16/10/2021 3:26 PM
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết đại dịch Covid-19 dai dẳng và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu đang đè nặng lên tất cả các nền kinh tế.

Khi nền kinh tế thế giới vừa gượng dậy, thì sự trỗi dậy của những làn sóng Covid-19 mới và chuỗi cung ứng đình trệ có thể kìm hãm đà phục hồi toàn cầu, theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF được công bố hôm thứ Ba.

IMF cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng thể sẽ duy trì ở mức gần 6% trong năm nay, mức cao trong lịch sử sau một cuộc suy thoái, nhưng tốc độ phục hồi sẽ có sự phân hóa lớn giữa các nước giàu và các nước nghèo.

Tình trạng nghèo đói và nợ không thể quản lý trên toàn thế giới đang có xu hướng gia tăng. Số lượng việc làm đã giảm, đặc biệt là đối với phụ nữ, đảo ngược nhiều thành tựu mà họ đạt được trong những năm gần đây.

A street in São Paulo, Brazil, in July. Poverty in many nations is on the upswing.

Một con phố ở Sao Paolo, Brazil. Tình trạng đói nghèo tại nhiều quốc gia đang có xu hướng tăng.

Khả năng tiếp cận vắc-xin và chăm sóc y tế không đồng đều là trung tâm của sự chênh lệch về tốc độ phục hồi kinh tế giữa các nước. Trong khi một số quốc gia giàu có đã tiêm các mũi nhắc lại, thì 96% người dân ở các nước thu nhập thấp vẫn chưa được tiêm phòng.

Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF viết trong báo cáo: “Đại dịch là vấn đề của tất cả chúng ta. Đại dịch chỉ chấm dứt khi nó biến mất ở tất cả các quốc gia”.

Khủng hoảng chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động

Triển vọng kinh tế của Hoa Kỳ, châu Âu và các nền kinh tế tiên tiến khác cũng trở nên u ám. Các nhà máy gặp khó khăn do các hạn chế liên quan đến đại dịch. Tắc nghẽn tại các cảng quan trọng trên thế giới đã gây ra sự thiếu hụt nguồn cung. Tình trạng thiếu công nhân trong nhiều ngành đang góp phần khiến chuỗi cung ứng càng căng thẳng. Bộ Lao động Hoa Kỳ báo cáo hôm thứ Ba rằng có đến 4,3 triệu người lao động, một con số kỷ lục, đã bỏ việc trong tháng 8 để nhận hoặc tìm kiếm công việc mới hoặc rời khỏi lực lượng lao động.

Tại Hoa Kỳ, tiêu dùng suy yếu và lượng hàng tồn kho sụt giảm lớn đã khiến IMF giảm dự báo tăng trưởng xuống 6% từ mức 7% được đưa ra vào tháng Bảy. Ở Đức, sản lượng của ngành chế tạo đã bị ảnh hưởng vì khan hiếm các nguyên vật liệu chủ chốt. Trong khi đó, các biện pháp phong tỏa trong mùa hè khiến tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản đi xuống.

Lạm phát tăng nhanh

Nỗi sợ hãi về lạm phát gia tăng - ngay cả khi có thể chỉ là tạm thời – ngày càng lớn. Giá thực phẩm, thuốc men và dầu cũng như ô tô và xe tải đang leo thang. Những lo lắng về lạm phát cũng khiến các chính phủ giảm các biện pháp kích thích kinh tế để ngăn ngừa tình trạng suy thoái tồi tệ hơn. Chi tiêu công không thường xuyên tại Mỹ và châu Âu đang giảm dần.

Bà Gopinath nói: “Nhìn chung, rủi ro đối với triển vọng kinh tế đã tăng lên và việc đánh đổi về mặt chính sách trở nên phức tạp hơn. IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống 5,9%, giảm so với mức 6% được dự báo vào tháng Bảy. Đối với năm 2022, ước tính là 4,9%”.

Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng về Hoa Kỳ tại Oxford Economics, cho biết vấn đề chính của nền kinh tế toàn cầu hiện nay là sự phục hồi không đồng đều ở các quốc gia.

Ông nói: “Mọi nền kinh tế đều đang phải hứng chịu hoặc được hưởng lợi từ các yếu tố đặc trưng của riêng họ”.

Đối với các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc, những nền kinh tế có các ngành sản xuất lớn, “lạm phát đang tác động đến họ ở nơi gây ảnh hưởng lớn nhất”, đồng thời chi phí nguyên liệu thô tăng đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.

Đại dịch cũng cho thấy sự thành công hay thất bại về mặt kinh tế một quốc gia có thể lan tỏa ra khắp thế giới như thế nào. Lũ lụt ở Sơn Tây, khu vực khai thác than chính của Trung Quốc, và gió mùa ở các bang sản xuất than chính của Ấn Độ đã góp phần làm tăng giá năng lượng. Một đợt bùng phát Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh đã khiến các nhà máy phải đóng cửa, khiến các chủ cửa hàng ở thành phố Hoboken, bang New Jersey sẽ không có giày và áo len để bán.

IMF cảnh báo rằng nếu Covid-19 hoặc các biến thể của nó tiếp tục lan ra trên toàn cầu, sản lượng của thế giới sẽ giảm 5.300 tỷ đô la trong 5 năm tới.

