Năm 2014, tình hình kinh tế vĩ mô của nước ta tiếp tục được ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế vĩ mô phục hồi. Trong đó, lạm phát của cả năm nay dưới 3%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Như vậy, lạm phát năm nay bằng một nửa so với năm ngoái và thấp xa so với mục tiêu lạm phát 5% vừa điều chỉnh của Chính phủ.
Nhiều dự báo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng năm 2014 có thể chỉ dưới 3%, là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Theo một số chuyên gia kinh tế, lạm phát năm nay thấp bắt nguồn từ nguyên nhân giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, kéo theo sự hạ nhiệt của giá cả hàng hóa.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, lạm phát giảm là tín hiệu đáng mừng với người dân và doanh nghiệp. Việc giá xăng dầu thế giới giảm mạnh dẫn đến giá xăng dầu trong nước và các loại nguyên nhiên liệu đầu vào cũng giảm là tín hiệu tốt cho sản xuất và nền kinh tế. Ngoài ra, việc lạm phát giảm còn là yếu tố khiến mặt bằng lãi suất liên tục giảm trong suốt năm 2014. Hiện tại, lãi suất đã xuống thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
“Lạm phát giảm trước hết đó là điều mừng và là cơ hội để giảm lãi suất. Lãi suất giảm dẫn đến dịch chuyển đầu tư. Số người gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng giảm đi và chuyển sang kinh doanh sản xuất, thị trường bất động sản…Nhưng quan trọng là tạo cơ hội để người dân đầu tư vào doanh nghiệp tạo ra của cải vật chất. Cần hướng dòng vốn vào đầu tư sản xuất nhiều hơn nữa, cụ thể là đầu tư vào cải tiến khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động, để Việt Nam cạnh tranh tốt hơn trong quá trình hội nhập tới đây”, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại lo ngại trước việc lạm phát thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Thông thường cứ vào những tháng cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại tăng. Tuy nhiên, ngay cả những tháng cuối năm 2014 chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng rất thấp. Điều này phần nào thể hiện tổng cầu xã hội còn yếu.
Đối với khu vực doanh nghiệp, mức tiêu thụ giảm, tỷ lệ tồn kho lớn, giá cả hàng hóa thấp làm giảm doanh thu và tăng gánh nặng nợ thực. Doanh nghiệp khó khăn tìm nguồn thu để trả nợ nên sẽ hạn chế đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Những yếu tố này cũng gây cản trở tăng trưởng kinh tế.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính – Học viện Tài chính nhận định, trong dài hạn, với lạm phát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định sẽ thúc đẩy yếu tố tăng trưởng khác như năng suất lao động. Nhưng trong ngắn hạn, điều này cho thấy tổng cầu yếu và đặt ra nhiều thách thức với nền kinh tế.
“Lạm phát thấp dẫn đến việc điều chỉnh thị trường trước các cú sốc không được tốt và nhanh. Lạm phát thấp, không tăng được lợi nhuận trong khi chi phí vẫn cao thì sẽ kìm hãm sản xuất trong ngắn hạn. Trong ngắn hạn đặt ra mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát 3-4% thì tương đương với mức tăng trưởng dưới 6%. Đó là cái giá phải chấp nhận trong ngắn hạn. Trong dài hạn cố gắng duy trì lạm phát ở mức 3-4% là hợp lý. Nếu xuống 2% thì nền kinh tế đang tương đối yếu, nguy cơ rơi vào giảm phát là tương đối lớn”, Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ phân tích.
Trong năm 2015, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, mức lạm phát được đẩy lên 5% trong tầm kiểm soát để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển.
Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt mục tiêu này, trước hết cần thúc đẩy tổng cầu trong xã hội, mà muốn vậy phải tạo được công ăn việc làm, tăng năng suất lao động để có thêm thu nhập cho người lao động, từ đó mới có thể cải thiện tình hình tổng cầu trong thời gian tới.
Trong bối cảnh lạm phát tiếp tục được dự báo ở mức thấp, lãi suất ngân hàng có thể được tiếp tục điều chỉnh giảm, nhằm tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng còn rất lớn, việc giảm lãi suất cũng khó kích được đầu tư. Đây cũng là một trong những thách thức lớn đặt ra đối với điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2015.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong điều kiện lạm phát thấp như vậy, giá một số mặt hàng thiết yếu do nhà nước quản lý giá có thể sẽ được cân nhắc điều chỉnh để tiếp cận giá thị trường. Tuy nhiên, cần cân nhắc thời điểm điều chỉnh, mức độ điều chỉnh các loại giá, như giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện, xăng dầu…cho phù hợp và tránh tác động cộng hưởng trong cùng thời điểm đến nền kinh tế.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến cáo cần có dự đoán và điều hành mục tiêu lạm phát trong thời gian tới một cách chính xác để từ đó có những hoạch định chính sách phù hợp, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
“Lạm phát thấp không chỉ trong năm nay mà còn trong năm 2015. Cần phải có giải pháp để ứng phó với tình trạng lạm phát thấp trong năm nay và năm sau. Dự đoán về lạm phát quan trọng vì liên quan đến các chính sách tiền tệ và tài khóa. Lạm phát thấp thì dẫn đến nhiều hệ quả. Chênh lệch giữa lãi suất thực và lãi suất danh nghĩa sẽ giãn ra, dẫn đến dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ đổ vào Việt Nam trong bối cảnh tỷ giá Việt Nam tương đối ổn định. Ngân hàng Nhà nước cần phải đưa ra các giải pháp để vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vừa tránh được tình trạng kinh doanh chênh lệch tỷ giá và lãi suất”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.
Mới đây, một quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô đã được các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương cùng Ngân hàng Nhà nước thống nhất ban hành.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chủ trì xây dựng và điều hành mục tiêu lạm phát, ba bộ còn lại có trách nhiệm phối hợp. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan này sẽ giúp Chính phủ có những chính sách kịp thời trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới./.