành rất mong muốn dự án này phải sớm thực hiện vì dự án đã gần như đã bị “treo” 12 năm.
Mong muốn sớm thúc đẩy công trình đi vào thực tế, nhưng đại biểu Dương Trung Quốc cũng lo lắng về vấn đề giám sát. Ông nhắc đến câu thành ngữ "quan tham thì dân gian" nên mong muốn trong nghị quyết của Quốc hội nói rõ công tác giám sát việc thực thi dự án này để tránh tình trạng dự án lớn mà “đầu voi đuôi chuột”.
Ông Dương Trung Quốc cũng đánh giá, việc tách dự án ra thành các dự án thành phần là thử nghiệm hết sức quan trọng. “Nếu bài học của câu chuyện Long Thành thành công tốt, nó sẽ là tiền đề thuận lợi để chúng ta giải quyết những công trình sau này,” ông Quốc chia sẻ quan điểm./.
Chủ đề: Sân bay Long Thành
Trần Ngọc (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.