Giá năng lượng đạt kỷ lục

Sự gia tăng giá năng lượng trên toàn thế giới có nguy cơ gây ra nhiều khó khăn hơn hiện tại và cản trở sự phục hồi. Tuần này, giá dầu đạt mức cao nhất trong 7 năm tại Hoa Kỳ. Khi mùa đông đang đến gần, người dân châu Âu lo lắng rằng chi phí sưởi ấm sẽ tăng cao khi nhiệt độ giảm xuống. Ở những nơi khác, tình trạng thiếu hụt còn giảm sâu hơn, gây mất điện ở một số nơi khiến giao thông tê liệt, các nhà máy đóng cửa và nguồn cung cấp lương thực bị đe dọa.

A power outage on Monday in Beirut. Lebanon’s economic and financial crisis has been one of the world’s worst in 150 years.

Mất điện tại Beirut, Lebanon, nơi đang trải qua khủng hoảng kinh tế và tài chính tồi tệ nhất trong vòng 150 năm

Tại Trung Quốc, điện đang bị cắt giảm luân phiên ở nhiều tỉnh và nhiều công ty đang hoạt động với công suất chỉ bằng một nửa, khiến tăng trưởng tiếp tục chậm lại đáng kể. Trong khi đó, dự trữ than của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp báo động.

Vào cuối tuần qua, 6 triệu cư dân của Lebanon đã không có điện trong hơn 24 giờ do các nhà máy điện phải đóng cửa vì thiếu nhiên liệu. Tình trạng mất điện là một trong hàng loạt sự cố gần đây tại quốc gia này. Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính của Lebanon là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới trong 150 năm qua.

Các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông và những nơi khác đang được hưởng lợi từ việc tăng giá. Tuy nhiên, nhiều quốc gia trong khu vực và Bắc Phi vẫn đang cố gắng hồi sinh nền kinh tế bị đại dịch tấn công. Theo các báo cáo mới cập nhật từ Ngân hàng Thế giới, 13 trong số 16 quốc gia trong khu vực này sẽ có mức sống thấp hơn trong năm nay so với trước đại dịch, phần lớn là do “hệ thống y tế thiếu ngân sách, mất cân bằng và không được chuẩn bị kỹ lưỡng”.

Bất bình đẳng và phục hồi không đồng đều

Các quốc gia khác đã bị đè nặng bởi nợ nần ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, khiến các chính phủ buộc phải hạn chế chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe để trả tiền cho các chủ nợ nước ngoài.

Ở Mỹ Latinh và Caribe, nhiều người lo ngại về tăng trưởng trong một thập kỷ sẽ biến mất lần thứ hai, giống như đã từng trải qua sau năm 2010. Ở Nam Phi, hơn một phần ba dân số không có việc làm.

Tại Đông Á và Thái Bình Dương, bản báo cáo cập nhật của Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo rằng “Covid-19 đe dọa tạo ra sự kết hợp giữa tăng trưởng chậm và bất bình đẳng gia tăng lần đầu tiên trong thế kỷ này”. Các doanh nghiệp ở Indonesia, Mông Cổ và Philippines thiệt hại trung bình từ 40% trở lên trong doanh thu hàng tháng. Thái Lan và nhiều nền kinh tế đảo ở Thái Bình Dương dự kiến ​​sẽ có sản lượng ít hơn vào năm 2023 so với trước đại dịch.

Mặc dù vậy, nhìn chung, một số nền kinh tế đang phát triển đang hoạt động tốt hơn năm ngoái, một phần là do sự tăng giá của các mặt hàng như dầu mỏ và kim loại mà họ sản xuất. Dự báo tăng trưởng của họ có thể tăng nhẹ lên 6,4% vào năm 2021 so với 6,3% mà IMF ước tính vào tháng 7.

Carl Tannenbaum, nhà kinh tế trưởng tại Northern Trust cho biết: “Sự phục hồi là không đồng đều và đó là vấn đề của tất cả mọi người. Các nước đang phát triển đóng vai trò thiết yếu đối với kinh tế toàn cầu”.

Triển vọng kinh tế đang bị che mờ bởi sự không chắc chắn. Các quyết định chính sách sai lầm - chẳng hạn như sự trì hoãn của Quốc hội Mỹ trong việc nâng trần nợ - có thể tiếp tục cản trở sự phục hồi.

Nguy cơ bùng phát Covid-19

Nhưng rủi ro lớn nhất là sự xuất hiện của một biến thể Covid-19 có tốc độ lây nhiễm và mức độ nguy hiểm hơn. Bà Gopinath của IMF kêu gọi các nhà sản xuất vắc-xin hỗ trợ các nước đang phát triển.

South Africa has sent a train with vaccines into one of its poorest provinces to get doses to areas where health care facilities are stretched.

Tiêm chủng tại các quận nghèo nhất của Nam Phi, nơi hệ thống đang quá tải do số ca nhiễm Covid-19.

Đầu năm nay, IMF đã phê duyệt khoản dự trữ tiền tệ khẩn cấp trị giá 650 tỷ đô la phân phối cho các quốc gia trên thế giới. Trong báo cáo mới nhất này, IMF một lần nữa kêu gọi các quốc gia giàu có giúp đảm bảo rằng các quỹ này được sử dụng để mang lại lợi ích cho các quốc gia nghèo đang phải vật lộn nhiều nhất với sự bùng phát của đại dịch.

David Malpass, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến sự đảo ngược bi thảm trong quá trình phát triển trên nhiều khía cạnh. Tiến độ giảm tình trạng nghèo đói cùng cực đã bị lùi lại nhiều năm - đối với một số người là cả thập kỷ”.

Chủ đề: Kinh tế thế giới
Lam Vy (NYT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.